Xe điện được ưu đãi thuế tại Indonesia. (Nguồn: Reuters) |
Các mục tiêu được chuyển thành các mốc quan trọng khác nhau trong chuỗi cung ứng EV, từ số lượng bán ra, sản xuất, trạm sạc và nhập khẩu EV đến lệnh cấm xuất khẩu quặng niken của Indonesia kể từ năm 2020 và kế hoạch loại bỏ dần các phương tiện động cơ đốt trong (ICE) của Singapore vào năm 2040.
Trên thực tế, những bước phát triển về EV của ASEAN đầy hứa hẹn. Tính đến năm 2022, con số xe điện trong khu vực (bao gồm cả xe điện lai) đạt 271.000 chiếc. Số lượng xe điện được đăng ký tại mỗi quốc gia thành viên là: 47 chiếc ở Campuchia, 25.300 chiếc ở Indonesia, 3.200 chiếc ở Lào, 2.600 chiếc ở Malaysia, 14.000 chiếc ở Philippines, 3.600 chiếc ở Singapore, 218.000 chiếc ở Thái Lan và 4.300 chiếc ở Việt Nam.
Dự báo, mức tiêu thụ xe điện sẽ nhanh hơn trong những năm tới, với ba quốc gia đặt mục tiêu đạt doanh số 100% gồm Thái Lan sau năm 2035, Singapore sau 2040 và Indonesia sau 2050.
Quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông động cơ điện không đơn thuần là sự thúc đẩy theo xu hướng toàn cầu. Báo cáo Triển vọng năng lượng ASEAN lần thứ bảy (AEO7) nhấn mạnh vai trò quan trọng của xe điện trong việc đạt được mục tiêu giảm mức độ tiêu thụ năng lượng của khu vực xuống còn 32% vào năm 2025, được gọi là mục tiêu APAEC.
Việc thúc đẩy ứng dụng hiệu quả hơn, điện khí hóa các quy trình công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn và triển khai EV cao hơn có thể tăng mức tiết kiệm năng lượng lên 10,9% vào năm 2025 và 34,3% năm 2050, so với tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFEC) dự kiến. Các biện pháp này sẽ làm giảm đáng kể việc sử dụng năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp, vốn lần lượt đóng góp 35% và 39% TFEC vào năm 2020.