Tỷ giá USD hôm nay không có nhiều biến động. (Nguồn: The National) |
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 93,86 điểm, giảm 0,1%.
Một mức tăng trưởng 33,1% của kinh tế Mỹ trong quý III/2020 đã giúp giảm bớt một số lo ngại về nhu cầu, trong khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde báo hiệu một gói kích thích tiền tệ mới vào tháng 12.
Triển vọng nhu cầu vẫn còn ảm đạm với việc hai nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển kéo dài một tháng khi các quốc gia trên khắp lục địa đăng tải các trường hợp lây nhiễm kỷ lục.
Hoạt động tiêu dùng - đóng góp khoảng 70% GDP Mỹ - phục hồi tốt. Chi tiêu dùng cá nhân tăng 40,7% trong khi tổng đầu tư tư nhân trong nước tăng 83%. Hoạt động kinh tế diễn ra tích cực tại lĩnh vực bất động sản.
Ông John Mousseau, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Cumberland Advisors cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ lại khuyến khích các nhà lập pháp triển khai các biện pháp kích thích mới sau cuộc bầu cử, vào những tuần cuối cùng trước khi Quốc hội mới được thành lập vào tháng 1/2021.
Lãi suất cho vay chuẩn không còn là trọng tâm trong các cuộc họp của Fed, sau khi ngân hàng trung ương hồi tháng Tám đưa ra chính sách mới là duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài hơn để chờ lạm phát tăng và tối đa hóa thị trường việc làm.
Theo một báo cáo được công bố ngày 29/10, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, lượng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự kiến giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm nay.
Lượng kiều hối này sẽ tiếp tục giảm 7,5% trong năm 2021 do các biện pháp phòng chống dịch và kinh tế giảm tốc, qua đó làm giảm nguồn tiền mà lao động di cư có thể gửi về cho gia đình.
Xét tổng thể, các khu vực được dự đoán sẽ chứng kiến lượng kiều hối sụt giảm mạnh là châu Âu và Trung Á (đều giảm 16%), tiếp sau là Đông Á (11%) và Thái Bình Dương (4%).
Chốt phiên cuối cùng tháng 10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.201 đồng (tăng 3 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.844 đồng (không đổi).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng USD phổ biến ở mức 23.090 đồng (mua) và 23.270 đồng (bán).
Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD. Vietinbank: 23.088 đồng/USD và 23.268 đồng/USD. ACB: 23.110 đồng/USD và 23.260 đồng/USD.