📞

Từ ngôi nhà ký ức...

12:06 | 29/08/2015
Một ngôi nhà đẹp, ưa nhìn từ mỗi góc, dễ ngắm từ mọi phía, ở nơi đắc địa, gần gũi với người qua lại, lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất là đối với những người đã gắn bó với trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam hơn 60 năm qua.

Ngày tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954

Ngôi nhà được người Pháp xây dựng làm Trụ sở Sở Tài chính Đông Dương. Khi Chính phủ Việt Nam DCCH tiếp quản Hà Nội, ngôi nhà đó thành Trụ sở Bộ Ngoại giao. Theo một số người cho biết, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, sau đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm nhiệm, đã quyết định Trụ sở Bộ Ngoại giao ở gần để tiện chỉ đạo công việc. Khi đó, biên chế của Văn phòng Chủ tịch và Thủ tướng cùng với Bộ Ngoại giao chỉ hơn 100 người. Đi dự mít tinh cũng xếp một khối, xem phim cũng cùng nhau.

Tôi nhớ lần sắp xem phim ngoài trời, có hai bóng người đi vào, tiếng xì xào nổi lên: "Bác và anh Tô". Bỗng nhiên thấy tiếng Bác: "Hôm nay, Bác và Thủ tướng cùng xem. Thủ tướng sẽ nói chuyện về tình hình trong nước. Nhưng trước hết, Bác phê bình, ở đây có cả các cô chú bên Ngoại giao, nhưng không ai đứng dậy chào khi Bác và Thủ tướng vào". Chúng tôi bật đứng dậy, anh Vũ Hoàng đứng cạnh xuýt xoa: "Chết, chết, sơ suất quá!". Đó là bài học đầu tiên và nhớ đời về ngoại giao của chúng tôi.

Lúc đầu, ngôi nhà quá to đối với biên chế Bộ Ngoại giao. Ngoài số công chức lưu dụng sẵn có của chính quyền cũ như chị Hòa, bác Định (văn thư hành chính), bác Chính (thường trực), anh Diệm (lái xe), số cán bộ kháng chiến về đã làm việc và ăn ở ngay trong ngôi nhà đó. Nhà để ô tô tầng trệt biến thành bếp và nhà ăn tập thể, tầng thượng thành các phòng ngủ, các tầng giữa rộng thênh thang thành nơi làm việc, thậm chí tầng hai phía bên phải có cầu thang lên xuống riêng trở thành "doanh trại" của cả một trung đội bộ đội canh gác cơ quan và các Sứ quán, ngày đêm sinh hoạt, ca hát, chạy tập thể dục buổi sáng, hô khẩu hiệu vang dội cả khu vực.

Tháng 11/1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô, chúng tôi khoảng 12 người (Nguyễn Trung, Doãn Tuệ, chị Nguyệt, chị Vượng...) được phân công về Bộ Ngoại giao để học ngoại ngữ và công tác. Tôi, do trước đó đã làm công tác văn thư ở Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình, nên được biên chế ngay vào Văn phòng Bộ. Không khí sinh hoạt và làm việc lúc đó thật gần gũi hào hứng. Thứ trưởng (duy nhất) Ung Văn Khiêm tuy cùng gia đình ở số 10 Khúc Hạo, nhưng sáng nào cũng chạy sang cùng tập thể dục trước cửa Bộ. Các cán bộ khác (Nguyễn Cơ Thạch, Phan Hiền, Vũ Hoàng...) có gia đình đều ở số 6 Chu Văn An. Lớp cán bộ miền Nam tập kết, bộ đội chuyển ngành và từ các cơ quan khác liên tục bổ sung, nhưng với tác phong kháng chiến đã hòa nhập với nhau rất nhanh.

Tôi thuộc nhóm ít tuổi nhất (vừa tròn 18), thích thú quan sát học tập tác phong làm việc của lớp đi trước. Một hôm khi cùng lật sấp chiếc tủ sách trên tầng bốn để làm giường ngủ, anh Trần Quang Cơ tìm đọc số hồ sơ tiếng Pháp và phát hiện trong Công báo của Pháp có đăng Đơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xin vào Liên hợp quốc ngay từ Khóa Đại hội đồng đầu tiên ở London (tháng 2/1946). Sau này, khi viết về lịch sử Việt Nam tham gia Liên hợp quốc, tôi đã tự hào đưa ra một bằng chứng rất sớm của Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.

Chiến tranh chống Mỹ

Do nhu cầu công tác ngoại giao phát triển nhanh ở trong và ngoài nước, vốn cán bộ trí thức cũ không đủ, Bộ Ngoại giao phải gấp rút tổ chức các lớp học ở trong nước và nước ngoài. Tôi được cử đi học lớp tiếng Anh cấp tốc do Bộ tổ chức ở làng Bái Ân, gần Chợ Bưởi. Ngoài số của Bộ cử (như các anh Nguyễn Dy Niên, Lê Văn Ngọc, Lê Kỳ Giai) còn có người ngành khác, học xong cũng công tác ở Bộ (như các anh Cao Đắc Hưng, Hà Huy Tâm, Trần Lê Đức, Phan Doãn Nam, Lâm Bảo...).

Với vốn tiếng Anh ít ỏi, nhồi nhét chưa đầy một năm, tôi được cử đi Bắc Kinh tham gia làm bản tin tiếng Anh gửi các cơ quan Việt Nam và nước ngoài. Hết nhiệm kỳ ba năm, tôi được giữ lại làm phiên dịch tiếng Anh cho Đại sứ quán thêm ba năm nữa. Về nước, tôi vào biên chế Phòng Phiên dịch và bất ngờ phòng làm việc và chỗ ngồi cũng chính là nơi tôi đã đặt giường ngủ tám năm trước: góc phòng tầng ba phía trong bên phải có cửa sổ nhìn sang Lăng Bác bây giờ.

Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, bộ phận không trực tiếp tác chiến đi sơ tán. Số còn lại chuyển xuống tầng dưới để kịp chạy khi có báo động. Phòng Phiên dịch làm việc ngay tầng trệt. Khi có báo động, mọi người lần lượt chui qua cửa mở khom người ngồi trong hầm đáy của dãy nhà phía sau. Để phát động không khí cơ quan trong thời chiến, lãnh đạo Bộ phân công nhau phát động phong trào học tập và thể thao. Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch yêu thể thao nên nhận phụ trách thể dục thể thao. Tôi có dịp dự Đại hội thể thao GANEFO ở Indonesia và khi ở Bắc Kinh có tập luyện thể thao nên được chỉ định tổ chức tập thể dục giữa giờ và thi đấu bóng bàn với Đại sứ quán Trung Quốc và bóng chuyền với Đại sứ quán Liên Xô. Phong trào thể thao sôi động, được tiếp tục phát triển ngay cả khi phục vụ ngày đêm cho cuộc đàm phán tại Paris.

Sau ký kết Hiệp định Paris, mặt trận đấu tranh ngoại giao trên diễn dàn quốc tế phát triển mạnh. Vụ Vấn đề chung được thành lập, tập hợp những cán bộ khá ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Tôi được điều động từ Phòng Phiên dịch sang, sau đó là một số mới về (Vũ Quang Diệm, Đinh Thị Minh Huyền, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Lương Minh, Vũ Dũng, Tôn Nữ Thị Ninh). Vụ Vấn đề chung chỉ có ba phòng làm việc chật chội ở tầng ba nhưng được ưu tiên hướng dẫn viết luận văn và nhận về những thủ khoa của Trường Ngoại giao. Vụ trở thành một vườn ươm cán bộ ngoại giao trẻ: Phạm Quang Vinh, Trương Triều Dương, Dương Chí Dũng, Nguyễn Thị Nhã (K10), Phạm Bình Minh (K11), Lê Hoài Trung (K12), Phạm Sanh Châu, Vũ Anh Quang (K13), Trần Hương Liên (K14), Trần Ngọc An (K16)…

Rất mừng là số cán bộ trẻ ngày xưa, hai người phải ngồi chung một bàn trong phòng chật chội, đã trưởng thành đóng góp quan trọng cho ngành Ngoại giao.

Bao vây cấm vận

Cuối 1978, Tanzania đưa quân vào Uganda chấm dứt chế độ độc tài Amin, Ấn Độ đưa quân vào chống chế độ tàn bạo ở Đông Pakistan và nước Bangladesh ra đời, cả thế giới hoan nghênh các nghĩa cử đó. Cũng thời gian đó, quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh tan bọn diệt chủng Pol Pot thì lại bị coi là xâm lược. Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc sau đó lôi kéo các nước phương Tây và ASEAN bao vây cấm vận Việt Nam. Nước Việt Nam vừa thống nhất và tham gia Liên hợp quốc lại bị khó khăn trên diễn đàn quốc tế. Ngành Ngoại giao và cán bộ ngoại giao đa phương lại phải đấu tranh vất vả trên các diễn đàn quốc tế. Do tài chính khó khăn, người ít, việc nhiều, phải đấu tranh kéo dài ngày đêm trên các diễn đàn, phải đối phó, chịu đựng không chỉ thể xác mà cả tinh thần khi các nước bạn bè cũ bị lôi kéo lên án Việt Nam xâm lược. Với nỗ lực tối đa, Việt Nam đã đóng góp cho giải pháp Campuchia, cùng với công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã nhanh chóng phát huy vai trò quốc tế của mình và cán bộ đa phương ngoại giao lại có điều kiện đóng góp phần mình, nêu cao vị thế Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN...

Đất nước Đổi mới

Năm 1995, với ba sự kiện trọng đại: Việt Nam tham gia ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đăng cai thành công Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, đã mang lại bầu không khí tươi mới, rộn ràng trên đất nước Việt Nam. Hà Nội, khu trung tâm Ba Đình luôn rực rỡ cờ hoa, trụ sở của Bộ Ngoại giao cũng góp phần quan trọng với lễ thượng cờ ASEAN trọng thể trong khu trung tâm đẹp đẽ hiếm có đối với các nước khác. Tôi có dịp công tác qua nhiều nước, nhưng phải nói rằng chưa có nơi nào có trụ sở Bộ Ngoại giao đẹp đẽ đến đáng yêu như ở Việt Nam. Tôi rất tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Bộ Ngoại giao ưu đãi này để các thế hệ cán bộ ngoại giao mãi mãi noi gương Người phát huy nền Ngoại giao Hồ Chí Minh, sánh vai cùng cường quốc năm châu như Người hằng mong ước.

Phạm NgạcNguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung, Bộ Ngoại giao