Đây là một trong những được các diễn giả bàn thảo sôi nổi tại phiên thảo luận thứ 3 của APEC CEO Summit 2017 với chủ đề “Tương lai của việc làm” chiều 8/11. Phiên thảo luận do phóng viên nổi tiếng của kênh tin tức CNBC (Mỹ) Nancy HungerFord dẫn dắt, bàn về vai trò của các công ty và Chính phủ trong việc đảm bảo cho quyền lợi của người lao động, hỗ trợ người lao động được đào tạo kỹ năng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chủ trì phiên khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Các diễn giả chính trong phiên này gồm: TS. Aran Maree - Trưởng phòng Y tế, Công ty Dược Janssen của Johnson & Johnson; Ông Masamichi Kono, Phó Tổng thư ký - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); Ông Nicolas Aguzin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành, JP Morgan khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Ông Nguyễn Đức Thuận – Chủ HĐQT Tập đoàn TBS.
40% việc làm gặp rủi ro từ tự động hóa
Theo ông Masamichi Kono, Phó Tổng thư ký OECD, nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, năng suất lao động còn thấp, đặc biệt tăng trưởng việc làm ở các thị trường mới nổi đang chậm lại.
Ông Kono cũng dẫn số liệu theo nghiên cứu của OECD cho thấy, các chuỗi cung ứng đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi năng suất và kỹ thuật cao. Tự động hóa có thể sẽ là một thách thức cho thị trường việc làm trong tương lai khi 14% việc làm trên thế giới đang phải đối phó với rủi ro về tự động hóa. 40% việc làm có thể đối mặt với những rủi ro về tự động hóa về dài hạn, gánh nặng từ quá trình chuyển đổi hầu hết phát sinh từ vấn đề già hóa dân số, lao động nữ, lao động di cư…
Ông Masamichi Kono khuyến nghị, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm, các nền kinh tế cần thúc đẩy hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ cao trong công nghiệp để hỗ trợ người lao động tận dụng được những cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, hỗ trợ người dân học đào tạo thông qua các hình thức như học tập từ xa, học trực tuyến…
Số việc làm sẽ tăng lên chứ không mất đi
Trước làn sóng công nghệ, kỹ thuật số, tự động hóa đang phát triển như vũ bão, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều thách thức cho thị trường việc làm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tự động hóa có thể đe dọa làm biến mất nhiều việc làm trong tương lai.
Bàn về vấn đề này tại APEC CEO Summit 2017, ông Nicolas Aguzin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành, JP Morgan khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định, thị trường việc làm đang đối mặt với nhiều bất ổn. Công nghệ và tự động hóa đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng có thể là thách thức lớn đối với thị trường việc làm khi sẽ có nhiều hình thái việc làm mới xuất hiện nhưng cũng nhiều hình thái việc làm biến mất trong tương lai.
Toàn cảnh phiên thảo luận về "Tương lai của việc làm". (Nguồn: DĐDN) |
“Cá nhân tôi cho rằng, số lượng việc làm sẽ tăng lên chứ không mất đi. Vấn đề là ngày ngay, sự chuyển đổi đang ngày càng nhanh chóng, hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn chưa đủ hiệu quả để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến việc làm khi vẫn nhiều người lao động chưa được hưởng những lợi ích từ giáo dục cơ bản, được đào tạo về công nghệ…”, ông Nicolas Aguzin dự báo.
Ông Nicolas Aguzin cũng dự đoán, công nghệ, kỹ thuật số và tự động hóa sẽ ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực tài chính. Lĩnh vực dệt may có thể sẽ có nhiều việc làm bị xóa bỏ, nhiều lao động trong lĩnh vực này sẽ chuyển sang các lĩnh vực khác.
Đặc biệt, một số lĩnh vực mới như thương mại điện tử chắc chắn sẽ tạo ra nhiều triển vọng việc làm cho thị trường lao động. “Hãy nhìn vào Alibaba, họ đã góp phần tạo ra rất nhiều việc làm cho thế giới”, ông Nicolas Aguzin nói.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TSB Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ, các doanh nghiệp cũng đang nhìn thấy cơ hội cho chính mình từ xu hướng này.
“Nhìn ra thế giới, các tập đoàn lớn như Nike hay Adidas, năng suất lao động của người lao động đã tăng rất nhanh, trước 1 giờ làm 1 đôi, giờ làm 1,5 đôi. Chúng tôi cũng phải thay đổi, phải đưa khoa học, công nghệ, ứng dụng quản trị tích hợp... Năng suất lao động tăng lên sẽ kéo theo thu nhập và phúc lợi tốt hơn cho người lao động”, ông Thuấn cho hay.