TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam - Thụy Sỹ tham vấn chính trị cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao | |
Kỷ niệm trọng thể 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sỹ |
Cách đây 725 năm, có ba người đàn ông là Werner Stauffacher, đại diện cho bang Schwyz, Walter Furst của bang Uri và Arnold de Melchtal từ bang Unterwalden đã đến cánh đồng cỏ sát bên hồ Quatre-Canton này cùng với ba mươi người tùy tùng đọc lời thề đoàn kết bảo vệ lẫn nhau trước đe dọa thôn tính của những đế chế hùng mạnh láng giềng lúc ấy. Có rất nhiều lý giải khác nhau về sự tồn tại và phát triển ngoạn mục của một Liên bang Thụy Sỹ trung lập trước bao hiểm họa chiến tranh trên châu lục này, nhưng theo tôi, có lẽ con người vẫn là yếu tố đầu tiên và đoàn kết quốc gia là nền tảng quan trọng nhất.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sỹ (tháng 6/2016). Đại sứ Phạm Hải Bằng (ngoài cùng, bên trái). |
Mỗi lần nhắc đến người Thụy Sỹ, người ta hay nói đến người xạ thủ nổi tiếng từng bắn xuyên qua trái táo trên đầu con trai mình Guillaume Tell hay nhân vật cô bé Heidi luôn tràn đầy niềm vui sống trên dãy Alpes. Như rất nhiều người Việt Nam khác, nhắc đến người Thụy Sỹ, tôi thường hay nghĩ về nhà bác học Alexandre Yersin. Ông là người nước ngoài đầu tiên được đặt tên cho nhiều con phố và quảng trường tại Việt Nam. Trước khi vĩnh viễn ở lại với Nha Trang vào thế kỷ trước, nếu không có những chuyến đi lên đại ngàn Tây Nguyên, ông lại miệt mài làm việc trong ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ mở ra Biển Đông. Ông chắc chắn là “nhà ngoại giao Thụy Sỹ đầu tiên” làm công việc mà bây giờ chúng ta thường gọi là “ngoại giao nhân dân”.
Quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Thụy Sỹ được thiết lập vào năm 1971, bốn năm trước khi nước Việt Nam được hoàn toàn thống nhất. Ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, rất nhiều bạn bè Thụy Sỹ đã xuống đường biểu tình và có những đóng góp thiết thực ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Sau năm 1975, trong khi quan hệ chính thức giữa hai nước mới chỉ có những bước tiến khiêm tốn thì đã có nhiều tổ chức và cá nhân Thụy Sỹ giúp nhân dân ta hàn gắn vết thương chiến tranh. Những đợt vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, quyên góp cho những người tàn tật hay tổ chức trợ giúp những người bị bệnh phong, những trẻ em đường phố… đã giúp cho nhiều số phận vượt qua tình trạng hiểm nghèo. Hội Thụy Sỹ-Việt Nam, bà Anjuska Weil, cô Tim Aline…là những ví dụ sinh động về quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Cách đây hơn ba tháng, ông Francis Cousin, một trong những nhà ngoại giao Thụy Sỹ đầu tiên tại Việt Nam vừa xuất bản cuốn tự truyện nhan đề “Nghề không biên giới - 40 năm phục vụ ngành ngoại giao Thụy Sỹ” trong đó ông đã dành gần 50 trang để kể lại những kỷ niệm về thời gian làm việc tại Hà Nội từ năm 1973 đến 1974. |
Kể từ năm 2000 đến nay, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển rất nhanh chóng. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã trao đổi các chuyến thăm và ủng hộ nhau trên nhiều vấn đề tại các diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEM… Kim ngạch thương mại hai chiều chạm mốc hơn 1,5 tỷ USD trong năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì ở mức độ cao trong năm nay. Thụy Sỹ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong hợp tác và phát triển. Việt Nam đang tích cực đàm phán về một Hiệp định Thương mại tự do với nhóm bốn nước EFTA, trong đó, Thụy Sỹ là Chủ tịch trong năm nay. Mỗi năm có hàng chục sinh viên Việt Nam sang học tập tại một số trường đại học Thụy Sỹ. Chỉ tiếc là hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dạy nghề, một trong những thế mạnh hàng đầu của Thụy Sỹ cũng như một số lĩnh vực khác vẫn chưa phát triển.
Không chỉ những tập đoàn đa quốc gia mà đã có những doanh nghiệp nhỏ và vừa từ chân núi Alpes đến với Việt Nam. Cách đây vừa tròn một tháng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã được đón tiếp hết sức nồng nhiệt khi đến thăm Xí nghiệp sản xuất dây cáp Jacob tại xã Trubschachen. Ông Peter Jacob, Tổng Giám đốc cho biết công việc kinh doanh của ông khởi đầu từ một sự tình cờ khi ông đến thăm một cơ sở sản xuất kẹo dừa trong một chuyến du lịch tại đồng bằng sông Mekong. Ông nhận thấy người Việt Nam thật khéo tay và quyết định mở một xí nghiệp tại khu công nghiệp VSIP. Công việc kinh doanh của ông Peter Jacob thực sự thành công và ông đang tiến hành mở một cơ sở sản xuất thứ hai tại Việt Nam.
Hy vọng trong thời gian tới quan hệ và hợp tác giữa các doanh nghiệp, các thành phố và trường đại học hai nước… sẽ có những bước tiến triển mới.
Truyền thông Thụy Sỹ đưa tin phán quyết của Tòa trọng tài Ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài được công bố, trưa ngày 12/7, Báo NZZ, báo Le Temps, Đài Truyền hình RTS và nhiều ... |
Đại sứ châu Âu tìm hiểu chương trình phát triển bền vững Tây Nguyên Ngày 22/6, các Đại sứ Hà Lan Nienke Trooster, Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen và Đại sứ Thụy Sỹ Beatrice Maser có chuyến làm ... |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm làm việc tại Thụy Sỹ Ngày 14/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến Bern, thủ đô Thụy Sỹ, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Thụy ... |