📞

Tương lai quan hệ giữa Mỹ và Mỹ Latin

17:21 | 23/01/2017
Sẽ không có sự ưu tiên với Mỹ Latin trong chính sách của vị Tân Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, đối với ông Trump và chính phủ mới ở Mỹ, sẽ chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra.

Sẽ không có sự ưu tiên

Mỹ Latin sẽ không được ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Nhà Trắng trong thời gian tới. Trên thực tế, đến thời điểm này chính sách đối ngoại của ông Trump với Mỹ Latin chưa có gì rõ ràng. Tuy nhiên, có thể đưa ra một vài nhận định về mối quan hệ trong tương lai giữa ông Trump và Mỹ Latin.

Mỹ Latin sẽ không được ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Nhà Trắng trong thời gian tới. (Nguồn: New China)

Cụ thể, sẽ không có sự ưu tiên với Mỹ Latin trong chính sách của tân Tổng thống Donald Trump. Trên thực tế, từ những năm 80 của thế kỷ trước, từ thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ Latin đã không nằm trong sự ưu tiên của Mỹ. Cụ thể hơn là kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1989, sự tập trung của Nhà Trắng đã chuyển hướng sang khu vực Trung Đông và châu Á. Nhà sử học Wolf Grabendorff nhận định "ngoại trừ Mexico, Mỹ Latin sẽ không có bất kỳ ý nghĩa gì đối với ông Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố Mexico là một chủ đề rất đặc biệt đối với ông và quan hệ giữa hai nước láng giềng này sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong vấn đề di cư".

Dù sao chăng nữa, đối với Mỹ, những gì xảy ra ở phía bên kia biên giới (Mexico), gần bang Florida (Cuba), một trong những nhà cung cấp dầu chính cho nước này (Venezuela), quốc gia mạnh nhất Nam Mỹ (Brazil) hay một trong những địa điểm nhạy cảm nhất ở khu vực (Colombia) vẫn sẽ có vai trò rất quan trọng đối với Nhà Trắng. Tướng về hưu John Kelly, nhân vật được ông Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh Nội địa và là người có cái nhìn tổng thể và bao quát hơn, từng tuyên bố an ninh biên giới của Mỹ ở cách xa phía Nam sông Rio Bravo tới 2.400km, trong vùng rừng rậm Mỹ Latin. 

Chính sách bảo hộ của ông Trump chắc chắn sẽ làm gia tăng sự bất ổn và biến động trong nền kinh tế Mỹ Latin. Khu vực này sẽ tăng trưởng chậm hơn, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sang Mỹ, một thị trường được bảo vệ nhiều hơn.

Venezuela, Cuba và những mối lo

Venezuela, quốc gia đang đối mặt với vô vàn khó khăn, sẽ trở thành một vấn đề đau đầu cho vị chủ nhân mới của Nhà Trắng. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp giữa ông Trump với cựu Thứ trưởng Ngoại giao David Duckenfield, chuyên gia về những vấn đề Tây Bán Cầu Freddy Balsera, cựu cố vấn của ông ở bang Florida, Carlos Gimenez và cựu Đại sứ Guatemala tại Washington Julio Ligorria, Venezuela là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất.

Đối với Cuba, việc Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama bãi bỏ chính sách “chân ướt chân ráo” vốn cho phép người dân Cuba không có thị thực vẫn có thể trở thành công dân vĩnh viễn của Mỹ, chỉ ít ngày trước khi rời nhiệm sở đã đặt quan hệ giữa Mỹ và Cuba vào một tình thế phức tạp.

Người dân Mexico biểu tình phản đối ông Trump. (Nguồn: Telegraph)

Việc chấm dứt chính sách trên quả là "món quà khó nuốt" mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tặng lại cho chính phủ kế nhiệm. Đây là "nước cờ" chiếu tướng đối với cả Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng như ông Trump, bởi việc đóng lại "chiếc van" này có thể làm gia tăng áp lực đối với Chính phủ Cuba, khiến tình hình trở nên bất ổn và buộc Havana phải thay đổi hoặc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng với hậu quả khôn lường. Trong khi đó, ông Rex Tillerson, người được ông Trump chọn làm Ngoại trưởng, có quan điểm ít thiện chí hơn với ông Raul Castro cho rằng "các nhà lãnh đạo của Cuba đã nhận được rất nhiều, trong khi người dân nhận được rất ít. Điều này chẳng hề phục vụ lợi ích của người dân Cuba cũng như người dân Mỹ".   

Xích lại gần Argentina, Colombia

Ông Obama và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos có hai chiến lược khác nhau trong cuộc chiến chống ma túy. Tuy vậy, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Colombia, tân Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cũng hiểu rằng, Mỹ cần phải ủng hộ chính phủ của ông Santos. Ông này từng tuyên bố Colombia là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực.

Michael Shifter, Chủ tịch tổ chức Đối thoại liên Mỹ, cho rằng vấn đề Mỹ Latin phụ thuộc rất nhiều vào nhân vật nào có tiếng nói ảnh hưởng nhất đối với vấn đề này trong Nội các của ông Trump. Theo ông Shifter, nền hòa bình tại Colombia sẽ được Mỹ ủng hộ, nhưng sẽ có nhiều áp lực hơn trong cuộc chiến chống ma túy và có thể nguồn viện trợ đã được cam kết sẽ chuyển hướng tới vấn đề phòng chống ma túy và an ninh.   

Mặc dù Chính phủ của Tổng thống Argentina Mauricio Macri đặt cược vào chiến thắng của bà Hillary Clinton, nhưng ông Trump không chỉ quen thân với cá nhân ông Macri mà còn có vẻ khá am hiểu về những cải cách của chính phủ quốc gia Nam Mỹ này.

Ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm với Argentina và thừa nhận “bầu không khí mới” kể từ khi ông Macri nắm quyền điều hành. Ông này cũng đề cao vai trò của Buenos Aires trong khu vực. Cùng với người con rể và ông Jared Kushner, cố vấn chủ chốt của mình ở Nhà Trắng, ông Trump đã bày tỏ mối quan tâm củng cố hợp tác với Argentina khi đưa ra nhận xét về những "thay đổi trong quan hệ song phương" từ tháng 12/2015 khi ông Macri nắm quyền điều hành đất nước.

Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, đúng như nhiều chuyên gia nhận định, đối với ông Trump và chính phủ mới ở Mỹ, sẽ chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra.

(theo Infolatam)