Cháy chung cư ở Khương Hạ là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy. (Nguồn: TP) |
Từ vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội) đêm 12/9 vừa qua đã phần nào phơi bày nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý đối với loại hình nhà này. Đồng thời, cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cho xã hội. Đó là tăng cường hơn nữa việc quản lý chung cư mini, chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như nâng cao ý thức, kỹ năng của mỗi người dân, nhất là ở các đô thị lớn trong việc phòng cháy, chữa cháy.
Hơn 10 năm trở lại đây, loại hình nhà ở nhiều căn hộ xây dựng khép kín, diện tích từ 25 đến 45m2/căn hộ được khá nhiều người lựa chọn để thuê, mua do giá cả phù hợp, nhất là các sinh viên ngoại tỉnh, người lao động thu nhập thấp. Do giá đất đô thị và giá bán căn hộ chung cư thương mại tăng cao, nhà ở xã hội thiếu, nhiều người dân thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở thương mại, dẫn đến nhu cầu thuê, mua căn hộ chung cư mini ngày càng lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Hiện nay, cả nước có khoảng gần 5.000 chung cư, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một số liệu đáng báo động từ cuộc kiểm tra toàn quốc năm 2020 của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, hơn 1.200 nhà chung cư trên toàn quốc không đảm bảo về an toàn cháy nổ, tức là chiếm gần 1/3 số nhà chung cư trên toàn quốc không đảm bảo về an toàn cháy nổ. Chưa có con số thống kê chính xác về số chung cư mini, nhưng không ít vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các chung cư loại này. Các nhà trọ cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ (theo dạng chung cư mini) đều phải áp dụng các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định 136. Nhưng thực tế, phần lớn các công trình này đều có những vi phạm về an toàn PCCC.
Không có bài học nào đau xót hơn là phải trả giá bằng mạng sống con người. Vụ việc này khiến chúng ta nhận thức được, còn nhiều lỗ hổng pháp lý, còn nhiều chung cư, nhà ống chưa đảm bảo PCCC. Có thể nói, cho đến nay, việc phát triển chung cư mini đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Chưa có con số thống kê chính thức nào về loại hình nhà ở này là thách thức không nhỏ trong việc đưa ra các chính sách quản lý hợp lý.
Hiện nay, Bộ Công an, Hà Nội và các địa phương đã yêu cầu tổng rà soát lại toàn bộ vấn đề phòng cháy tại các chung cư mini nhằm phát hiện những lỗ hổng. Từ đó, để có giải pháp và “bịt lại” những lỗ hổng đó. Theo nhiều chuyên gia, qua vụ việc này tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo rất lớn về công tác phòng cháy. Chúng ta đã nói nhiều về phòng cháy nhưng quan trọng nhất vẫn là việc thực hành, kiểm tra liên tục. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên ở chính các chủ chung cư mini khi phải lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị, yêu cầu, đảm bảo về phòng cháy, đồng thời phải có người giám sát, thực hiện đúng quy định.
Hơn thế, chính quyền, công an địa phương cũng phải thực hiện đúng trách nhiệm việc giám sát, kiểm tra thường xuyên công tác này, nhất là ở các tòa nhà có đông người sinh sống trên địa bàn, không chỉ ở các chung cư mini mà còn ở khu trọ, nhà ống... Cùng với đó, mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong phòng cháy. Chỉ khi tất cả mọi người cùng có ý thức, làm đúng, đầy đủ, nghiêm túc mới mong giảm thiểu những vụ việc tương tự xảy ra.
Thực tế hiện nay vẫn tồn tại nhiều chủ đầu tư chủ quan, lỏng lẻo trong việc thi hành hệ thống PCCC. Ngọn lửa không tự nhiên sinh ra. Đôi khi chính sự kém hiểu biết, chủ quan của người dân là nguyên do của mồi lửa.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, đặc biệt là mức độ an toàn ở các chung cư trong cả nước đã thực sự được bảo đảm? Cần xem phòng cháy giống như phòng bệnh. Phòng cháy phải là điều chúng ta cần quan tâm hàng đầu, bởi lẽ dù bệnh có chữa khỏi cũng khó tránh tổn thương và những thiệt hại.
“Nước xa không cứu được lửa gần”, cần phải có những biện pháp cụ thể, hành động quyết liệt chứ không phải khi có sự vụ xảy ra thì nổi lên, xong lại đâu vào đấy. Sau vụ việc đau lòng vừa qua, cũng có nhiều ý kiến cho rằng tại sao biết những chung cư, nhà ống nguy hiểm mà người dân vẫn ở. Tuy nhiên, vì cơm áo gạo tiền, vì mức thu nhập thấp nên không ít người chấp nhận ở một nơi ít an toàn.
Thi thoảng đâu đó cảnh sát PCCC diễn tập cho người dân ở các tập thể, chung cư, trường học. Tôi cũng từng tham gia một buổi diễn tập cho cư dân ở chung cư. Tuy nhiên, qua quan sát, tôi nhận thấy không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này, khá hững hờ, nói chuyện riêng hoặc xem điện thoại trong lúc xem diễn tập. Và chỉ khi có một sự việc xảy ra thì mới lại lo lắng đi tìm mua các thiết bị để phòng thân.
Câu hỏi được đặt ra, bạn sẽ làm gì khi cháy? Làm sao để mỗi người, mỗi gia đình nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của các kỹ năng bảo vệ mình cũng như kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn?
Thực tế, qua nhiều vụ việc, nhờ có những kỹ năng như trang bị dây thoát hiểm, thang thoát hiểm, búa, mặt nạ chống khói độc… đã cứu nhiều người. Và ở đô thị lớn, việc biết tự bảo vệ mình trước những hiểm họa như cháy nổ là điều cần thiết mà mỗi người nên tự trang bị để cứu mình. Làm sao để những buổi diễn tập PCCC được quan tâm hơn nữa. Đồng thời, cần nâng cao ý thức cũng như giáo dục kỹ năng cho người dân khi đối phó với mọi hiểm nguy cháy nổ. Trẻ em cũng nên được dạy các kỹ năng PCCC một các liên tục, thường xuyên.
Ai đó nói, không có chỗ nào là an toàn 100%, vậy nên ý thức của mỗi cá nhân là quan trọng trong việc tự bảo vệ chính mình, gia đình mình cũng như cộng đồng. Làm sao để mỗi đứa trẻ biết được những việc nên làm và cần làm khi có đám cháy xảy ra, hoặc cháy khi đang ở một mình. Làm sao để mọi người cùng cảnh giác cao độ, có kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, rủi ro. Làm sao để nhà phải là nơi ở, là nơi để về, để mỗi người cảm thấy yên tâm khi ở trong nhà mình...