Đoàn người tràn vào quảng trường Trafalgar và trước Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May, sau đó tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Sự kiện diễn ra hai ngày trước thời điểm Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu thông qua "Dự luật Hủy bỏ" rút khỏi châu Âu vào ngày 11/9 tới.
Người dân diễu hành phản đối quá trình Brexit ngày 9/9 tại thủ đô London. (Nguồn: Shutterstock) |
Dự luật này là trọng tâm trong kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm đưa London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019, tạo cơ chế cho việc chấm dứt thẩm quyền của luật EU đối với Anh sau Brexit. Dự luật sẽ chính thức chấm dứt tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời đưa tất cả khoảng 12.000 đạo luật và quy định hiện hành của EU ra khỏi các bộ luật của nước Anh và chỉ tồn tại trong các bộ sách giáo khoa về luật của Anh.
Chính phủ của Thủ tướng May được kỳ vọng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu này, song có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ phía các thành viên ủng hộ châu Âu trong đảng Bảo thủ. Trong khi đó, Thủ tướng May tiếp tục đối mặt trước những áp lực từ phe ủng hộ Brexit Bảo thủ với yêu cầu chính phủ cần phải đảm bảo một kế hoạch rõ ràng khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019.
Nước Anh đang trong giai đoạn "đếm ngược" để rời EU sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 năm ngoái. Để có một cuộc "ly hôn" êm thấm, các quan chức EU và Anh đã thống nhất gặp nhau mỗi tháng 4 ngày tại Brussels để thảo về các điều khoản Brexit trước khi quyết định các bước tiếp theo vào tháng 10 tới, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU. Vòng đàm phán gần đây nhất và là vòng đàm phán thứ 3 giữa các quan chức EU và Anh kết thúc ngày 31/8 vừa qua.