TIN LIÊN QUAN | |
Chính phủ Campuchia bắt giữ 84 người Việt Nam | |
ĐSQ Việt Nam tại UAE giải cứu cô gái bị ép bán dâm |
Đó là lời chia sẻ về công tác bảo hộ công dân của ông Lý Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (ảnh). Theo ông Tuấn, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, công dân Việt Nam cần có “hành trang” thiết yếu để đi ra với thế giới.
Giảm lượng, tăng chất
Nói về những điểm “mới” trong công tác bảo hộ công dân trong 6 tháng đầu năm 2016, ông Lý Quốc Tuấn đánh giá: “Vụ việc không nhiều nhưng tính chất lại ngày càng nghiêm trọng”.
Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục đã tiến hành bảo hộ 84 vụ việc đối với 139 tàu và 1.326 ngư dân. Trong đó có 13 vụ việc của 15 tàu và 154 ngư dân Cục phải giải quyết với phía Trung Quốc, so với cùng kỳ năm 2015 thì con số này chỉ bằng một nửa.
Ông Lý Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. |
Tuy nhiên, theo ông Lý Quốc Tuấn, vấn đề ở đây là, 6 tháng qua xuất hiện thêm các vụ vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam ở những địa bàn mới như là ở Đài Loan (Trung Quốc), ở vùng biển xa xôi (cách Việt Nam hàng nghìn km) như Micronesia, Palau, Papua New Guinea và New Caledonia.
Trong phần lớn các vụ việc này, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, ngoài nguyên nhân vi phạm lãnh hải nước/vùng lãnh thổ bạn, còn vì đánh bắt những hải sản quý hiếm, nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn, cấm đánh bắt, cho thấy sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng và khó đặt vấn đề với chính quyền sở tại tha bổng.
Bên cạnh đó, cũng trong nửa đầu năm, Bộ Ngoại giao đã thực hiện bảo hộ 207 vụ việc với 1.225 công dân Việt Nam ở nước ngoài. Con số này cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong đó có một số vụ việc mà ông Lý Quốc Tuấn đánh giá là công tác bảo hộ công dân lần đầu tiên được triển khai rất quyết liệt, như việc cử đoàn liên ngành đi dự phiên tòa ở nước ngoài, để bảo vệ quyền lợi của công dân, chứng minh bà Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết không buôn bán ma túy và tháng 3/2016 tòa án Liên bang Malaysia đã giảm án từ tử hình xuống 20 năm tù; hoặc trường hợp ông Nguyễn Hồng Quang, thuyền viên, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán ta tại Malaysia, được minh oan và tòa Malaysia tuyên trắng án tháng 6/2016.
Nỗ lực trong mọi công tác
Nhiều vụ việc nghiêm trọng là vậy, nhưng với tinh thần đặt quyền và lợi ích chính đáng của công dân/ngư dân ta ở nước ngoài lên hàng đầu, Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, mà trực tiếp là Cục Lãnh sự đã nỗ lực phối hợp với các địa phương, liên tục, thường xuyên liên hệ với các cấp chính quyền nước ngoài liên quan để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết như: thăm hỏi, động viên công dân/ngư dân đang chấp hành án ở sở tại, nhất là dịp Lễ, Tết; sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ công dân các nhu yếu phẩm, mua vé phương tiện đưa các ngư dân về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiến hành các thủ tục xuất cảnh đưa 18 ngư dân về nước tại sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta, hôm 7/4/2016. |
Những nỗ lực này được minh chứng qua những con số cụ thể là trong 6 tháng đầu năm, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu xếp đưa 296 ngư dân mãn hạn tù về nước.
Trong công tác bảo hộ pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông Tuấn cho biết Bộ Ngoại giao đã tiến hành bảo hộ cần thiết đối với các doanh nghiệp/phương tiện/tài sản của Việt Nam ở nước ngoài khi bị các giới chức nước ngoài bắt giữ, xử lý, nhất là các vụ việc liên quan đến các đại lý, chủ tàu trong nước có tranh chấp thương mại với phía nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là một số vụ việc như tàu Thăng Long (Công ty Vietfracht), khi hàng và thủy thủ đoàn bị giữ tại Maldives; tàu VTC SUN (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines) bị giữ tại cảng Mundra, bang Gujarat, Ấn Độ và tàu Vinalines Star đang bị giữ tại Chittagong, Bangladesh. Trong vụ công dân Việt Nam bị lực lượng chức năng Ukraine lục soát chỗ ở lấy tài sản tại Odessa, ta đã đấu tranh quyết liệt để cộng đồng được trả lại một phần tài sản bị thu giữ trước đó.
“Không chỉ hỗ trợ các pháp nhân trong các tranh chấp, chúng tôi còn giúp đỡ, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, đảm bảo cuộc sống hàng ngày của hàng trăm thuyền viên Việt Nam khi tàu bị giữ tại các cảng nước ngoài”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt, khi xảy ra vụ tai nạn máy bay CASA-212, Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn triển khai việc hợp tác tìm kiếm với lực lượng cứu nạn của Trung Quốc. Ngày 16/6/2016, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã nhanh chóng có công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị lực lượng cứu hộ, cứu nạn phía Trung Quốc tìm kiếm, phối hợp cùng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam triển khai tìm kiếm cứu nạn. Đây là kênh liên lạc chính thức ở cấp cao nhất của chính phủ hai bên liên quan đến vụ việc.
Nhắc đến Tổng đài bảo hộ công dân (số 0084-981848484), ông Tuấn không giấu vẻ tự hào khi “khoe” về những thành tích mà Tổng đài này đạt được. Ông Tuấn cho biết kể từ khi hoạt động vào tháng 2/2015, Tổng đài đã ngày càng trở thành cầu nối, là chỗ dựa tinh thần quan trọng của công dân Việt Nam ở nước ngoài với quê hương và người thân. Tính đến hết quý I/2016, Tổng đài đã tiếp nhận và xử lý 8.716 cuộc gọi. Nhiều thông tin có được từ phản ánh của công dân đã giúp công tác bảo hộ được triển khai kịp thời, hiệu quả, giúp đỡ thiết thực công dân ta ở nước ngoài, khi gặp khó khăn, gặp thiên tai, hoặc bị các cơ quan chức năng nước ngoài xử lý khi có vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
“Có thể nói, công tác bảo hộ công dân trong nửa đầu năm khá thành công, suôn sẻ”, ông Tuấn nhận xét.
Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) Phạm Bình Đàm thăm công nhân Việt Nam tại nhà máy điện hạt nhân Barakah ngày 5/6/2016. |
Tuy nhiên, tình hình trên thế giới rất khó tiên đoán, nhiều nơi xảy ra đánh bom liều chết bởi khủng bố, động đất, biến động xã hội, đặc biệt, có thể có những diễn biến mới tại Biển Đông, khi Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ra phán quyết vào ngày 12/7 tới. Vì vậy, ông Lý Quốc Tuấn dự báo nửa cuối năm sau công tác bảo hộ công dân có thể sẽ có rất nhiều việc. Tuy vậy, ông cũng khẳng định: “Cục Lãnh sự luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, pháp nhân Việt Nam”.
Những trăn trở
Ông Tuấn chia sẻ công tác bảo hộ công dân đạt được những thành tựu như vậy là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, sự chuyên môn hóa cùng ý thức ngày càng cao của cán bộ tại các Cơ quan đại diện Việt Nam, của đội ngũ công chức làm công tác bảo hộ công dân và sự quan tâm của các ngành, các cấp và dư luận xã hội.
Mặc dù có nhiều thuận lợi kể trên, ông Lý Quốc Tuấn vẫn còn không ít mối trăn trở.
Theo ông Tuấn, một số vụ việc chưa thể giải quyết nhanh chóng, kịp thời vì xảy ra tại các địa bàn xa xôi nơi chưa có Cơ quan đại diện Việt Nam tại chỗ; còn có một số công dân, vì những lý do riêng không phản ánh kịp thời các vụ việc xảy ra với mình. Tình hình đó khiến công tác bảo hộ công dân càng cần nỗ lực, cố gắng để giúp đỡ, bảo hộ càng nhiều công dân càng tốt.
Thêm vào đó, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thực hiện chính sách xử lý người nước ngoài rất khắt khe, tăng nặng các bản án đối với những công dân nước ngoài vi phạm pháp luật. Ví dụ, Indonesia tiếp tục áp dụng phá hủy tàu cá nước ngoài vi phạm, đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Điều này cũng khiến những người làm công tác bảo hộ công dân như ông Tuấn phải “đau đầu” để có thể bảo vệ quyền lợi cho người dân của mình.
Đặc biệt, việc vị Cục trưởng Cục Lãnh sự trăn trở nhất là vẫn chưa thể bảo hộ hết 100% số công dân Việt Nam ở nước ngoài vì còn rất nhiều người có những lý do riêng như thiếu hiểu biết, kiếm tiền bằng mọi cách, mọi giá... mà gặp phải những khó khăn, hoạn nạn, bị đối xử bất bình đẳng, bị vi phạm nhân phẩm... Ông Tuấn kể lại rằng nhiều trường hợp vì vay mượn tiền để đi lao động nước ngoài nhưng thực tế công việc lao động là phạm pháp, nguy hiểm cận kề nhưng cũng không dám lên tiếng tố cáo với chính quyền chức năng nước sở tại; chỉ đến khi bị bắt thì sự việc đã đi quá xa, tội danh họ phạm phải đã nghiêm trọng.
Qua đó, ông Tuấn gửi lời nhắn nhủ những công dân Việt Nam trước khi lên đường đến “xứ người” cần có hiểu biết luật pháp sở tại, cần được tập huấn, đào tạo nghề, trang bị kỹ năng hội nhập xã hội sở tại.
Để làm được điều này, ông Tuấn cho rằng cần có sự chung tay của tất cả các cơ quan, tổ chức liên quan trong hệ thống chính quyền trang bị cho công dân Việt Nam các kiến thức, nghề nghiệp và hiểu biết cần thiết, trước khi ra nước ngoài.
“Họ cần phải lường trước môi trường làm việc ra sao, công việc như thế nào, phong tục tập quán ở đây là gì, những nguy cơ tiềm ẩn mà họ có thể gặp phải, khi gặp những sự việc nghiêm trọng có thể liên quan đến pháp luật thì cần phải làm gì... và không quên luôn có một số điện thoại sẵn sàng hỗ trợ công dân 24/7 là: 0084 981 848484 để phản ánh và được giúp đỡ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cán bộ ĐSQ Việt Nam và công ty FPT ở Bangladesh vẫn an toàn Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và nhân viên Văn phòng đại diện của Công ty FPT tại Dhaka nằm ... |
Khẩn trương hỗ trợ thuyền viên Việt Nam bị tên lửa Đài Loan bắn trúng Trên chiếc tàu gặp nạn có 4 người, trong đó có một công dân Việt Nam. |
Australia bắt giữ 30 ngư dân và 2 tàu cá Việt Nam Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, các cơ quan chức năng sở tại đã bắt giữ và đưa ra xét xử 30 ngư ... |