📞

Từ hồi ức Bratislava năm 1967

15:44 | 27/06/2012
Với Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, kỷ niệm tại Hội nghị Bratislava luôn là quãng thời gian ý nghĩa trong thời gian bà hoạt động đối ngoại với tư cách là Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng, kiêm Phó tổng thư ký Hội Phụ nữ Giải phóng. Đến nay, ký ức ấy một lần nữa lại được sống lại khi bà có dịp gặp lại một trong những người bạn Mỹ đại diện cho phong trào phản chiến tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình với người bạn Mỹ, Giáo sư, Tiến sỹ Thomas N. Gardner trong một buổi gặp gỡ tại Hà Nội.

Trong cuốn Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã viết:

"Lần đầu tiên tôi gặp một số đại diện phong trào phản chiến Mỹ là ở cuộc họp tổ chức tại Bratislava (Cộng hòa Slovakia) năm 1967, có khoảng 40 người tham dự. Cảm giác đầu tiên của tôi về những người Mỹ này không lấy gì làm tốt đẹp. Họ ăn mặc lôi thôi lếch thếch, có người mũi giày hở toác ra, ăn nói thì rất tự do. Nhưng vào hội nghị, khi tôi trình bày tình hình Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, tội ác của quân đội Mỹ, nguyện vọng của nhân dân ta chỉ mong muốn có hòa bình, độc lập, không hề làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ..., họ chăm chú lắng nghe, đặt nhiều câu hỏi.

Hội nghị hai ngày, không khí mỗi lúc cởi mở, thân thiện hơn. Cuối cùng hai bên siết tay nhau, hứa hẹn sẽ nỗ lực làm cho dư luận các nước, đặc biệt là Mỹ, hiểu rõ thực tế ở Việt Nam, sẽ cùng nhau tăng cường đoàn kết để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh mà cả nhân dân Mỹ cũng không hề mong muốn. Riêng tôi còn có hai cuộc gặp mặt với phụ nữ Mỹ, một ở Jakarta (1965), một ở Paris (1967), các cuộc gặp mặt giữa phụ nữ hai nước có nét đặc biệt riêng, tình cảm hơn và dễ thông cảm với nhau hơn. Khi nói đến những đau khổ của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, nhiều chị người Mỹ không cầm được nước mắt. Những cuộc gặp này chủ yếu do Phong trào Phụ nữ đấu tranh cho Hòa bình (Women Strike for Peace) tổ chức. Sau năm 1975, khi sang Mỹ tôi còn gặp lại một số chị như Cora Weiss, Mary Clark - những thành viên tích cực của phong trào này... Tôi nghĩ đây là những người bạn ta không bao giờ được quên, họ thật sự đã dành một phần quý báu cuộc đời mình dũng cảm đấu tranh cho Việt Nam…".

45 năm sau, với tư cách là Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam, ngày 11/6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Bình có cơ hội tiếp đoàn sinh viên của Trường Đại học Westfield và Học viện Wilbraham & Monson (Mỹ) và trong đó có Giáo sư, Tiến sỹ Thomas N. Gardner - một trong đại diện tham dự Hội nghị Bratislava. Khi ấy, ông Thomas N. Gardner đang ở độ tuổi 20, hoạt động với vai trò thủ lĩnh sinh viên Mỹ yêu chuộng hòa bình đã gặp những người bạn Việt Nam cùng trao đổi cách thức phát triển phong trào hòa bình.

Tại buổi gặp gỡ đầy xúc động này, bà Nguyễn Thị Bình đã điểm lại các phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn những người bạn quốc tế, trong đó có nhân dân Mỹ đã tham gia phong trào phản chiến. Điều quan trọng nhất mà Nguyên Phó Chủ tịch nước muốn chia sẻ là những nỗ lực hàn gắn hậu quả chiến tranh và ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam hiện nay. Qua đây, bà mong muốn Giáo sư, Tiến sỹ Thomas N. Gardner và các sinh viên Mỹ sẽ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam cũng như tình cảm hữu nghị, tinh thần yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do của dân tộc Việt Nam để tiếp tục quan tâm, ủng hộ đến lĩnh vực nhân đạo cũng như việc khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đối với ông Thomas N. Gardner, kỷ niệm của những ngày đầu xây dựng và mở rộng phong trào sinh viên Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam cùng những ký ức tại Hội nghị kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Bratislava... luôn đi theo năm tháng sau này của cuộc đời. Vì vậy, thực hiện chuyến thăm lần này cùng những sinh viên ưu tú của mình là một dịp tốt để thế hệ trẻ Mỹ có thể tìm hiểu, chứng kiến những đổi thay và hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam. Không chỉ đi thăm quan một số địa bàn, thắng cảnh, trong thời gian ở Việt Nam từ ngày 11 - 17/6, đoàn của ông đã đến giao lưu tại Làng hữu nghị Vân Canh, Hà Nội. Có lẽ, những tình cảm mà ông được đón nhận từ người Việt Nam chính là phần thưởng ý nghĩa nhất cho những gì ông đã lựa chọn và đấu tranh từ 45 năm về trước.

LÊ TUẤN