TIN LIÊN QUAN | |
Kỳ vọng vào Thủ tướng Đức Angela Merkel | |
Triển vọng bình thường hóa hoàn toàn EU - Cuba |
Xu hướng hoài nghi châu Âu
Về thực chất, việc cử tri Italy phản đối cải cách hiến pháp và giảm bớt quyền lực của chính quyền ở 20 vùng của đất nước là thắng lợi của Phong trào 5 sao (M5S - lực lượng chống các đảng phái chính trị truyền thống) và Liên minh phương Bắc (lực lượng theo xu hướng ly khai ở Italy).
Thủ tướng Matteo Renzi đã ngay lập tức tuyên bố từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân, đẩy Italy vào giai đoạn bất ổn chính trị và nguy cơ phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi thuyết trình trước cử tri trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân. (Nguồn: Newsweek) |
Những cử tri phản đối chính phủ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự không hài lòng của công chúng đối với các đảng phái truyền thống ở Italy. Kết quả trưng cầu ý dân sẽ gia tăng ảnh hưởng của M5S, hiện đang ngang bằng với đảng Dân chủ của Thủ tướng Renzi trong các cuộc thăm dò dư luận. M5S là đảng đối lập lớn nhất ở Italy. Đảng này theo xu hướng hoài nghi châu Âu và chống lại các đảng phái chính trị truyền thống. M5S thu hút sự ủng hộ của cử tri thông qua các chương trình chống tham nhũng trong giới quan chức, bảo vệ môi trường, kiểm soát của người dân đối với nguồn nước và các tài nguyên khác, chống toàn cầu hóa và người nhập cư.
Ông Luigi Di Maio, chính trị gia có khả năng trở thành thủ tướng nếu M5S giành chiến thắng trong bầu cử, cam kết sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đàm phán lại về quá trình giải quyết nợ công của Italy. Viễn cảnh này không chỉ đe dọa tới các cam kết của Roma đối với EU mà còn gây ra nguy cơ sụp đổ của Eurozone nếu Italy rời khỏi khu vực này. Thậm chí, nếu người Italy không lựa chọn rời khỏi Eurozone thì việc tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này cũng tác động tiêu cực tới thị trường và gia tăng áp lực đối với các nền kinh tế yếu hơn. Italy hiện là nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới và thứ 3 trong EU. Triển vọng tiêu cực của nền kinh tế nước này sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế của EU cũng như thế giới.
Giai đoạn thử thách
Trưng cầu ý dân ở Italy khởi đầu cho một loạt cuộc bầu cử trong thời gian tới, có nguy cơ đe dọa tới quyền lực của EU. Cuộc bầu cử tổng thống trong tháng 4 và tháng 5/2017 ở Pháp sẽ là cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon và lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen. Bà Le Pen ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân về việc Pháp rời khỏi EU, được gọi là “Frexit”. Thậm chí, nếu bà Le Pen thất bại thì quan điểm chống Brussels và người nhập cư của bà cũng sẽ tác động lớn tới sự lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử Nghị viện diễn ra một tháng sau đó.
Đức, thành viên chủ chốt trong EU sẽ tiến hành bầu cử tại các vùng quan trọng Schleswig-Holstein và North-Rhine Westphalia trong tháng 5/2017, sau đó là bầu cử Nghị viện vào tháng 9/2017. Trong một số cuộc bầu cử địa phương gần đây, đảng chống người nhập cư “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) giành thắng lợi quan trọng trước Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel.
AfD đã được 14,2% số cử tri ủng hộ và lần đầu tiên giành ghế trong Nghị viện Berlin. Đây là thắng lợi đầu tiên của một đảng dân túy ở Đức kể từ khi nước này thống nhất cho đến nay. Việc tái cơ cấu nợ và cứu trợ Italy bằng tiền thuế của người dân Đức sẽ tiếp tục gia tăng tỉ lệ đối với AfD trong thời gian tới. Trong khi đó, CDU sẽ đối mặt với thách thức lớn trong các cuộc bầu cử sắp tới khi tỷ lệ ủng hộ đảng này đang giảm mạnh do chính sách nhân nhượng đối với người nhập cư của Berlin. Hiện chưa rõ liệu bà Merkel có tiếp tục chạy đua nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ tư hay không. Nguy cơ bà Merkel rút lui tác động tiêu cực đến các cam kết của Berlin đối với chính sách tăng cường hội nhập trong EU.
Hiện chưa rõ liệu bà Merkel có tiếp tục chạy đua nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ tư hay không. (Nguồn: Reuters) |
Hà Lan sẽ tổ chức bầu cử Nghị viện trong tháng 3/2017. Đảng Tự do (PVV) theo xu hướng dân túy và hoài nghi châu Âu của ông Geert Wilders có cơ hội trong việc thành lập chính phủ khi tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với chiến dịch chấm dứt “Hồi giáo hóa Hà Lan” của đảng này đang tăng lên. Hiện PVV đang đứng thứ hai, chỉ sau đảng cầm quyền Dân chủ và Tự do trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.
Các lực lượng dân túy và hoài nghi châu Âu cũng đang tăng cường lực lượng trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực Trung và Đông Âu. Czech sẽ tổ chức bầu cử Hạ viện vào tháng 10/2017. Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng cầm quyền - đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) của Thủ tướng Bohuslav Sobotka giảm mạnh trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương gần đây. CSSD đã thất bại trước Phong trào ANO, thành viên của liên minh cầm quyền, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis lãnh đạo. ANO đã tận dụng được sự mất lòng tin của cử tri Czech đối với các đảng phái truyền thống ở nước này. Chiến thắng của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên chủ chốt Tây Âu chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho ANO.
Hungary sẽ tổ chức bầu cử Nghị viện vào mùa xuân năm 2018. Thủ tướng Viktor Orban, một trong số những lãnh đạo hàng đầu theo xu hướng hoài nghi châu Âu, đã sẵn sàng cho việc chạy đua nhiệm kỳ tiếp theo trong bối cảnh Budapest phản đối mạnh mẽ chính sách tiếp nhận người nhập cư Syria của EU và đòi hỏi chủ quyền quốc gia lớn hơn. Rõ ràng, những năm tới sẽ là giai đoạn thử thách quan trọng đối với sự tồn tại của EU.
Moody's hạ mức triển vọng nợ của Italy Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ mức xếp hạng triển vọng tín dụng chính phủ của Italy từ mức ổn định xuống mức ... |
Sẽ không có cuộc “chia tay” nào giữa Italy và EU Việc cử tri Italy bỏ phiếu phản đối cải cách hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 4/12 đã buộc Thủ tướng Matteo ... |
Italy: Phe đối lập kêu gọi bầu cử sớm Lời kêu gọi được Lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao (M5S) Beppe Grillo đưa ra ngày 4/12, sau khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi ... |