TIN LIÊN QUAN | |
Ký xong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Tổng thống Trump lập tức đi Trung Quốc | |
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ được ký trong tuần này? |
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thượng mại Mỹ-Trung giai đoạn I vào ngày 15/1. (Nguồn: Washington Post) |
Tổng thống Donald Trump trong ngày cuối cùng của năm 2019 tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vào ngày 15/1 tới đây, một động thái cho thấy hai cường quốc đang tiến đến giảm thiểu căng thẳng.
“Đình chiến tạm thời”
Thỏa thuận này được cho là sẽ phần nào giải quyết những nghi vấn về phương pháp tiếp cận đối đầu của Tổng thống Trump trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Kể từ khi được áp dụng vào năm 2018, phương pháp tiếp cận của Tổng thống Trump đã làm rối loạn các thị trường tài chính, và khiến cho các lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp phải bối rối.
Mặc dù Nhà Trắng tuyên bố rằng một thỏa thuận đã được thông qua cách đây hai tuần, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa công bố nội dung của bản thỏa thuận này. Tuy nhiên, thỏa thuận này đủ để vực dậy các thị trường tài chính do các nhà đầu tư cảm thấy tự tin về chiều hướng của các cuộc đàm phán thương mại.
Vào đầu tháng 12, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc cho biết họ đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, và Tổng thống Trump đồng ý không áp thuế lên 160 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cũng trong ngày 31/12, Tổng thống Trump cũng thông báo trên Twitter rằng ông sẽ đến Bắc Kinh để đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 vào một ngày không xa. Thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề gai góc mà Nhà Trắng đã đưa ra với Trung Quốc, ví dụ như việc chính phủ Trung Quốc trợ giá cho ngành công nghiệp trong nước, vấn đề sao chép công nghệ.
Việc giảm thiểu căng thẳng thương mại diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử 2020, và thông điệp của ông Trump lâu nay vẫn luôn tập trung vào nền kinh tế Mỹ. Trong gần 2 năm qua, việc Tổng thống Trump đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc và của các quốc gia khác đã dấy lên nhiều nghi ngại và khiến nhiều lãnh đạo kinh doanh cắt giảm đầu tư.
Nhượng bộ quá sớm
Tuy vậy, những kết quả chính trị của việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng. Một số đảng viên Đảng Dân chủ, với cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, chỉ trích thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Nhà Trắng và cho rằng Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá sớm.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đủ để hiện thực hóa những lời hứa lớn lao của Tổng thống Trump về việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Tuy nhiên, những quan chức Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ bản thỏa thuận. Họ lập luận rằng bản thỏa thuận này sẽ khiến Trung Quốc gia tăng gấp đôi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong vòng 2 năm tới. Những quan chức của chính quyền Trump đã tuyên bố Trung Quốc sẽ mua một lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ. Tuy vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn chưa xác nhận những con số trên.
Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu các sản phẩm nông sản và năng lượng của Mỹ có lẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại nặng nề mà các nông dân Mỹ đã gánh chịu trong thời gian thương chiến, đặc biệt là tại khu vực Trung Tây. Những nhà sản xuất đậu nành và nhiều nông dân khác bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa cho các khách hàng Trung Quốc.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã tránh những khoản thuế mà Mỹ đã đe dọa áp lên sản phẩm điện thoại di động, laptop và thiết bị điện từ sản xuất tại Trung Quốc và xuất sang Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục đánh thuế lên nhiều sản phẩm khác, một động thái của Nhà Trắng nhằm tạo áp lực lên Bắc Kinh và bắt nước này phải ngồi vào bàn đàm phán. Hiện tại, Mỹ vẫn đánh thuế 25% lên lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc.
Những người chỉ trích thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 viện dẫn những vấn đề lớn mà thỏa thuận này chưa giải quyết được, chẳng hạn như: Chính phủ Trung Quốc trợ cấp rất nhiều cho những tập đoàn công nghiệp của nước này, những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được hỗ trợ để cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ, và những chính sách tiền tệ giúp cho các nhà sản xuất của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh so với các nhà sản xuất của Mỹ.
Scott Paul, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ nói rằng: “Thật là đáng thất vọng khi chính phủ đã dành 3 năm qua để xây dựng thỏa thuận này, và chúng ta vẫn chưa rõ bước đi tiếp theo là gì. Chúng ta đã phải chịu nhiều tổn thất, và hiện tại vẫn chưa có nhiều tiến triển trong các vấn đề quan trọng nhất”.
Trung Quốc có thể ký thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tháng tới | |
Thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc: Bóc ngắn, cắn dài | |
Có lý do để hoài nghi việc Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn 1 |