Về thương mại, hiện Việt Nam là bạn hàng thứ 15 của Australia và Australia là bạn hàng thứ 13 của Việt Nam. Việt Nam được Australia đánh giá là thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Australia trong số các nước ASEAN. Trong hai năm gần đây, kim ngạch hai chiều có phần giảm do giá dầu thế giới giảm (dầu thô chiếm khoảng 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sang Australia), nhưng vẫn ở mức khá, đạt trung bình gần 5 tỷ USD/năm. Đáng lưu ý, kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực năm 2010, kim ngạch hai chiều tăng bình quân 10%/năm, so với mức tăng trưởng bình quân 7% trước khi có Hiệp định.
Về đầu tư, hiện Australia có khoảng gần 300 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 1,5 tỷ USD, đứng thứ 21 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư vào Australia, với khoảng 15 dự án với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD.
“Cái tôi có… anh cần”
Việt Nam và Australia có một số điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Trước hết, phải kể đến mối quan hệ chính trị ngày càng gần gũi và tin cậy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm Australia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2009 và nâng cấp thành Đối tác Toàn diện tăng cường nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2015.
Đại sứ Việt Nam Lương Thanh Nghị trình Quốc thư lên Toàn quyền Australia Quentin Bryce, tháng 2/2014. |
Bên cạnh đó là tính bổ trợ lẫn nhau khá cao của hai nền kinh tế (Australia có nguồn vốn và kinh nghiệm phát triển quý báu có thể giúp Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam với dân số 90 triệu dân, là thị trường và cơ sở sản xuất tiềm năng cho Australia và cả khu vực…). Khuôn khổ pháp lý cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư như Hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần… đã được ký kết từ đầu những năm 1990. Ngoài ra, hai bên đều đang thụ hưởng các ưu đãi của AANZFTA và đang chờ phê chuẩn để triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, hai bên cũng có nhiều trở ngại. Lớn nhất, có lẽ là khoảng cách địa lý và sự chưa thuận lợi trong di chuyển giữa hai nước. Sau đó phải nói đến chiến lược ưu tiên đầu tư trong nước của Australia, nhất là trong bối cảnh các Chính phủ cầm quyền gần đây chịu nhiều sức ép nội bộ về tạo thêm công ăn việc làm trong nước. Bản thân môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư Australia.
Bên cạnh đó, các quy định nội luật của mỗi bên cũng là các rào cản nhất định. Trở ngại các doanh nghiệp thường gặp là hàng rào phi thuế quan của Australia (các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…) khá chặt chẽ, trong khi Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống các cơ quan quản lý và chứng nhận chất lượng đạt chuẩn từ trung ương tới địa phương. Hơn nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu, phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu; một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài nên không đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo quy định của Hiệp định AANZFTA, và chưa tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định này. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tạo được sức cạnh tranh cũng như tạo thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường được coi là “khó tính” này.
Tỷ trọng xuất nhập khẩu khởi sắc
Trong một môi trường với thuận lợi và thách thức đan xen như vậy, hợp tác thương mại và đầu tư hai nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Về thương mại, điều đáng mừng không chỉ là các số liệu về kim ngạch thương mại hai chiều nêu trên, mà là sự chuyển dịch theo hướng tích cực cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia, theo đó, tỷ trọng nhóm hàng chế biến chế tạo tăng dần và tỷ trọng hàng nguyên liệu thô và sơ chế giảm dần.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ Toàn quyền bang Victoria Linda Dessau ngày 30/6/2016. |
Hơn nữa, ta cũng đang giảm dần việc nhập khẩu từ Australia các mặt hàng tiêu dùng trong nước như sữa và sản phẩm sữa, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đồng thời tăng nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng đa dạng và phong phú hơn; đặc biệt đã có một số mặt hàng xuất khẩu mới của ta sang thị trường bạn, được đón nhận tích cực, đó là trái cây tươi như vải, xoài….
Về đầu tư, các dự án của Australia tại Việt Nam tuy không lớn nhưng đều tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên cho Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2020 như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, giáo dục, công nghiệp chế biến, giao thông vận tải, nên mang lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Bạn còn hỗ trợ ta trong việc hoàn thiện khung thể chế pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình đối tác công tư (PPP).
Mở đường cho hoa quả tươi
Thời quan qua, Đại sứ quán (ĐSQ) đã tích cực trao đổi, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong nước và Cơ quan Thương vụ tại Australia tìm các biện pháp tháo gỡ các khó khăn và trở ngại đối với hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, xem đây là trọng điểm trong công tác ngoại giao kinh tế của ĐSQ.
Trong các dịp tiếp xúc, gặp gỡ chính giới chính quyền Liên bang hay các tiểu bang, Đại sứ đều nêu mạnh về các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. ĐSQ định hướng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia trong cung cấp các thông tin cập nhật liên quan cho doanh nghiệp thông qua các bản tin xuất bản hàng tháng; phối hợp xuất bản sách “Hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Australia” và “Hỏi đáp về các quy định nhập khẩu vào thị trường Australia”; khai trương trang web xúc tiến thương mại…. ĐSQ cũng hướng dẫn, phối hợp Cơ quan Thương vụ thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin của các doanh nghiệp Australia hoặc Việt Nam quan tâm đầu tư tại mỗi nước; hỗ trợ một số tập đoàn bán lẻ lớn của Australia (Woolworth, Coles, Burning Warehouse, Cotton-on..) kết nối với các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Đặc biệt, ĐSQ đã chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai bài bản từ công tác vận động, thúc đẩy các cơ quan hữu quan Australia cấp giấy phép nhập khẩu cho trái vải tươi (năm 2015 đưa được 32 tấn vải vào Australia) và trái xoài (năm 2016) đến công tác tìm hiểu thị trường, xúc tiến quảng bá mở đường cho các mặt hàng hoa quả tươi khác của ta trong thời gian tới.
Theo Hiệp định AANZFTA, đến năm 2020, Australia và New Zealand sẽ xóa bỏ thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định TPP mà cả Việt Nam và Australia đều là thành viên khi đi vào thực thi sẽ mang lại nhiều lợi ích khác ngoài thuế. Cả Việt Nam và Australia đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị này, từ đó thúc đẩy thương mại song phương; các quy định về minh bạch hóa, thuận lợi hóa thương mại như tự chứng nhận xuất xứ hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy thương mại Việt Nam-Australia. Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ, đầu tư cũng sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Australia vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại. Chúng ta tin tưởng rằng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực và Hiệp định AANZFTA xoá bỏ 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang Australia thì kim ngạch thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.