Nhỏ Bình thường Lớn

Từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva, những chiến thắng mang tầm thời đại

Chiều ngày 31/5, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, Đảng uỷ Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tặng hoa và cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện hiện đại, mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đặc san 70 năm Hiệp định Geneva - những bài học lịch sử do Báo Thế giới và Việt Nam xuất bản cho diễn giả Đại tá Nguyễn Hữu Tài (ngoài cùng bên trái) và PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà (ngoài cùng bên phải) . (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Nguyễn Đắc Thành, cùng cán bộ, đảng viên, nhân viên các đơn vị trong Bộ, sinh viên Học viện Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Buổi nói chuyện do Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Phó Cục trưởng Cục quân huấn, Bộ Tổng tham mưu và PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm diễn giả.

Buổi nói chuyện diễn ra trong không khí cả nước vừa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và hướng tới 70 năm kỷ niệm ngày ký Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024).

Đây là sự kiện thứ 2 trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva do Bộ Ngoại giao tổ chức xuyên suốt trong năm 2024.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, 70 năm đã qua từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký kết, dân tộc ta đã đi qua hành trình dài, đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào, từ chiến tranh đến hoà bình, từ thuộc địa đến độc lập, tự do, từ đói nghèo đến ấm no, hạnh phúc. Trong hành trình đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với các mặt trận khác, trong đó có mặt trận quân sự, với chiến lược “vừa đánh vừa đàm”, đã cụ thể hoá những thắng lợi ở chiến trường thành kết quả trên bàn đàm phán, đồng thời cũng góp phần giảm bớt tổn thất, hy sinh trên chiến trường.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc mong rằng, thông qua buổi nói chuyện, hai diễn giả sẽ mang đến câu chuyện lịch sử về hành trình đấu tranh cách mạng Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ đến bàn đàm phán quốc tế tại Geneva. Với Đại tá Nguyễn Hữu Tài - người lính cụ Hồ đã cùng trên 4 vạn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu quả cảm chiến trường Điện Biên năm xưa, đó sẽ là chia sẻ những ký ức hào hùng và những bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra từ cuộc đời gần một thế kỷ. Với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử Việt Nam sẽ mang đến những chia sẻ về ý nghĩa, giá trị và bài học lịch sử rút ra từ Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam.

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva
Đông đảo thế hệ trẻ là sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia buổi nói chuyện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, nhìn lại lịch sử không chỉ để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối đã gây dựng nên cơ đồ cho thế hệ hôm nay, mà còn cùng nhau rút ra những bài học để xây dựng hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.

“Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam là một pho sách để lại cho chúng ta nhiều bài học mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị, Học viện Ngoại giao, Văn phòng Đảng uỷ - Đoàn thể và các đơn vị trong Bộ cần tiếp tục học tập, nghiên cứu, vận dụng các bài học và thực tiễn công tác.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Nguyễn Đắc Thành đã chủ trì điều hành chương trình thảo luận, nhiều câu hỏi được đặt ra dành cho hai diễn giả.

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva
Chương trình thảo luận diễn ra sôi nổi, các diễn giả trả lời nhiều câu hỏi từ Ban tổ chức, các đại biểu tham dự buổi nói chuyện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Buổi nói chuyện đã giúp cán bộ, đảng viên, nhân viên các đơn vị trong Bộ, sinh viên Học viện Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm những câu chuyện lịch sử, về cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc, về những quyết định mang tính chiến lược trong những khoảnh khắc quyết định thành-bại của cuộc chiến.

Đó còn là câu chuyện về những người lính “hò kéo pháo”, “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…”; đó là lòng yêu nước kết thành ý chí chiến đấu quật cường, anh dũng chiến đấu với “binh hùng, tướng mạnh” được trang bị vũ khí, trang thiết bị hiện đại để làm nên chiến thắng vĩ đại, được ví như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX.

Và từ chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó đã giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva về Đông Dương.

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva
Hai diễn giả chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thông qua các câu chuyện lịch sử, các đại biểu đã hiểu thêm về những tháng ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp không kém trận địa Điện Biên Phủ để đi đến việc ký kết Hiệp định Geneva. Kể từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geneva thừa nhận.

Những thế hệ hôm nay hiểu rằng, sự chiến đấu quật cường, sự hy sinh của thế hệ cha anh trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, dẫn đến ký kết Hiệp định Geneva đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã giúp chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở Việt Nam. Sự kiện lịch sử đó mở ra một thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Và tất cả để cho thế hệ con cháu hiện nay được hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay.

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức, các sinh viên tham dự buổi nói chuyện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền cảm hứng cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền cảm hứng cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới

Nhân chuyến thăm Việt Nam tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Pallab Sengupta, Chủ tịch Hội ...

Truyền thông Campuchia: Chiến thắng Điện Biên Phủ là hình mẫu về tinh thần đoàn kết của ba nước Đông Dương

Truyền thông Campuchia: Chiến thắng Điện Biên Phủ là hình mẫu về tinh thần đoàn kết của ba nước Đông Dương

Trong những ngày qua, truyền thông Campuchia đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh về sự kiện Việt Nam kỷ niệm 70 năm Chiến ...

Gặp mặt nhân dịp 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp mặt nhân dịp 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức buổi gặp gỡ hữu nghị để cùng nhìn lại, đánh giá và chia sẻ về ý ...

Hơn 1 triệu khách du lịch đến Điện Biên từ đầu năm đến nay

Hơn 1 triệu khách du lịch đến Điện Biên từ đầu năm đến nay

Từ ngày 1/1-7/5, Điện Biên đã đón hơn 1 triệu lượt du khách với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 1.900 ...

Đối ngoại trong tuần: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Việt Nam-EU chung tay vì một môi trường sạch

Đối ngoại trong tuần: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Việt Nam-EU chung tay vì một môi trường sạch

Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong tuần từ 6-13/5.