📞
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (1947-2023)

Tự hào là con của những anh hùng

ĐĂNG NINH 16:17 | 27/07/2023
Có biết bao thế hệ đã đi, sống, hy sinh hay để lại một phần cơ thể mình trên những mảnh đất dọc chiều dài đất nước. Cũng có biết bao người con của các liệt sĩ, thương binh bước ra từ khói lửa chiến tranh, chưa bao giờ quên những gì mà cha anh đã hy sinh, cống hiến.
Thượng tá Lý Tiến Nam tiếp bước cha mình, lựa chọn binh nghiệp, gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: NVCC)

Họ đã chọn cách vượt qua sự mất mát, cố gắng vươn lên để có thể xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước…

Lớp cha trước, lớp con sau

Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1968 đến năm 1975 đất nước thống nhất đất nước, ông Lý A Tờ chuyển công tác sang lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang. Năm 1978, ông chuyển về làm đồn phó Đồn Biên phòng Nậm Mít (nay là Đồn Biên phòng A Mú Sung), huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra, ông là một trong những người lính đầu tiên ngã xuống vào đúng đêm 17/2/1979.

Năm đó giặc tràn qua biên giới tấn công bất ngờ, cả đồn bị vây, họ đã cố gắng cầm cự tới viên đạn cuối cùng. Trên tấm bia tưởng niệm ở Đồn Biên phòng A Mú Sung bây giờ, tên của ông ghi ngay hàng đầu tiên. Đây là niềm tự hào lớn nhất của gia đình liệt sĩ, trong đó có Thượng tá Lý Tiến Nam.

Bố hy sinh từ khi anh Nam mới lên 4 tuổi. Cả cuộc đời bố gắn với những cuộc hành quân vào Nam ra Bắc nên mọi ký ức về bố đối với anh đều rất mơ hồ. Anh chỉ biết đến bố mình qua những câu chuyện kể từ mẹ và đồng đội của bố, qua tấm ảnh thờ và một vài di vật mà ông để lại.

Thế nhưng, ngay từ khi còn nhỏ, anh Nam đã nuôi trong mình ý chí sẽ nối nghiệp bố, khoác lên mình bộ quân phục để bảo vệ Tổ quốc: “Mỗi năm khi đến dịp 27/7 hoặc 17/2, đồng đội của bố lại lên thăm.

Đến khi bắt đầu nhận thức được rằng bố mình đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, mỗi một câu chuyện về bố được kể lại tôi đều thuộc nằm lòng. Sự hy sinh anh dũng của bố và đồng đội nơi mảnh đất biên cương này đã trở thành động lực cho tôi trên mỗi bước quân hành”.

Khi khoác lên mình bộ quân phục rồi, anh càng thấu hiểu hơn những sự hy sinh, vất vả mà những người lính đã trải qua để bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Đến hiện tại, 33 năm trong quân ngũ, mỗi ngày Thượng tá Lý Tiến Nam đều luôn tự nhủ, phải hoàn thành tốt nhất mỗi nhiệm vụ được giao, phải sống xứng đáng với bộ quân phục đang mang, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Anh thường xuyên kể cho các con, cũng như những chiến sĩ trẻ nghe về câu chuyện của bố và đồng đội năm ấy chỉ với một tâm niệm: “Điều tôi mong muốn nhất là đất nước mãi mãi được hoà bình, nhà nhà đều ấm no, hạnh phúc. Chỉ muốn thế hệ trẻ ngày nay nhớ đến công lao của thế hệ đi trước của cha ông, có họ thì mới có cuộc sống hoà bình, yên ấm như bây giờ. Thế hệ hiện nay có làm tốt, đóng góp tốt cho xã hội, đất nước mới phát triển vững mạnh được”.

Ngày giỗ lớn nhất của gia đình

Triệu Ái là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ chiến tranh. Ít ai ngờ được, mảnh đất nhỏ bé với những cánh đồng trù phú, những rừng cây lâm nghiệp xanh tươi, những làng quê, khu dân cư khang trang, tràn đầy sức sống này từng đi lên từ sự hoang tàn, đổ nát bởi bom đạn chiến tranh.

Dường như, mỗi gia đình ở Triệu Ái hôm nay đều có thành viên góp công sức, tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Anh Hoàng Văn Cường, con trai của bà Nguyễn Thị Cúc, ngoài 70 tuổi ở thôn Nại Hiệp, chia sẻ: “Mẹ tôi là con liệt sĩ, còn tôi là cháu ngoại của liệt sĩ Nguyễn Thị Vê, bà ngoại tôi hy sinh thời chống Mỹ. Nay mắt mẹ tôi đã mờ, sức khoẻ yếu đi nhiều, nhưng cứ tới ngày 27/7, mẹ tôi vẫn thường lặng lẽ ngồi trước ban thờ có di ảnh người mẹ liệt sĩ đã ra đi khi tuổi đời còn trẻ”.

Cách nhà bà Cúc không xa là gia đình ông Hoàng Chiêm, gia đình có ba liệt sĩ và một Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ông Hoàng Chiêm tự hào kể: “Bố tôi là Hoàng Ngô và hai anh trai tôi là Hoàng Tâm và Hoàng Quỳnh đều là liệt sĩ. Còn mẹ tôi là Lê Thị Quế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân tôi cũng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, thuộc Sư đoàn 390, sau lại được bổ sung vào Sư đoàn 312, mãi khi về hưu tôi mới về sinh sống tại quê nhà”.

Ông Chiêm bảo, do gia đình có truyền thống cách mạng, nên các ngày giỗ riêng của mỗi liệt sĩ và mẹ ông, con cháu làm mâm cơn đơn giản để cúng giỗ. Riêng ngày 27/7 hàng năm, sẽ là ngày giỗ lớn nhất trong năm của gia đình. Con cháu làm ăn xa cũng về viếng nghĩa trang liệt sĩ xã, rồi cùng quây quần tưởng nhớ tới cha, mẹ và người thân là liệt sĩ - niềm tự hào của cả dòng họ.

Ông Hoàng Chiêm tâm sự: “Dù điều kiện gia đình còn khó khăn, con cháu đều bươn chải làm ăn xa, nhưng chúng tôi không mong gì thêm. Mỗi dịp 27/7, nhìn phần mộ của bốn người thân ở nghĩa trang liệt sĩ được chính quyền, người dân thắp nến trang hoàng hoa đèn tri ân, nỗi nhớ cha mẹ, nhớ các anh tôi cũng ào về. Nhớ lắm, mà gia đình tôi cũng tự hào nhiều lắm”.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Ái anh hùng hiện có 402 phần mộ liệt sĩ. (Ảnh: NVCC)

Bố mẹ chính là điểm tựa

Ông Tạ Đức Mai sinh năm 1940 từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ chín năm và chiến tranh biên giới Tây Nam khoảng bốn năm. Trước khi nghỉ hưu, ông Đức Mai là Trung tá Trung đoàn phó của Quân khu 7.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ký ức về những ngày chiến đấu hào hùng vẫn hằn sâu trong tâm trí. Ông thường kể về những ngày chiến đấu gian khổ cùng đồng đội cho các con mình nghe để thêm trân trọng và tự hào về lịch sử dân tộc. Ông Mai luôn canh cánh trong lòng nỗi buồn khi nhớ về những đồng đội cũ đã từng tham gia các cuộc chiến vì nền hòa bình, độc lập dân tộc của Tổ quốc.

Người con gái lớn của ông là chị Tạ Thị Phương Đông, sinh năm 1976. Cái tên Phương Đông được đặt dựa trên tên của một đồng đội cũ rất giỏi giang, tháo vát. Chị Đông cho hay, không chỉ bố mà cả mẹ mình cũng phụng sự cho cách mạng. Bố là người trực tiếp chiến đấu còn mẹ phục vụ công tác giáo dục.

Từ khi còn nhỏ, chị Đông cùng các em trong nhà rất tự hào khi nghe bố mẹ kể về thời chiến. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bố mẹ chị kết hôn. Vừa sinh ra đã được hưởng nền hòa bình nên chị đặc biệt trân trọng sự hy sinh của thế hệ trước.

Suốt bốn năm bố tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và ở lại chiến trường Campuchia, mẹ chị đã một mình gồng gánh để lo cho các con. Đến giữa năm 1982, ông Mai trở về nhưng đã là thương binh, nhiễm chất độc màu da cam. Sức khỏe của ông Mai từ đó cũng yếu dần.

Hiện giờ, phần do lớn tuổi và phần do ảnh hưởng từ chiến tranh nên ông mắc nhiều bệnh như tiểu đường, suy thận… Tuy nhiên, nếu thời gian có quay ngược trở lại, ông Mai vẫn chọn theo con đường cách mạng, phụng sự cho Tổ quốc.

Với truyền thống của gia đình, từ nhỏ, chị Đông cùng các em đã được giáo dục về tình yêu đất nước, sống tử tế, ngay thẳng và tích cực. Năm 21 tuổi, chị Đông trở thành Đảng viên trẻ tuổi nhất trong giai đoạn ấy của quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Chị Phương Đông tâm sự: “Sau khi nghỉ hưu ở quân đội, bố vẫn về địa phương và tiếp tục tham gia nhiều công tác để phục vụ cho đất nước. Tên tuổi cùng cách nói chuyện ngay thẳng khiến bố được nhiều người quý mến. Cả gia đình rất tự hào khi có bố mẹ theo cách mạng.

Tôi chọn theo nghề giáo viên cũng nhờ vào niềm đam mê với ngành giáo dục do mẹ truyền lại. Chiến tranh qua đi đã để lại nhiều mất mát, không ít đồng đội của bố mẹ đã hy sinh trong cuộc chiến. Tuy nhiên, thành quả mà thế hệ trước để lại không gì có thể đong đếm được.

Đất nước ngày càng phát triển và tốt hơn, tôi chỉ mong bố mẹ thật khỏe mạnh, sống thật lâu để nhìn thấy sự nỗ lực của họ cùng thế hệ trước đã xây dựng Tổ quốc vững mạnh như hiện tại”.