TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm 2018 | |
Trung - Ấn đang cố viết một trang mới về kinh tế |
Kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã chính thức đề ra một trong những sáng kiến về phát triển kinh tế đầy tham vọng nhằm mục đích tái tạo Con đường tơ lụa (Silk road) đầy huyền thoại, còn được biết đến với cái tên Vành đai, Con đường (One belt, One road). Theo kế hoạch, dự án sẽ bao trùm tới 70% dân số toàn cầu, 75% nguồn năng lượng thế giới và 55% GDP. Nhu cầu về vốn cho tất cả các dự án có liên quan đến hai con đường tơ lụa mới này sẽ lên đến nhiều nghìn tỷ USD/ năm.
Thể hiện khát vọng
Dự án Con đường tơ lụa mới được cho là có tầm quan trọng hàng đầu đối với khát vọng trở thành một cường quốc thế giới của Bắc Kinh. Sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm phát triển hạ tầng kết nối Trung Quốc với châu Âu và Đông Phi. Hai trục chính tạo thành những con đường tơ lụa mới: trên đất liền bắt đầu từ Trung Quốc đi qua Pakistan, Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Caucasus, Trung Á, Nga, và châu Âu; trên biển kết nối Trung Quốc với châu Phi.
Chiến lược con đường tơ lụa mới có sự hỗ trợ về ngoại giao và quyền lực mềm của Bắc Kinh. Trên thực tế, sau gần 5 năm triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả rất quan trọng. Đến tháng 10/2017, Trung Quốc đã cùng gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ký biên bản ghi nhớ hợp tác hoặc thỏa thuận hợp tác về dự án này. Về hoạt động vốn cho Dự án Con đường tơ lụa mới, tính đến tháng 8/2017, Trung Quốc đã đạt được 109 thỏa thuận với 68 quốc gia thuộc dự án với trị giá lên tới 33 tỉ USD.
Dự án Vành đai, Con đường bao trùm tới 70% dân số toàn cầu, 75% nguồn năng lượng thế giới và 55% GDP. (Nguồn: Bloomberg) |
Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, không đơn thuần chỉ là một mạng lưới về hạ tầng, xương sống của tăng trưởng thế giới, những con đường tơ lụa mới này là hợp thành công cụ cho một chiến lược phát triển nội địa và quốc tế, đảm bảo sự ổn định cho Bắc Kinh. Trước hết, chiến lược đòi hỏi một chương trình tái quy hoạch và tạo ra những thị trường mới cho nền kinh tế Trung Quốc đang ở tình trạng sản xuất dư thừa. Dự án cũng nhằm ổn định các nguồn cung cho Trung Quốc, nhất là mở ra cho nước này phương án thay thế con đường đi qua eo biển Malacca, nơi mà hầu hết nguồn cung dầu lửa cho Trung Quốc hiện nay buộc phải đi qua.
Dự án này còn được đánh giá giống như một đề xuất thay thế cho hệ thống thế giới kế thừa từ các hiệp định Bretton Woods (chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng gắn với USD và bản vị vàng). Tại đây, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) được xem là công cụ tài chính cho phép Trung Quốc vượt ra khỏi hệ thống mà Mỹ làm trung tâm. Chiến lược hình thành thị trường nội địa, nhằm đàm phán các hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn bằng Nhân dân tệ và có thể chuyển đổi sang vàng trên thị trường Thượng Hải và Hongkong, có thể sẽ là bước đi mang tính quyết định trong lĩnh vực này. Với dự trữ dồi dào nhờ vào thặng dư thương mại, Trung Quốc hiện hoàn toàn có khả năng về tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu của dự án.
Những tranh cãi không hồi kết
Rõ ràng rằng, không phải tất cả các mục tiêu của Trung Quốc đều đơn thuần là kinh tế, nhưng những quốc gia như Pakistan, Afghanistan… “vui vẻ” đón nhận sáng kiến này như là một cách để giúp họ thoát ra khỏi sự nghèo đói. Còn Ấn Độ và các quốc gia khác thì muốn được hưởng lợi từ sự đầu tư, nhưng lại lo ngại nhiều về những tham vọng chiến lược khác của Bắc Kinh.
Moscow lo ngại, Bắc Kinh đang làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở Trung Á bằng cách nối kết Uzbekistan và các nước khác đến gần với nền kinh tế năng động của Trung Quốc. Đặc biệt, các chính quyền từ Washington, Moscow sang đến New Delhi đều lo ngại Bắc Kinh đang ra sức xây dựng ảnh hưởng chính trị và sẽ xói mòn ảnh hưởng của họ tại khu vực và rộng hơn là toàn cầu.
Kế sách Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc lại càng được dịp phát triển khi người đứng đầu nước Mỹ tỏ ra chỉ tập trung chú ý vào những vấn đề nội bộ và hạ thấp ưu tiên của các vấn đề của nước ngoài. Giới chức Mỹ cho rằng, Washington muốn hợp tác với Bắc Kinh về hạ tầng cơ sở. Nhưng một số nhà phân tích chính trị tại Mỹ lại cho rằng, Bắc Kinh đang cố gắng tạo dựng ra một mạng lưới kinh tế và chính trị lấy nước này làm trung tâm và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.
Nhưng một trong những điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là phản ứng từ Ấn Độ. New Delhi cho rằng việc hành lang kinh tế và năng lượng của Trung Quốc tại Pakistan cắt ngang qua Kashmir - một khu vực mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố có chủ quyền là điều không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng đã từng nói tại một hội nghị ở Trung Quốc rằng, Vành đai, Con đường có thể mang lại gánh nặng nợ nần lớn hơn cho những quốc gia đang bị nợ công bủa vây. Câu chuyện về một dự án phát triển hay “chiếc vòng kim cô” của một chủ nợ hàng đầu đang được đưa ra mổ xẻ.
Ngày 25/7, tại Hội thảo Hành động mới trên con đường tơ lụa năm 2018 ở Đức, các học giả cũng cho rằng, cơ hội do Con đường tơ lụa mới mang lại thì không phủ nhận, nhưng việc chia sẻ thông tin về các dự án như gọi thầu, phương thức tham gia, trúng thầu… từ Trung Quốc cũng cần phải được xem xét lại.
Trung Quốc không thể mạnh tay trong xung đột thương mại với Mỹ Bởi vì, một cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể sẽ là điểm bùng phát cho nền kinh tế nợ nần trị giá 14.000 ... |
Sự thật sau Khẩu chiến thương mại Mỹ - Trung Kế hoạch "Made in China 2025" mới là mục tiêu chính mà Mỹ hướng tới trong việc khơi mào các xung đột thương mại với ... |
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hóa ra chỉ đều là những lời đe dọa Hầu như không có một cuộc thảo luận nào ở Nhà Trắng về khoản 100 tỷ USD thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung ... |