TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ miễn áp thuế cao đối với nhôm, thép nhập khẩu từ Canada, Mexico | |
Canada nỗ lực hướng đến ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ và Mexico |
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: The Globe and Mail) |
Lạ và quen
Ngày 21/5, phát biểu tại Quebec, ông Trudeau khẳng định: “Trung Quốc đang có những hành động mạnh mẽ chưa từng có, để áp đặt quan điểm của mình lên cộng đồng quốc tế”. Tương tự, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng khẳng định trợ lý của bà hiện đã tới Trung Quốc và đã có nhiều cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc về các công dân bị bắt cóc “bất hợp pháp và phi lý”. Ottawa cũng đang triển khai kế hoạch dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới Mỹ, nơi bà sẽ phải đối mặt với 23 tội danh gian dối và đánh cắp công nghệ từ phía Mỹ.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lư Sa Dã lấy làm tiếc khi quan hệ song phương ở “điểm đóng băng” và kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau sửa chữa tình trạng đổ vỡ hiện nay bằng cách trả tự do cho Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị các cơ quan hành pháp của nước này bắt giữ hồi tháng 12/2018.
Theo dõi những động thái này có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong tuyên bố của hai nhân vật đứng đầu chính phủ Canada liên quan đến khủng hoảng Huawei so với 6 tháng trước. Ngay sau khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái của Chủ tịch Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ hồi tháng 12/2018 tại sân bay Vancouver, Ottawa đã có phản ứng tương đối bị động. Hầu hết các tuyên bố của ông Trudeau và bà Freeland mang tính hòa hoãn và chủ yếu dồn trách nhiệm cho phía Tòa án Mỹ đã ra lệnh bắt giữ, khẳng định rằng Canada chỉ thực hiện trách nhiệm hành pháp theo hiệp định dẫn độ với nước láng giềng Bắc Mỹ.
Ngay cả khi Bắc Kinh liên tiếp bắt giữ hai công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, Ottawa vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm đối sách, khi Washington đã không có động thái ủng hộ đáng kể nào nhằm giúp giải quyết “hậu quả” đến từ chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump khơi mào.
Vậy điều gì đã khiến Canada, chỉ sau thời gian ngắn, có thể phát ngôn “bạo dạn” đến vậy? Chuyển biến mới đây trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có lẽ là câu trả lời hợp lý.
Một lựa chọn, hai con người
Tuyên bố của Thủ tướng Justin Trudeau được đưa ra sau khi ngày 15/5, Tổng thống Donald Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến nguy cơ đối với công nghệ và dịch vụ thông tin và truyền thông, chủ yếu là nhắm vào Huawei và ZTE, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. Gần như ngay lập tức, hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung như Google, Microsoft, Toshiba, Qualcomm, ARM… đã hủy bỏ hợp tác với Huawei. Diễn biến này cho thấy Washington đang nắm thế chủ động, gây áp lực với Bắc Kinh trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng.
Trong phát biểu của mình, ông Trudeau cũng khẳng định: “Các quốc gia phương Tây và các nền dân chủ trên thế giới đang đoàn kết để chỉ ra rằng hành động của Trung Quốc không được phép tiếp tục”. “Quốc gia phương Tây” được đề cập ở tuyên bố này đứng đầu chính là Mỹ và với việc luôn tự coi mình là một “Quốc gia phương Tây”, Canada dường như muốn đánh tiếng về việc “chọn phe” Mỹ trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sẵn sàng có các hành động cứng rắn đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong chiến tranh thì không có người thắng cuộc và cái giá cho sự lựa chọn của Canada là không hề nhỏ, khi nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Ottawa – Bắc Kinh, vốn được dày công vun đắp trong nhiều năm qua. Đồng thời, chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau cũng sẽ phải đối mặt với sự trả đũa mạnh mẽ đến từ cường quốc châu Á. Khi đó, những nỗ lực giải cứu hai công dân Canada đang bị Trung Quốc bắt giữ gần như sẽ trở thành công cốc, bất chấp những nỗ lực trước đó của Thủ tướng Trudeau lẫn Ngoại trưởng Freeland. Đây rõ ràng là điều Ottawa không hề mong muốn.
Hai công dân Canada Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig đang bị Trung Quốc giữ. (Nguồn: AP/ICG) |
Dù vậy, ông Yves Tiberghien, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Châu Á tại Đại học British Columbia, lại cho rằng còn đó giải pháp để Canada có thể tránh thương vong từ “làn đạn” Mỹ - Trung nói chung và khủng hoảng Huawei nói riêng.
Đầu tiên, Canada cần tiếp tục nhấn mạnh rằng việc bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu được thực hiện chỉ dựa trên hiệp định dẫn độ ký kết với phía Mỹ và không ẩn chứa bất kỳ ý đồ, mục đích chính trị nào khác.
Thứ hai, Thủ trướng Trudeau cần cử một đặc phái viên cấp cao tới Trung Quốc nhằm giải trình về hành động bắt giữ bà Mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn lắng nghe quan điểm từ phía Bắc Kinh, nhằm mở ra cơ hội giảm căng thẳng quan hệ song phương.
Cuối cùng, số phận của bà Mạnh Vãn Chu cần được sớm quyết định. Điều này có thể diễn ra thông qua đàm phán Mỹ - Trung hay hành động cụ thể đến từ phía Canada. Giải quyết thành công vấn đề Giám đốc Tài chính của Huawei sẽ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Ottawa nhằm tìm kiếm tự do cho ông Kovrig và ông Spavor, đồng thời nối lại quan hệ với Bắc Kinh, như Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lư Sa Dã từng ẩn ý: “Nút thắt cần được gỡ bỏ bởi người buộc nó”.
| Nhân định được thời. Ba nguyên nhân khiến ông Modi thắng cuộc bầu cử Ấn Độ TGVN. Biến cuộc bầu cử quốc hội thành cuộc "bầu cử tổng thống", dẫn dắt và thao túng tiến trình vận động tranh cử, tận ... |
| Nhiều khói, ít lửa. Thực chất của xung khắc Mỹ - Trung hiện tại. TGVN. Xung khắc thương mại Mỹ - Trung hay cuộc thập tự chinh của Mỹ nhằm vào Huawei chỉ là phần nhô lên của tảng ... |
| Mỹ - Iran. Doạ, ép, đe chứ không chiến TGVN. Nhìn vào biểu hiện bề ngoài, căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran vẫn tiếp tục leo thang. Binh lính, vũ khí và ... |