Ca sĩ Thái Thùy Linh có nhiều năm gắn bó với công việc thiện nguyện |
Là một người tích cực hoạt động tình nguyện, từ thiện, có kinh nghiệm, lăn xả trong nhiều năm trời. Theo chị, người hoạt động từ thiện phải cố gắng, phải chú ý những vấn đề gì?
Theo tôi, người hoạt động từ thiện phải tính đến hiệu quả thiết thực, phải lượng sức mình. Và khi đã nói thì phải giữ lời. Đây là lý do khi tôi tham gia chương trình từ thiện nào đều phải đi khảo sát, lắng nghe và không vội hứa hẹn. Chỉ hứa khi chắc chắn mình làm được.
Yếu tố khác là sự công tâm. Có công tâm mới giữ được uy tín. Nếu không có sự công tâm, sẽ gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Ví dụ khi tôi làm chương trình tiếp sức chống dịch, tôi có những người quen, họ hàng đang ở điểm này điểm kia. Khi biết tôi làm, người quen cũng gọi xin ưu tiên đưa chương trình về chỗ họ. Nhưng tôi nói rõ, sẽ xem xét trên tình hình thực tế, ở đâu cần giúp trước thì phải ưu tiên chỗ đó.
Người ta cũng nói "của cho không bằng cách cho". Thực tế, có đoàn thiện nguyện đến giúp dân nhưng thái độ, tác phong không phù hợp sẽ để lại cảm xúc xấu cho những người được nhận. Người nhận sẽ không cảm được tình cảm, sự chia sẻ, trân trọng, thậm chí họ còn cảm thấy tủi hổ, tự ti, ấm ức…
Theo chị, với một nghệ sĩ hoặc bất kỳ ai, mà quá bận rộn, không chủ động được kế hoạch, thời gian để làm từ thiện thì có nên kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ từ thiện?
Tôi cho là vẫn nên kêu gọi. Vì sao? Vì khi người khác gặp khó khăn, đang cần sự hỗ trợ của cộng đồng thì những khoản tiền tưởng nhỏ nhưng lại mang lại hiệu quả lớn. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Nhưng họ phải tính giải pháp mình sẽ làm gì với số tiền kêu gọi được. Mình sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu thiện nguyện đã đề ra khi kêu gọi mọi người ủng hộ.
Thứ hai là phải minh bạch, rõ ràng. Biết trước là bản thân không trực tiếp đi trao tiền, quà được thì cũng phải nói rõ khi kêu gọi. Tóm lại, phải thông báo trước, đưa ra các giải pháp để mọi người nắm được.
Cụ thể như đợt miền Trung vừa rồi, hết đợt lũ này đến đợt mưa khác, có kế hoạch tôi làm được, có kế hoạch tôi chưa làm được nhưng tôi nói rõ: "khi nào các điều kiện, yếu tố thuận lợi, phù hợp thì tôi sẽ lên đường".
Ở đây, không phải tôi biện minh, nhưng cũng có chút thông cảm với anh Hoài Linh. Bởi chính tôi thời gian vừa rồi cũng bị kẹt, điểm trường tôi muốn giúp lại ở vùng sâu vùng xa, đường xá khó khăn, có thể gây nguy hiểm cho đoàn tình nguyện nếu quyết định đi nóng vội. Cũng gây nguy hiểm cho người dân nữa, nếu họ băng rừng băng suối đến điểm tiếp nhận quà của mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Chị từng nói: "Nếu như coi việc giữ tiền từ thiện của mọi người gửi mình giống như một "món nợ". Đã gọi là nợ thì mình phải trả và phải thông báo rằng bao giờ tôi sẽ trả. Hoặc nếu có bị trễ cũng nên nói rằng vì sao tôi trễ hoặc bao giờ tôi giải quyết vụ này. Tôi nghĩ chỉ cần có động thái như thế thôi thì đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra như hôm nay". Theo chị, với nghệ sĩ đã để xảy ra "điều đáng tiếc" thì điều ngay và luôn họ cần thực hiện là gì để lấy lại niềm tin từ khán giả?
Như tôi đã chia sẻ, nếu như coi việc giữ tiền từ thiện của mọi người gửi mình giống như một "món nợ". Đã gọi là nợ thì mình phải trả và phải thông báo rằng bao giờ tôi sẽ trả. Hoặc nếu có bị trễ cũng nên nói rằng vì sao tôi trễ hoặc bao giờ tôi giải quyết vụ này. Tôi nghĩ chỉ cần có động thái như thế thôi thì đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra như hôm nay.
Nếu để xảy ra sự việc chậm trễ đi trao tiền từ thiện, chậm thông báo thì tôi nghĩ có hai việc nghệ sĩ phải làm ngay. Đó là sai ở đâu nhận ở đó, thái độ chân thành. Và phải chứng minh bằng hành động ngay.
Là một nghệ sĩ gắn với công việc thiện nguyện, đứng từ ngoài nhìn vào ồn ào chuyện nghệ sĩ đi từ thiện những ngày qua, cảm giác của chị cảm thấy thế nào?
Là một nghệ sĩ có nhiều năm gắn với công việc thiện nguyện thì thực sự những ngày qua tôi cảm thấy rất đau xót, tổn thất, mất mát.
Tôi đau lòng khi các đồng nghiệp tài năng, đáng kính chỉ vì sơ sẩy mà bị sụp đổ hình tượng, bị phủ nhận những đóng góp từ bao năm nay
Tôi cũng đau lòng khi các nghệ sĩ bị chụp mũ, bị đánh đồng, bị đưa lên giàn thiêu, trở thành bia để người ta trút sự giận dữ, thất vọng và những lời rủa xả cay nghiệt.
Tôi không nói anh Hoài Linh đúng trong hoạt động từ thiện vừa rồi, nhưng sai ở đâu thì nói ở đó. Nếu sai quá thì có pháp luật, chứ không thể nào mỗi người tự lập một phiên tòa riêng, dùng lời lẽ ác ý, phủ nhận hoàn toàn, đánh đồng việc làm thiện nguyện với công việc chuyên môn, cuộc sống riêng. Nếu không yêu thì cũng đừng nói lời cay đắng.
Tôi nói như vậy không phải để bênh vực hay chữa cháy cho ai cả mà tôi thấy qua những sự việc gần đây, cũng là dịp để tất cả mọi người cùng nhìn lại công việc thiện nguyện. Kể cả những nghệ sĩ, cho đến lúc này hẳn đã có những bài học cực kỳ sâu sắc.
Về phía công chúng, các nhà hảo tâm cũng có những bài học cho mình về lòng tin, sự ngưỡng mộ, kỳ vọng thái quá!
Từ những ồn ào liên quan đến tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, Trấn Thành… gần đây, theo chị hai nghệ sĩ trên có những thiếu sót gì khiến dư luận phản ứng, đặt nghi vấn không tích cực?
Thực ra trong thời điểm này, tôi không muốn chỉ ra những điểm còn thiếu sót của đồng nghiệp, nhất là những người tài giỏi mà tôi trân trọng tài năng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng cần phải có quan điểm, chia sẻ rất công tâm. Cái gì được là được. Cái gì chưa ổn thì phải góp ý cho nhau. Với trường hợp của Trấn Thành, anh Hoài Linh, nếu mình nói với thành kiến sẵn có hay đang tức giận thì sẽ phát hiện rất nhiều lỗi.
Nhưng để đưa ra cái nhìn khách quan, xây dựng thì tôi thấy như này. Có 3 điểm, nếu anh Hoài Linh, Trấn Thành không mắc phải thì sẽ không có những lùm xùm như mấy ngày qua: Thứ nhất, hai nghệ sĩ có xao nhãng, chưa thực sự chú tâm, ưu tiên vào việc từ thiện. Tên tuổi lớn thì rất bận rộn. Nhưng nếu họ trăn trở, đau đáu công việc từ thiện thêm chút nữa, giải quyết mọi thứ sớm hơn thì không có những chuyện đáng tiếc như hôm nay.
Thứ hai, họ quá chủ quan. Họ nghĩ đơn giản: Tiền vẫn ở đó, Tâm mình sáng. Tên tuổi mình lớn như vậy, uy tín xã hội của mình lớn như vậy, chắc chắn mọi người phải tin mình chứ? Vì thế, có những thắc mắc, câu hỏi từ người ủng hộ gửi đến đã không nhận được phản hồi kịp thời. Hai nghệ sĩ chủ quan vì sức ảnh hưởng, uy tín của mình gây dựng được trong nhiều năm.
Điều thứ ba thì thật lòng mà nói, họ đã thiếu chút hi sinh. Tôi thực sự cố gắng dùng từ nhẹ nhàng nhất, nhưng cũng phải có sự công tâm. Ai cũng biết, các nghệ sĩ nổi tiếng rất bận nhưng nếu chịu thiệt thòi, hi sinh một chút như bớt đi một show diễn, bớt đi khoảng thời gian riêng tư… thì tôi tin rằng các đồng nghiệp sẽ hoàn thành xong nhiệm vụ của mình, không phụ kỳ vọng của những người đóng góp ủng hộ.
Có ý kiến cho rằng, cứ săm soi, chỉ trích thì nghệ sĩ sẽ e ngại, sau này không ai dám kêu gọi từ thiện nữa. Chị nghĩ sao?
Tôi tin có rất nhiều người làm thiện nguyện đang chạnh lòng, cảm thấy chán nản, mất đi cảm xúc và năng lượng. Bởi với những người làm thiện nguyện, họ đã mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.
Hãy nhìn những tấm gương làm từ thiện như MC Đại Nghĩa, ca sĩ Thủy Tiên… hay bản thân chúng tôi cũng thế thôi, cực kỳ mất thời gian và chất xám.
Cuộc sống thì có ai tránh được sai lầm? Người ta làm 99 việc tốt, có một việc chưa được tốt lắm lại bị sỉ nhục, bị lăng mạ, bị dìm xuống bùn đen thì thử hỏi có ai dám làm thiện nguyện nữa không? Thực sự, nhiều người sẽ sợ, không muốn làm nữa.
Xin cảm ơn chị!