📞

Từ một ký kết ngoại giao đầu tiên

10:11 | 29/08/2014
Trong lịch sử ngoại giao của nhà nước ta, nghi thức ngoại giao đầu tiên mang tính nhà nước là "Lễ thượng cờ", được tổ chức vào ngày 26/8/1945, một ngày trước khi Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam thành lập trên cơ sở cải tổ Uỷ ban Giải phóng Dân tộc được bầu tại Đại hội Quốc dân Tân Trào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa) tại Lễ ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6/3/1946, 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Lễ "thượng cờ" được dành để đón tiếp phái bộ của Đồng minh mà đứng đầu là Archimèdes Patti - chỉ huy cơ quan OSS (Tình báo chiến lược Mỹ) đặt bản doanh tại Côn Minh vừa bay tới Hà Nội. Hồi ký của A. Patti kể rằng, ông khá bất ngờ khi nhận được tin mời dự nghi thức này ngay tại cửa nơi đoàn tá túc. Một lực lượng quần chúng đông đảo đã được huy động mang theo cờ của các nước Đồng minh và những khẩu hiệu hoan nghênh phái đoàn cũng như bày tỏ ý chí độc lập của người Việt Nam.

Hồi ức về Võ Nguyên Giáp

Người chủ trì buổi lễ đó là Võ Nguyên Giáp, thành viên của Uỷ ban Giải phóng Dân tộc, ngày hôm sau sẽ mang trọng trách là Bộ trưởng Nội vụ. Một dàn quân nhạc cử quốc thiều Việt-Mỹ và lá cờ đỏ sao vàng cùng lá cờ "sao và sọc" đứng song hành một cách trang trọng. Sau lễ ấy, chính chủ nhà nói với vị khách của mình rằng : "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà cờ nước chúng tôi được trương lên trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được cử hành để chào mừng một vị khách nước ngoài"...

Tuy nhiên, sự có mặt của vị khách Mỹ vừa khẳng định mối quan hệ "đồng minh" chống chủ nghĩa phát xít của Việt Minh được xác lập từ trên chiến khu Việt Bắc, nhưng cũng đặt ra những đối sách mà bắt buộc nước Việt Nam độc lập non trẻ phải ứng phó như một phần của thời đại. Đó là việc phải thường xuyên ứng phó với các nước lớn làm sao để bảo vệ được nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Cho dù có những mối quan hệ thân thiện và hợp tác, nhưng Mỹ cũng sớm gửi cho chúng ta thông điệp về sự không can dự vào cuộc mặc cả giữa Pháp và Trung Hoa Dân quốc, hai nước lớn có trách nhiệm giải giáp quân đội phát xít Nhật tại Đông Dương.

Ngay hôm sau, 27/8/1945, Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ lâm thời Võ Nguyên Giáp đã đến gặp đại diện của Pháp, người đã đi nhờ phương tiện của OSS Mỹ để vào Việt Nam trước khi quân đội Trung Hoa Dân quốc vượt biên giới vào phía Bắc vĩ tuyến 16 để giải giáp quân Nhật theo thoả thuận của các nước lớn tại Hội nghị Posdam. Người đó là Jean Sainteny, đứng đầu Cơ quan tình báo Pháp đặc trách khu vực Đông Dương của Tướng De Gaulle, cũng là một chủ hãng bảo hiểm có trụ sở ở Hải Phòng.

Cuộc gặp mặt có sự chứng kiến của A. Patti nên được ông mô tả lại rằng, viên chính khách Pháp vẫn tư duy theo kiểu thực dân vừa cảnh cáo người Việt Nam đừng nghĩ nước Pháp là khách mà "Nước Pháp Tự do" nay đã khác trước sẽ sa thải những người Pháp cộng tác với chế độ phát xít (Pétain) để tạo ra một nước Pháp mới cai trị thuộc địa cũ và sẽ đáp ứng cho dân bản xứ những yêu sách thích hợp. Nhưng Sainteny cũng khuyên Việt Nam nên hợp tác với Pháp để hạn chế sự có mặt của Trung Hoa ở Việt Nam, với những ký ức về một thời bị phương Bắc đô hộ...

Người đại diện của Chính phủ Hồ Chí Minh kiềm chế lắng nghe, rồi như A. Patti mô tả: "Bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo, với một sự kiềm chế tuyệt đối, Giáp nói ông đến đây là theo lời mời của người đại diện cho "Nước Pháp mới" không phải để nghe diễn thuyết... mà để sẵn sàng tham gia một cuộc trao đổi quan điểm (échange de vue) thân thiện".

Còn với lời răn đe của Sainteny rằng ở Posdam, chính vì thấy dân chúng Việt Nam chống đối nước Pháp nên các nguyên thủ Đồng minh mới giao cho Trung Hoa và điều đó sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với người Việt Nam trong tương lai, với tư chất của một giáo viên dạy sử, Võ Nguyên Giáp điềm tĩnh đáp rằng, đây không phải lần đầu người Trung Hoa vào Việt Nam nhưng rồi họ cũng sẽ không ở lại được lâu đâu... Và vị Bộ trưởng Nội vụ của nước Việt Nam độc lập nói rằng người Pháp cứ yên tâm vì Chính phủ Lâm thời đủ sức không để cho người Trung Hoa quấy nhiễu người Pháp...

Sau cuộc gặp này, A. Patti nhận xét: "Ông ta (Sainteny) không biết rằng mình đã đụng đầu với một người mà sau này được lịch sử ghi nhận là đã làm tan rã về cơ bản đế quốc thuộc địa của Pháp ở Viễn Đông". Ngay chính khách người Pháp này, hơn 20 năm sau cũng viết trong cuốn sách Lịch sử một nền hoà bình bị bỏ lỡ (Histoire d' une paix manquée) về cuộc gặp gỡ này với lời đánh giá: "Tôi biết Võ Nguyên Giáp là một trong những sản phẩm sáng giá nhất của nền văn hoá chúng ta. Tiến sĩ luật khoa (thực ra là cử nhân-DTQ), ông ta đã cho tôi thấy một con người quyết đoán, cực kỳ cứng rắn, đầy mưu trí và thông minh".

Câu chuyện "Cà phê kiểu Pháp" và "Tách sứ Trung Hoa"

Một ngày sau cuộc gặp đó, ngày 28/8/1945, những tin tức về việc quân đội Trung Hoa đã vượt biên giới kéo vào miền Bắc nước ta đã lan tới Hà Nội. Đã hình thành một cuộc chạy đua thời gian để làm sao cho nước Việt Nam tuyên bố nền độc lập của mình trước khi các đạo quân viễn chinh nước ngoài kéo vào Thủ đô Hà Nội.

A. Patti được chứng kiến một phần nỗ lực ấy khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời tới gặp tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi nhà lãnh đạo tối cao của cách mạng đang trú ngụ và hoàn thành việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngoài việc được mời góp ý vào văn kiện Tuyên ngôn lịch sử này, người đại diện Hoa Kỳ trong Đồng minh còn nhận được lời đề nghị giúp chuyển tới lãnh đạo cao nhất của nước mình thông điệp mong muốn Mỹ tham gia vào các hoạt động của Đồng minh giải quyết các vấn đề ở Việt Nam và phải cho "Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là Chính phủ duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (những hoạt động quân sự do Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành) có quyền có đại diện trong uỷ ban đó".

Bức điện đề ngày 30/8/1945 cũng do Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã được A.Patti gửi cho Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh để chuyển về Washington, mặc dù ông tiên đoán Mỹ sẽ né tránh vì không muốn đụng tới lợi ích của hai nước lớn cũng là hai đồng minh quan trọng thời kỳ hậu chiến.

Một ngày trước Lễ Độc lập 1/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời người đại diện Đồng minh duy nhất kịp có mặt vào thời điểm nước Việt Nam tuyên bố độc lập tới dự bữa cơm tại nơi làm việc chính thức của Chủ tịch nước vốn là Bắc Bộ Phủ.

Có một chi tiết A. Patti mô tả như một ám chỉ trong câu chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai trợ thủ đắc lực nhất trên phương diện ngoại giao là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám. Đó là chi tiết sau bữa ăn, bước tới bàn trà, vị chủ tịch cao niên tự tay rót "cà phê kiểu Pháp" vào chiếc "tách sứ Trung Hoa" để mở đầu câu chuyện nói về nước Pháp thực dân đã gây bao tai hoạ cho người Việt Nam nay muốn áp đặt trở lại những tai hoạ ấy và đạo quân Trung Hoa hơn 200.000 miệng ăn sẽ là gánh nặng cho một nước Việt Nam chưa hoàn toàn thoát khỏi nạn đói...

Và câu chuyện cũng nhắc tới một thế hệ Việt Nam tương lai phải tìm đến những nền văn minh mới, trong đó có nước Mỹ mà vị Chủ tịch đã từng đến khi còn trẻ và học được rất nhiều điều... Sau này, trong một lá thư gửi cho Chính phủ Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gợi ý sẽ gửi 50 thanh niên Việt Nam ưu tú sang học tập ngành nông nghiệp tiên tiến ở bên kia Thái Bình Dương... Hơn ai hết, viên sĩ quan tình báo Hoa Kỳ hiểu rằng những mong muốn chủ động tiếp cận với những nước lớn có thể làm đối trọng nhằm hạn chế những nước lớn khác đang đe doạ nền độc lập của Việt Nam chưa thể trở thành hiện thực trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển đảo lộn kể từ sau khi kết thúc Đại chiến lần thứ Hai. Nhưng ông cũng hiểu rằng lãnh đạo Việt Nam đã ý thức được vị thế của nước mình trong ván cờ của các nước lớn để có những nước cờ khôn ngoan đủ sức vượt qua thách đố của thời cuộc.

Gỡ bỏ những “nút thắt” ngầm

Ngày 2/3/1946, Quốc hội khoá đầu tiên được triệu tập, một Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập, như tên gọi của nó, nhằm tập hợp tối đa lực lượng dân tộc để sẵn sàng đương đầu với một cuộc chiến tranh vệ quốc một khi hoà bình không cứu vãn được. Võ Nguyên Giáp chuyển sang làm Chủ tịch Quân uỷ hội trực tiếp chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất; chức Bộ trưởng Nội vụ quan trọng được trao cho một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng là Huỳnh Thúc Kháng; Bộ Ngoại giao cũng trao cho một lãnh tụ của một đảng đối lập thân Trung Hoa là Nguyễn Tường Tam.

Trong hồi ký của mình, A. Patti cũng cho biết chính Võ Nguyên Giáp theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ Patti chuyển thư qua cơ quan AGAS (cơ quan hỗ trợ mặt đất của Mỹ) ở Trung Quốc tới Nguyễn Tường Tam đang sống lưu vong ở đó để báo tin: "Việt Minh đã thành lập Chính phủ Cộng hoà Lâm thời. Nhân danh cá nhân, tôi mời ông về Hà Nội" (bức điện được chuyển từ ngày 31/8/1945); còn trợ giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác ngoại giao vẫn là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám.

Chỉ một vài ngày sau khi Quốc hội họp và Chính phủ mới ra mắt, tình hình đã trở nên phức tạp khi Pháp và Trung Hoa Dân quốc đang tiến hành các thoả thuận ngầm để Pháp thay thế quân Trung Hoa ở Bắc Kỳ đổi lại việc Pháp trả một số tô giới và cho khai thác đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, đoạn nằm trên lãnh thổ Trung Hoa. Không thể đứng ngoài những toan tính riêng của các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nhất trí trong Trung ương Đảng (từ 11/1945 đã "tự giải tán" rút vào hoạt động không công khai) đã quyết đi một nước cờ táo bạo để chủ động nhập cuộc. Sau nhiều lần thăm dò giữa hai bên, quan điểm của Việt Nam đòi được độc lập và Bắc-Trung-Nam là một quốc gia thống nhất bị phía Pháp bác bỏ và chỉ chấp nhận Việt Nam là một quốc gia tự trị và Nam Kỳ vẫn là thuộc địa của Pháp. Lợi dụng việc Pháp nóng lòng thực hiện thoả thuận với chính quyền Trung ương của Trung Hoa Quốc dân Đảng ở Trung Khánh còn đang bị một số thế lực trong nội bộ đạo quân Trung Hoa có mặt ở Việt Nam chống đối; Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề không chống lại việc quân Pháp thay thế quân Tưởng, nỗ lực ủng hộ việc đẩy quân Tưởng sớm ra khỏi Việt Nam; đổi lại Pháp ủng hộ một giải pháp mềm mỏng hơn...

Ngày 5/3/1946, quân Pháp đã chuẩn bị đổ bộ vào Hải Phòng, nguy cơ bùng phát chiến tranh với quân Tưởng đã kề cận. Từ tối hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sainteny thương lượng đến quá nửa đêm mới giải quyết được. Vấn đề Nam Kỳ sẽ quyết định sau cuộc trưng cầu dân ý. Còn việc nước Việt Nam hưởng quyền độc lập hay tự trị thì hai bên chưa có tiếng nói chung.

Sáng 6/3/1946, quân Tưởng bắt đầu nổ súng ngăn quân Pháp kéo vào Hải Phòng, hai bên bắt đầu dàn quân chuẩn bị đánh nhau to. Buổi trưa, ở Hà Nội cuộc đàm phán Việt-Pháp được nối lại và nhanh chóng tìm ra giải pháp. Bốn giờ rưõi chiều hôm đó, tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ (vốn là một Câu lạc bộ sĩ quan cũ), hai bên đã thống nhất văn bản bằng việc ông Hoàng Minh Giám đọc to bằng tiếng Pháp trước các thành viên của hai bên, tiếp đó phía Pháp là Sainteny, Cao uỷ Pháp ở miền Bắc Đông Dương, Pignon và Caput là người dứng đầu Chi nhánh Đảng Xã hội Pháp (SFIO) đã ký. Về phía Việt Nam, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam không ký (đơn giản vì quân Trung Hoa rút là ông ta mất chỗ dựa) thì ta khôn khéo bố trí Vũ Hồng Khanh, người của Quốc dân Đảng đang giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến vốn mâu thuẫn với Nguyễn Tường Tam chấp nhận ký.

Việc ký kết diễn ra với sự chứng kiến của một số quan chức ngoại giao như Lãnh sự Mỹ Sullivan, Công sứ Anh Wilson và Công sứ Trung Hoa Dân quốc Vương Tư Kiên. Đây cũng là văn kiện ngoại giao đầu tiên trong lịch sử, nhà nước ta ký kết với một quốc gia khác với sự chứng kiến quốc tế

Trong văn bản được ký kết, thường được gọi là Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có Chính phủ, Quốc hội, Quân đội và Tài chính riêng, là thành viên Khối Liên hiệp Pháp và Liên bang Đông Dương; Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ. Việt Nam thuận cho việc 15.000 quân Pháp vào miền Bắc để thay thế quân Trung Hoa Dân quốc giải giáp quân Nhật và sau 5 năm sẽ rút hết; hai bên sẽ đình chiến và tiến hành các cuộc đàm phán chính thức ở Hà Nội, Sài Gòn hay Paris để bàn tiếp về quyền ngoại giao, quy chế Đông Dương và quyền lợi kinh tế của Pháp...

Lòng tin là cốt lõi của sức mạnh dân tộc

Giải quyết căn bản khúc mắc bước đầu trong mối quan hệ với Pháp, đạt mục tiêu đẩy 200.000 quân Trung Hoa về nước, nhưng vấn đề còn lại là làm sao để đồng bào mình chia sẻ suy tính với ngưòi lãnh đạo trên đường giành độc lập hoàn toàn với Pháp, đặc biệt là thoát khỏi việc “dây dưa” với nước Trung Hoa nhiều hệ lụy lịch sử.

Với một dân tộc vừa hào hứng tiến hành cuộc nổi dậy trên toàn quốc để lật đổ ách đô hộ của thực dân, vừa tuyên bố độc lập nay phải chấp nhận để thực dân Pháp đem quân trở lại miền Bắc với nhiều hiểm hoạ khôn lường làm nảy sinh nhiều bức xúc trong dân và bị các thế lực thù địch khai thác để chống phá nhà nước non trẻ. Trong hồi ức những người đương thời đã ghi nhận biết bao nhiêu tâm tư, như bức thư gửi từ Paris của những đồng chí cũ của Nguyễn Ái Quốc hoạt động bên Pháp: "Chúng tôi chịu ảnh hưởng sự huấn luyện của anh từ năm 1925 lúc anh gây nên phong trào chống đế quốc... Không ngờ, ngày mồng Sáu tháng Ba, chúng tôi thất vọng" (Thư của Hoàng Quang Giụ, Nguyễn Văn Tư, Vũ Văn Tân)...

Vì vậy, ngay sau ngày ký kết, 7/3/1946, trước hàng vạn đồng bào tập trung ở Quảng trường Nhà hát Thành phố, nơi chứng kiến những cuộc biểu dương lực lượng và ý chí chống thực dân ở Thủ đô, sau bài giải trình nội dung Bản Hiệp ước sơ bộ của Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định: "Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là độc lập, thống nhất, cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ. Ta sẽ nhận cho 15.000 quân Pháp vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch, sau năm năm Pháp sẽ rút hết quân đội về nước. Chúng ta phải tin vào Chính phủ, phải đoàn kết, phải tiếp tục chiến đấu. Riêng tôi, tôi hứa với đồng bào: Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước!"...

Lịch sử sau đó chứng minh những nỗ lực vô cùng to lớn của người đứng đầu nhà nước tiến hành cuộc vận động hoà bình để tránh cho hai quốc gia lâm vào cuộc chiến tranh và khi không còn cứu vãn được nữa thì bằng sức mạnh của cả dân tộc thống nhất, tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và kiên định ấy đã đi đến thắng lợi cuối cùng... Trên phương diện ngoại giao, Hiệp định Sơ bộ (1946), Hiệp định Geneva (1954) và Hiệp định Paris (1973) là những mốc son của tiến trình đấu tranh kiên cường đầy hy sinh và gian khổ của toàn thể dân tộc mà ở đó không thể thiếu vắng lòng tin vào những người lãnh đạo như Hồ Chí Minh.

Bài học vô cùng sâu sắc ấy vẫn nóng hổi trong thời đại ngày nay khi dân tộc ta còn phải đương đầu với nhiều thử thách. Trong đó, vấn đề biết ứng phó với các nước lớn để bảo vệ lợi ích dân tộc luôn là bài toán khó đòi hỏi việc xây dựng lòng tin như cốt lõi của sức mạnh cố kết toàn dân tộc mãi mãi là một nguyên lý sống còn đối với sự nghiệp của dân tộc nói chung của công tác ngoại giao nói riêng.

Dương Trung Quốc