📞

Từ tháng 8, các nguồn vaccine Covid-19 Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều

Thái Bình 09:54 | 04/06/2021
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Việt Nam đã tiếp cận được 150 triệu liều vaccine Covid-19. Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân làm việc trong KCN tại Bắc Giang. (Nguồn: SK&ĐS)

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã trả lời báo chí các vấn đề liên quan đến vaccine Covid-19; cơ chế cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia, tiếp cận và cơ chế kiểm soát chất lượng của sản phẩm này.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, để có vaccine cho người dân sớm nhất thì Chính phủ khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, có nguồn vaccine cùng tham gia.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, có hai cách tham gia: Một là huy động tiền đóng góp cho Quỹ vaccine, hai là trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn rất tin cậy.

Cơ bản Việt Nam đã tiếp cận được 150 triệu liều vaccine Covid-19

Về việc kiểm soát chất lượng, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết vaccine hiện nay được nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp với chất lượng được nhà sản xuất đảm bảo.

Tuy nhiên, do vaccine được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù: Chất lượng vaccine được nhà sản xuất đảm bảo nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi. Thêm vào đó, có những loại vaccine được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, ví dụ như có loại vaccine bảo quản nhiệt độ âm 75 độ.

Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vaccine khi về Việt Nam có một số nội dung chưa kiểm định được. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vaccine không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận.

"Trong trường hợp này, phương pháp là chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian vì khi vận chuyển vaccine về, chúng ta không kiểm soát được quá trình bảo quản vaccine có bảo đảm không hoặc nhà sản xuất phải ủy quyền chính thức cho công ty nào và chúng ta được kiểm tra việc ủy quyền đó, nhưng khi mua ta vẫn phải mua trực tiếp của nhà sản xuất", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh

Thông tin về tiến độ tiêm vaccine ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

“Chúng ta cơ bản tiếp cận được số lượng này. Tuy nhiên, khi nhập khẩu ta phải ký cam kết, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra hoặc chúng ta cũng phải chấp nhận khi các công ty giao hàng không đúng tiến độ”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.

Sở dĩ có thỏa thuận này bởi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do vậy có trường hợp vaccine đang chuyển về Việt Nam nhưng lại bị điều sang nước khác có tình trạng dịch bệnh cấp bách hơn. Tiến độ cung ứng vaccine hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất bởi cung chưa đủ cầu.

"Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. Hiện nay, chúng ta đã mua được 170 triệu liều vaccine nhưng phải chấp nhận khả năng không được giao hàng đúng tiến độ vì các lý do tôi đã nêu ở trên", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân KCN; chuẩn bị sẵn khu cách ly phòng chống dịch

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, hiện nay các khu công nghiệp (KCN) là một trong những nơi tham gia vào mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế..

Các KCN cũng là nơi khi dịch xảy ra thì tốc độ lây lan rất nhanh do tập trung đông người, điều kiện làm việc từ nhà ăn, khu vệ sinh, khu thay đồ… dễ làm lây lan dịch bệnh nhất.

Dịch Covid-19 lần này khác với những lần trước, trước đây, chúng ta đề nghị khoảng cách khoảng 2m là do chủng virus cũ lây qua nước bọt, nước bọt chỉ bắn dưới 2m là rơi. Chủng mới lây lan lần này đi qua không khí, không rơi, lơ lửng trong không khí vì thế, việc đeo khẩu trang là hết sức quan trọng.

Với điều kiện làm việc tại các KCN như đã nói ở trên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và có chính sách trước mắt là tập trung ưu tiên cho KCN, trong đó có việc tiêm vaccine cho công nhân các KCN. Với các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, vừa rồi vaccine về cũng chưa nhiều nhưng đã ưu tiên cho 2 tỉnh này, mỗi tỉnh 150.000 liều để tiêm cho công nhân trong KCN.

Thứ hai, Ban Chỉ đạo tại địa phương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh đã có hướng dẫn, quan tâm rất đầy đủ đến công tác phòng chống dịch cho công nhân các KCN như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhất là chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly để nếu có ca lây nhiễm thì cách ly ngay, tránh cách ly đông người, có thể lây chéo trong khu cách ly.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói cho biết: "Vừa rồi, tôi có tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đi kiểm tra công tác chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, thăm các KCN. TP. Hồ Chí Minh đã rất chủ động mặc dù chưa có trường hợp mắc trong KCN.

Nhưng đây là nơi luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Thành phố rất quyết liệt, các KCN của Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các khu cách ly, sẵn sàng phương tiện phòng chống dịch. Thành phố cũng quan tâm đến vấn đề tiêm vaccine.

Với kết quả như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo các tỉnh mà TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ, chúng ta hy vọng rằng việc lây lan Covid-19, phòng chống dịch của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh nói chung sẽ được thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh".

(theo SK&ĐS)