📞

Tự tình của những nạn nhân chất độc da cam

18:31 | 30/07/2014
Trong khi Tòa án Mỹ vẫn bác đơn kiện kiện của VAVA (Hội nạn nhân chất độc Da cam/ Dioxin Việt Nam), thì họ cùng nhau ngồi lại chuyện trò, hát ca với những khúc tự tình riêng tại “Ngôi nhà VAVA” ngày 29/7 vừa qua.

Xích lại gần nhau

Sau mười ngày, kể từ phiên tranh tụng của vụ kiện do VAVA khởi kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, ngày 10/3/2005 Chánh án Jack Weinstein của Tòa án Liên bang Mỹ đã phán quyết bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam với lý do không đủ chứng cớ. Quyết định đã gây sự bất bình sâu sắc trong dư luận thế giới, ngay cả ở nước Mỹ. Nhưng cũng qua sự kiện đó, dư luận thế giới và các cựu chiến binh nạn nhân chất độc da cam của Mỹ lại càng hiểu rõ hơn và cảm thông hơn với những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam. Nhiều tổ chức phi chính phủ của Mỹ xích lại gần hơn với Hội nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, trong đó có Hội cứu trợ trách nhiệm nạn nhân chất độc màu da cam,đặc biệt là tổ chức mới thành lập như Liên minh sức khỏe con em Cựu chiến binh Mỹ (COCCHA)- những nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 thứ 3 của Mỹ...

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội VAVA, cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm nhưng còn để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường và con người Việt Nam cùng gia đình Việt Nam và các gia đình ở Mỹ. Cuộc chiến tranh hóa học kéo dài hơn 10 năm đã làm hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Ở Mỹ, theo báo cáo của Bộ Cựu chiến binh Mỹ tính đến năm 2008, đạt đến con số 1.015.410 người. Bên cạnh đó còn nhiều cựu chiến binh Mỹ vẫn chưa được công nhận là nạn nhân da cam.

Những khúc tự tình

Buổi giao lưu giữa các nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3 của Mỹ với các nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam diễn ra trong không khí thắm tình yêu thương, như là một minh chứng đẹp về nghị lực vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai của các nạn nhân chất độc da cao Mỹ và Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tâm sự: “COCCHA ra đời với mục đích là đấu tranh vì sức khỏe con em các cựu chiến binh Mỹ. Hội chỉ là một hội nhỏ thôi, nhưng nếu được sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ khác của Mỹ, thì họ cũng sẽ phát triển và là lớp người tiếp tục đấu tranh, đồng hành nạn nhân việt Nam. Họ đồng cảm và biết chia sẻ, dù họ cũng khó khăn về tài chính và con người nhưng họ cũng là lớp kế tục cha ông họ đấu tranh trước hết đòi quyền lợi cho họ, sau đấu tranh để chống lại những cuộc chiến tranh vũ khí hóa học.”

Bà Heather Anne Bowser - nạn nhân da cam thế hệ thứ hai của Mỹ, Chủ tịch của COCCHA chia sẻ: “Ngoài mục đích tìm kiếm, xác định nạn nhân chất độc da cam để trợ giúp, tuyên truyền về mặt tối của cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, về các điểm nóng chất độc da cam tại Việt Nam, COCCHA còn nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ đối với một dự luật đang trình Nghị viện Mỹ. Dự luật này yêu cầu hỗ trợ nạn nhân da cam Mỹ và Việt Nam nhiều hơn.”.

Các thành viên trong Hội COCCHA của Mỹ cũng bộc bạch những khó khăn của hội như: Các cựu chiến binh Mỹ ngày càng nhiều người qua đời. Các thế hệ thứ 2 thứ 3, bệnh tật đi theo họ suốt cuộc đời và họ không nhận được nhiều sự hỗ trợ đặc biệt là về tài chính từ cha mẹ họ Chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức phi Chính phủ của Mỹ. Vì vậy, cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam Mỹ còn nhiều gian nan vất vả trong tương lai.

Các nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam như Chu Quang Đức, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Huyền cũng đã chia sẻ và động viên các bạn Mỹ rằng, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vượt qua bệnh tật, phát huy những tài năng riêng của bản thân như Thanh Tùng chơi đàn bầu, chị Huyền ca hát, Chu Quang Đức dạy toán cho học sinh, đóng góp khả năng của mình để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chia tay trong lời ca, tiếng hát cùng tiếng đàn bầu da diết của Thanh Tùng, dườnng như đã xóa nhòa khoảng cách xa xôi giữa hai dân tộc, những khó khăn về bệnh tật của các nạn nhân chất độc màu da cam Mỹ và Việt Nam đang phải gánh chịu .

Minh Hòa