Gần 3 tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Iran hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rohani hôm qua (5/8) đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình.
Trong bài phát biểu này, ông Rohani đã dành nhiều thời gian để nói về mối quan hệ Mỹ - Iran, trong đó có phản ứng của Iran sau các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này.
Tổng thống Iran Rohani. (Nguồn: ifpnews). |
Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Iran Rohani cảnh báo Mỹ rằng, Iran sẽ trả đũa “một cách thích đáng” bất kỳ vi phạm nào trong thỏa thuận hạt nhân. Theo ông Rohani, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, đặc biệt nhằm vào chương trình đạn đạo của Iran và lực lượng Vệ binh Cách mạng, vi phạm các thỏa thuận hạt nhân vì nó ngăn chặn Iran bình thường hóa quan hệ kinh tế với phần còn lại của thế giới và ảnh hưởng xấu tới đầu tư nước ngoài.
Ông Rohani nói: “Thay mặt người dân Iran và các quan chức, tôi tuyên bố Iran sẽ không khởi xướng việc vi phạm thỏa thuận hạt nhân, Tuy nhiên, Iran cũng sẽ không yên lặng khi đối mặt với những lời đe dọa của Mỹ về việc thực thi thỏa thuận. Iran đã chứng minh rằng, chúng tôi sẽ tôn trọng những người tôn trọng chúng tôi và sẽ có phản ứng tương thích để đáp trả những người đã trừng phạt và đe dọa chúng tôi”
Trước đó, cùng ngày, ông Rohani tuyên bố “những vi phạm lặp đi lặp lại đối với các cam kết của chính quyền Mỹ và biện pháp trừng phạt mới đối với Iran có thể phá hoại" thỏa thuận hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức được ký kết vào tháng 7/2015 đã cho phép sự trở lại của các công ty quốc tế lớn vào thị trường Iran, đặc biệt là các thỏa thuận gần đây với công ty dầu mỏ Total của Pháp và tập đoàn CNPC của Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và sự thù địch ngày càng tăng của Tổng thống Donald Trump được cho là đã làm phức tạp thêm nhiệm vụ của Tổng thống Rohani trong nỗ lực thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giảm thất nghiệp hiện đang ở mức 12,7% ở Iran.
Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Rohani, kinh tế Iran đã được thổi những “luồng gió mới” với hầu hết các điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể, so với 8 năm có thể coi là yếu kém trong 2 nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Chính phủ của ông Rohani cũng đã thành công trong kế hoạch giành lại thị phần đã mất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, với sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô hiện ở mức tương đương và cao hơn các mức trước thời điểm bị trừng phạt.
Kinh tế Iran đang hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu một cách tích cực với nhiều thỏa thuận thương mại, tài chính, năng lượng được ký kết với một số đối tác ở châu Âu, Nga, các nền kinh tế có tiềm lực mạnh ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khoảng 9,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2016 là kết quả cụ thể của chính sách mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài mà quốc gia Trung Đông này đang tích cực triển khai. Cùng với đó, lạm phát đã giảm mạnh từ khoảng 40% năm 2013 xuống còn 7,5% năm 2016, trong khi tăng trưởng kinh tế đạt 7%. Đáng kể hơn là việc Iran dần thoát khỏi sự cô lập với vị thế ngày càng được nâng cao, quan hệ với phương Tây cũng đang dần được cải thiện.