Katie Ford (trái) nỗ lực không mệt mỏi chống lại nạn buôn người. |
Khi là Giám đốc điều hành của hãng Ford Models, Katie Ford đã đến hơn 50 quốc gia để tìm kiếm những gương mặt mới và “hô biến” họ thành những ngôi sao trên sàn diễn thời trang ở New York, Paris và Milan. Giờ đây, người phụ nữ 60 tuổi đang sử dụng những kỹ năng mà bà đã phát triển trong hơn thập kỷ chèo lái tại Ford Models để chống lại nạn buôn người và nô lệ kiểu mới ở Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Bắt đầu từ sự tương đồng
Nhân vật quyền lực trong ngành thời trang thừa nhận, bà chưa bao giờ nghe nói về nạn buôn người cho đến khi Liên hợp quốc mời bà tham dự một hội nghị về chủ đề này cách đây 8 năm. Bà sững sờ khi phát hiện ra những điểm tương đồng với ngành công nghiệp mà mình gắn bó hơn 30 năm...
"Khi tôi nghe nói rằng, hiện vẫn có những người sống như nô lệ, tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi", bà giải thích. “Cách mà đối tượng buôn người thực hiện cũng tương tự cách chúng tôi săn tìm người mẫu trên khắp thế giới. Chúng tôi nói chuyện với các bạn trẻ, cả nam và nữ, về các cơ hội làm việc tại New York trong ngành công nghiệp thời trang. Tất nhiên, diễn thời trang đi kèm với sự nổi tiếng và một mức lương rất cao…”.
Thực tế là hy vọng và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của một người mẫu tương lai không khác một công nhân mỏ đến Mỹ từ Mexico. “Họ kỳ vọng sẽ xây đắp một cuộc sống tốt hơn cho gia đình mình ở quê nhà... Và rồi, họ bị lừa vào các tình huống mà họ hề mong đợi”, bà Ford nói.
Từ những gì được nghe, bà tin rằng mình có thể giúp đỡ những người đến Mỹ mà không có được một kết thúc vui vẻ như họ mong đợi… Bà thành lập Freedom For All, tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ các nạn nhân của chế độ nô lệ thời hiện đại và thuyết phục các doanh nghiệp không khai thác lao động bị cưỡng bức.
"Tôi biết tôi có thể làm gì đó để giúp đỡ họ bởi tôi có kiến thức rất đặc thù, chẳng hạn như luật nhập cư, cách tiếp cận với những người trẻ ra nước ngoài làm việc... Một giám đốc điều hành phải dàn xếp rất nhiều việc, vì thế tôi có niềm tin rằng mình có thể mang đến sự thay đổi”.
Tiếng nói của nạn nhân
Một trong những người mà bà Ford đã hỗ trợ là cựu nhân viên ngân hàng Shandra Woworuntu. Năm 1998, bị thất nghiệp tại quê nhà, cô gái người Indonesia này sang Mỹ tìm việc. Cô trả 3.000 USD cho nhà tuyển dụng để đảm bảo cho một công việc thời vụ 6 tháng tại một khách sạn ở thành phố Chicago, bang Illinois.
Khi đó, cô gái 25 tuổi đã vô cùng phấn khích. “Tôi đã đến Đại sứ quán, nhận thị thực và bay tới thành phố New York", cô kể lại. Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh, cô nhanh chóng nhận ra sự thật phũ phàng. Người đàn ông đón Woworuntu nói rằng, cô sẽ phải qua đêm ở New York. "Anh ta lái xe chở tôi đến một địa điểm và bán tôi để lấy tiền”, cô giải thích. "Tôi đã bị bán cho 5 kẻ buôn người khác và trong hôm đó, tôi bị ép phải tiếp khách, trong 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ liền". Sau đó, Woworuntu bị tước hộ chiếu và người ta bảo cô phải kiếm được 30.000 USD để đổi lấy tự do cho chính mình. Với mỗi lần tiếp khách, cô được trích 100 USD.
Cô gái Indonesia với biệt danh "Candy" đã phải phục vụ trong một loạt nhà thổ. Sau nhiều lần nỗ lực bỏ trốn, cô đã nhảy từ cửa sổ tầng hai của một ngôi nhà ở quận Brooklyn để thoát khỏi kẻ buôn người. Cô báo với cảnh sát nhưng cảnh sát lại không tin cô.
Không người thân thích và không tiền, cô phải ngủ hoang trong công viên và đi xin thức ăn. Cuối cùng, một người bạn đã giúp cô liên hệ với nhà chức trách và lên tiếng về vụ việc. Kẻ buôn người đã bị bắt và nhiều người phụ nữ khác đã được giải cứu.
Câu chuyện của Shandra Woworuntu truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ. |
Sau nhiều năm sống trong yên lặng, Woworuntu đang tích cực tham gia hoạt động chống buôn người. Được Ford động viên, cô đã chia sẻ câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho những người khác. Nhiệm vụ của cô trong Freedom For All là giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người, giúp họ học và tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.
"Sự sống sót của tôi không dễ dàng gì", cô nói. "Nhưng tôi đã học được nhiều điều".
Hành trình chưa có điểm kết
“Mỗi lần nghe chuyện của người sống sót, tôi đều cảm động”, Ford nói. “Đó là nguồn cảm hứng để tôi hành động. Thật tuyệt vời khi chứng kiến sự thay đổi tích cực của họ, từ ngày được giải phóng cho đến 2-3 năm sau đó”, Ford nói.
Ford hy vọng những câu chuyện gây sốc như của Woworuntu có thể gây tác động trong thế giới thời trang và các ngành công nghiệp khác có liên quan đến chế độ nô lệ thời hiện đại. "Mỗi hành trình đều bắt đầu bằng bước đi đầu tiên. Vấn đề càng được nhiều người biết đến thì những kẻ buôn người sẽ phải dè chừng. Hôm nay, nếu thấy ai đó bị trói vào cột, chúng ta sẽ làm điều gì đó, nhưng trong thời kỳ buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, đó là chuyện bình thường. Quan niệm của con người có thể thay đổi nhưng họ phải biết những gì họ đang nhìn thấy".
Rõ ràng là những nỗ lực của Ford có tiến triển trong việc nâng cao nhận thức về nạn buôn người, song nhà vận động đầy nhiệt huyết vẫn cảm thấy thất vọng khi nhiều doanh nghiệp cố tình bỏ qua các dấu hiệu của vấn nạn toàn cầu này.
"Trong nhiều trường hợp, mọi người cố gắng để thực hiện thay đổi, nhưng một bộ phận người khác lại không quan tâm. Họ cứ nói rằng “chuyện đấy xảy ra rất xa nơi tôi ở”, nhưng thực sự là lợi nhuận chẳng cách xa họ là mấy”.
Dù thế nào, cựu lãnh đạo hãng Ford Models sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại nạn buôn người “cho đến khi nó kết thúc - tôi hy vọng là trong khi tôi còn sống".
Nạn buôn người là ngành kinh doanh bất hợp pháp mang lại lợi nhuận cao nhất sau sau buôn lậu ma túy ( 31,6 tỷ USD hàng năm), theo Liên hợp quốc. |
Hạnh Diễm (theo CNN)