Tranh biếm họa về kinh tế Nga (Nguồn: Cagle Post) |
Cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg tiến hành mới đây cho thấy, 65% các nhà kinh tế được hỏi đã cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục giảm, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phải tiếp tục hạ lãi suất khẩn cấp sau khi đã tiến hành 4 lần cắt giảm lãi suất từ đầu năm tới nay. 35% đưa ra nhận định, Chính phủ Nga có thể phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn giống như của Hy Lạp và 22% dự đoán, Chính phủ sẽ phải đứng ra tiếp quản một số ngân hàng của nước này.
Với câu hỏi về viễn cảnh đối với nền kinh tế Nga nếu giá dầu rớt xuống 40 USD/thùng, khiến nguồn vốn bị thâm hụt khoảng 600 tỷ Ruble và tỷ lệ nợ xấu tăng gấp 2 lần, 69% các chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng, nền kinh tế và ngân hàng Nga chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Tác động của giá dầu xuống 40 USD/thùng sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, khiến đồng Ruble suy yếu. Có thể, vào cuối năm 2015, 65 Ruble chỉ đổi được 1 USD, khiến kinh tế Nga bị suy giảm tới 5% trong năm và 1% vào năm 2016.
Ngay cả khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng, các nhà kinh tế cũng nhận định rằng, nền kinh tế Nga sẽ có xác suất tới 85% bị suy thoái trong 12 tháng tiếp theo. Trong khi đó, giá dầu vẫn đang có xu hướng giảm, do nguồn cung từ Mỹ và nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác tăng đột biến, đồng USD mạnh lên…
Hôm 31/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố quyết định hạ lãi suất cơ bản lần thứ 5 trong năm, xuống 11%, từ mức 11,5% trước đó, nhằm ngăn chặn sự sụt giá của đồng Ruble. Ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Nga công bố hạ lãi suất, đồng Ruble vẫn tiếp tục mất giá với tỷ giá 61 Ruble trên 1 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 18/3/2015. Theo các chuyên gia, trong tương lai, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ quyết định về mức lãi suất cơ bản, tùy thuộc vào nguy cơ lạm phát và mức độ "nguội lạnh" của nền kinh tế, nhưng đồng Ruble có thể tiếp tục dao động mạnh trong thời gian tới.
Ngày 3/8, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến Nga phải trả giá ở mức tương đương 9% GDP. Theo IMF, tác động của các biện pháp trừng phạt đối với khả năng tiếp cận các thị trường tài chính của Nga từ bên ngoài cũng như các hoạt động đầu tư công nghệ mới sẽ kéo dài khiến kinh tế Nga sẽ tăng trưởng yếu vào khoảng 1,5%/năm trong trung hạn. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tăng trưởng của Nga khoảng 7%/năm.
An Sinh (theo Bloomberg)