Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến bảo vệ quyền con người đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế khác. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Không chỉ là di sản tinh thần to lớn, có giá trị định hướng cho hoạt động của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, tư tưởng về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đóng góp vào các giá trị chung về quyền con người của nhân loại.
Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa quyền tự do cá nhân với độc lập dân tộc. Người hiểu rõ, một dân tộc bị nô lệ thì người dân ở đó không thể có tự do, không thể có quyền con người. Vì thế, khát vọng cháy bỏng của Người trước hết là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ của nhân dân phải gắn liền với đấu tranh giành độc lập dân tộc; nói cách khác, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm quyền con người. Do vậy, Người nhiều lần khẳng định: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (1); “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” (2) …
Nét đặc sắc trong cách tiếp cận về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ (năm 1945), khi dẫn quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Từ chỗ là quyền gắn liền với mỗi cá nhân, Người nâng lên thành quyền đương nhiên của mọi quốc gia - dân tộc, bằng cách suy rộng ra: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (3).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; muốn có quyền con người thì phải giành độc lập dân tộc, nhưng khi giành được độc lập, các quốc gia phải có trách nhiệm bảo đảm cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho tất cả người dân trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (4). Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (5). Như vậy, độc lập dân tộc là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là tự do, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Quyền con người phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Ngay từ năm 1919, trong Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, Người đã yêu cầu: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu..; Tự do báo chí và tự do ngôn luận...; Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ...” (6).
Để bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch và triển khai hàng loạt nhiệm vụ, như tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc, thành lập Chính phủ và ban hành Hiến pháp.
Bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam - do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban soạn thảo, cùng sự tham gia đóng góp ý kiến của những nhà cách mạng và nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, được Quốc hội thảo luận kỹ và được thông qua với đa số tán thành - không chỉ thể hiện trí tuệ tập thể, mà còn là sự đồng tâm, đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng một xã hội mới ở Việt Nam.
Trong Hiến pháp năm 1946, Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” đứng vị trí thứ hai, điều này thể hiện sự đề cao, coi trọng của Nhà nước ta trong việc ghi nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nội dung Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” bao gồm: về nghĩa vụ, công dân Việt Nam có các nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật và nghĩa vụ đi lính; về quyền lợi, lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp đã ghi nhận quyền bình đẳng của công dân Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, đồng thời khẳng định mọi công dân đều có thể tham gia vào chính quyền và công cuộc xây dựng đất nước. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1946 cũng quy định “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi mặt”. Các quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã mở ra cơ sở xã hội rộng rãi để người dân có thể tham gia vào việc xây dựng chính quyền và thực hiện các công việc của đất nước, đồng thời thể hiện tư tưởng tiến bộ trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân.
Xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn quan trọng đối với Đảng, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên về trách nhiệm đối với việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người cho người dân. Người nhấn mạnh: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (7). Do đó, nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ là phải:
“1. Làm cho dân có ăn
2. Làm cho dân có mặc
3. Làm cho dân có chỗ ở
4. Làm cho dân có học hành” (8)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật” (9); “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân” (10). Theo Người, bản chất của chế độ dân chủ là: Nhân dân là “chủ”, còn Chính phủ là “đày tớ” của nhân dân. Người đặc biệt coi trọng về một chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; đồng thời, thể hiện sự sáng tạo lý luận của Người, mà trước đó, chưa nhà tư tưởng, chính trị nào đề cập một cách sâu sắc như vậy. Ngày nay, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người vẫn luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân.
Quan tâm đặc biệt đến bảo vệ quyền con người cho các nhóm người yếu thế
Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo về thực tiễn xây dựng xã hội mới, trong đó có thành tựu bảo vệ quyền con người đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chia sẻ những thiệt thòi mà phụ nữ phải chịu đựng và kiên trì nâng cao nhận thức xã hội về việc đẩy lùi thái độ coi thường, áp bức phụ nữ, khuyến khích xã hội thực hiện quyền bình đẳng, cả trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Theo Người, “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau” (11).
Nhận thức rõ trẻ em là tương lai của đất nước, tiền đồ của dân tộc, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến các em nhỏ, cả về đời sống vật chất và tinh thần. Bác nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Bác còn thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể. Đối với người khuyết tật, Người cũng nhắc nhở, “tàn nhưng không phế”; mọi người đều được quan tâm và tạo điều kiện tham gia những công việc phù hợp.
Có thể thấy, nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người là một hệ thống thống nhất, biện chứng, bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người hết sức phong phú, đa dạng, là di sản tinh thần to lớn, “kim chỉ nam” có giá trị định hướng trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 130
(3), (4), (5), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 1, 64, 175, 175
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 441
(7), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 90, 518
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64-65
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 260
| Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết được kết tinh từ nhiều yếu tố: Truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa ... |
| Nữ Đại sứ hết mình với sứ mệnh vì quyền con người ở 'trái tim đa phương' Hơn 30 năm làm ngoại giao, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva luôn tự ... |
| Việt Nam - Thành viên chủ động, tích cực của Công ước chống tra tấn Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn. |
| Trí tuệ nhân tạo và thách thức đối với bảo đảm quyền con người ở Đông Nam Á Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thay đổi thế giới của chúng ta, từ cách làm việc đến tận hưởng cuộc sống, từ ... |
| Vấn đề con người trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 (kỳ cuối) Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN đã đưa ra một tầm nhìn dài hạn dài hạn nhất cho tương lai phát triển của khối ... |