TIN LIÊN QUAN | |
Lý Nhã Kỳ trải lòng về cơ hội quảng bá du lịch Việt qua đám cưới tỷ phú Ấn Độ | |
Choáng ngợp đám cưới xa hoa của con trai tỷ phú giàu nhất châu Á |
Ở Ấn Độ, đám cưới là chuyện hệ trọng của cả gia đình 3 thế hệ. Vì vậy, thông thường giấy mời do ông bà đứng tên để gửi đi. Người lớn tuổi nhất trong đám cưới vừa qua chính là chú của mẹ chú rể. Ông bà là người dẫn đầu đoàn con cháu đi trên hai chuyên cơ chở các thành viên của hai họ.
Giá trị của gia đình
Đám cưới cũng là dịp để họ hàng đang định cư ở các nước như Mỹ, Australia, Canada đến dự. Họ dự đám cưới vừa là vinh dự, trách nhiệm và cả niềm vui đoàn tụ. Nhìn ông bà tỷ phú Shah lên tận máy bay cúi mình chào và chạm vào đầu gối của ông chú, mới thấy họ lễ độ và kính trọng người trên như thế nào. Đặc biệt, chứng kiến chú rể ôm cậu em họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, quả thật tình họ hàng hết sức sâu nặng.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ hai từ phải) và người đẹp Lý Nhã Kỳ cùng những khách mời của đám cưới. |
Đám cưới Ấn Độ còn là dịp để hội tụ bạn bè từ thủa phổ thông, đặc biệt là đại học. Chính vì vậy, tính trung bình mỗi đám cưới của các đại gia Ấn Độ thường có chi phí hàng chục triệu USD (hàng năm khoảng 60 tỷ USD chi cho 500 đám cưới đình đám nhất) và số quốc tịch trung bình của mỗi đám cưới là 12 quốc gia.
Bên cạnh đó, đám cưới cũng là dịp để các đại gia “khoe” về mối quan hệ chính trị - xã hội, qua đó khẳng định vị trí của gia đình trong giới thượng lưu. Điều đáng nói, có vài tỷ phú và nhiều triệu phú tham dự đám cưới tại Phú Quốc nhưng họ trông rất giản dị đến nỗi không thể nghĩ họ là đại gia qua vẻ bề ngoài.
Đẹp đến từng chi tiết
Qua các bức ảnh và nhiều video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và Youtube đủ thấy chủ nhân của bữa tiệc đã phải mất nhiều tháng để thiết kế từng chi tiết. Từ thiệp mời, hộp đựng quà, cuốn chương trình cưới 7 ngày đến trang phục, bối cảnh của từng chủ đề đều được chuẩn bị công phu. Riêng các loại hoa tại đám cưới cũng khác nhau không chỉ ở cách bài trí mà còn theo chủ đề của sự kiện. Trong số 30 người chuyên tổ chức sự kiện này có một người đặc trách về hoa.
Từng sự kiện (trong 11 sự kiện) đều toát lên tính sáng tạo và sự độc đáo vô cùng, từ ý tưởng, nội dung đến không gian thực hiện. Trang phục là yếu tố mang tính bắt buộc, do vậy cuộc thương lượng với hãng vận chuyển nhiều lúc tưởng “đổ bể” vì khách muốn mang 40 kg hành lý để có đủ trang phục cho các sự kiện khác nhau, trong khi nhà vận chuyển chỉ đồng ý mỗi người 20 kg.
Ấn tượng nhất có lẽ là mỗi khách mời bước vào máy bay đã được tiếp viên chuyển cho một bức thư của cô dâu chú rể, trong đó chào mừng các vị quý khách bước vào một hành trình đầy trải nghiệm ở Phú Quốc. Đương nhiên thiệp mời chính thức đã được gửi cả tháng trước đó. Mỗi vị khách trên máy bay còn được nhận một hộp quà có kẹo sô cô la và các loại hạt của Ấn Độ nhưng lại được phủ bởi một cái nón nhỏ, rất đặc sắc của Việt Nam. Họ được tiếp viên trưởng chào đón, được phục vụ đồ ăn chay rất giống với đồ ăn của Ấn Độ.
Khi xuống sân bay, từng người được bố trí xe chở về khách sạn JW Marriot, nơi lễ đón chính thức được tổ chức. Nhìn vào đội ngũ xe hơn 30 chiếc 16 chỗ mới toanh và danh sách từng tên khách với giờ đến và giờ đi mới thấy họ không chỉ chu đáo mà rất chuyên nghiệp. Bất ngờ hơn khi trên màn hình ti-vi trong mỗi phòng ở khách sạn có chiếu đầy đủ chương trình hàng ngày của cả lễ cưới, chẳng khác gì chương trình của một hội nghị lớn có hàng nghìn người tham dự.
Văn hóa ẩm thực
Đặc điểm của người Ấn khá bảo thủ về ăn uống, vì vậy ban tổ chức đã phải điều 50 đầu bếp Ấn Độ qua nấu và mang theo các gia vị cần thiết. Trong các bữa tiệc đều phục vụ cả món Âu, món Á và cũng theo chủ đề của sự kiện ngày hôm đó. Tuy nhiên, trong bữa tiệc luôn có món Ấn Độ và thi thoảng vẫn bắt gặp một vị khách sang trọng nhưng vẫn dùng tay bốc ăn rất ngon lành các món đặc trưng của Ấn Độ.
Điều thú vị, trong đám cưới Ấn Độ nhất định phải có đồ chay vì lượng người ăn chay ở một số tiểu bang của Ấn độ lên đến 50%. Đồng thời, khoản chi rất lớn trong đám cưới là rượu.
Có thể nói, đám cưới Ấn Độ không phải chỉ là dự án lớn về kinh phí đối với cha mẹ cô dâu chú rể, đây còn là dịp trải nghiệm của khách tham dự. Chắc chỉ có người Ấn Độ mới có thể nhảy được nhiều và liên tục trong suốt mấy ngày liền, từ chập tối đến sáng hôm sau. Món quà lớn nhất đối với cô dâu chú rể là sự “xả thân” nhập cuộc chứ không phải "phong bì" của người dự.
Điều đáng nói, trong đám cưới không có thùng nhận tiền mừng như Việt Nam vì đám cưới Ấn Độ không phải những “bữa cơm bụi” đắt tiền, cũng không phải lo lắng xem tiền mừng có đủ để bù bữa cơm hôm đó và dôi ra một ít cho cô dâu chú rể không?
Có lẽ, đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ và cách tổ chức đám cưới ở Việt Nam?
Lý Nhã Kỳ "khoe sắc" tại đám cưới của tỷ phú Ấn Độ Lý Nhã Kỳ là sao Việt duy nhất được mời tham dự đám cưới của vợ chồng tỷ phú Ấn Độ tại Phú Quốc. |
Chân dung nữ tỷ phú Ấn Độ tổ chức đám cưới xa xỉ ở Phú Quốc Nữ tỷ phú Ấn Độ Kaabia Grewal và vị hôn phu Rushang Shah đang có một lễ cưới xa hoa bậc nhất tại khu nghỉ ... |
Con đường thành công của những ông trùm giàu nhất Ấn Độ Cả thế giới kinh ngạc khi có đến 23 tỷ phú Ấn Độ được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất ... |