Tỷ phú Elon Musk sắp gắn chip vào não người: Từ phim khoa học viễn tưởng đến ngành công nghiệp tỷ USD. Trong ảnh, một ca phẫu thuật kích thích não sâu - cấy BCI hỗ trợ người mắc bệnh Parkinson. (Nguồn: Reuters) |
Neuralink, công ty khởi nghiệp về công nghệ thần kinh của tỷ phú Elon Musk đã nỗ lực hướng tới mục tiêu cấy chip máy tính vào hộp sọ của con người, kể từ khi thành lập vào năm 2016. Gần đây, họ đã công bố kế hoạch bắt đầu thử nghiệm trên người trong vài tháng tới.
Dự án không thể mạo hiểm hơn?
Sau nhiều năm thử nghiệm trên các đối tượng động vật, vào tháng 12/2022, Elon Musk thông báo, công ty của ông đã lên kế hoạch thử nghiệm trên người trong vòng 6 tháng. Đây không phải là lần đầu tiên ông công bố những thử nghiệm này chuẩn bị diễn ra.
Ý tưởng là dịch các tín hiệu não thành đầu ra kỹ thuật số — chẳng hạn như có thể gửi tin nhắn văn bản hoặc nhập văn bản chỉ bằng một ý nghĩ.
Tuy vậy, có những mối nguy hiểm thực sự và những cạm bẫy đạo đức đặc biệt đối với việc cấy ghép chip vào thần kinh con người. Các bằng chứng thuyết phục cho thấy, các thiết bị cấy ghép có thể gây ra những thay đổi về nhận thức ngoài phạm vi ứng dụng dự định, cũng có nguy cơ làm cho con người ngày càng phụ thuộc quá mức vào chúng. Thậm chí, với một số người, các thiết bị còn làm thay đổi tính cách.
Vậy chip não có thể thay đổi bạn như thế nào? Các nghiên cứu cho thấy, công nghệ mới của Elon Musk có thể bẻ cong tâm trí bạn theo những cách kỳ lạ và rắc rối.
Công ty Neuralink đã dành hơn nửa thập kỷ để tìm ra cách dịch tín hiệu não thành đầu ra kỹ thuật số — hãy tưởng tượng bạn có thể di chuyển con trỏ, gửi tin nhắn văn bản hoặc nhập trình xử lý văn bản chỉ bằng một ý nghĩ.
Mặc dù, trọng tâm ban đầu là ứng dụng trong các trường hợp phải can thiệp y tế, chẳng hạn như trợ giúp những người bị liệt giao tiếp, nhưng tỷ phú Musk còn có mong muốn hơn thế. Ông muốn đưa chip của Neuralink trở thành một bộ phận có tính chủ đạo - “Fitbit trong hộp sọ của bạn”.
Hiện công ty của vị tỷ phú nổi tiếng này không phải là nhóm duy nhất nghiên cứu về kết nối trực tiếp giữa não người và máy tính, hoặc các hệ thống có thể thực hiện được mục tiêu đó. Các nhà nghiên cứu khác cũng đang xem xét việc sử dụng BCI (giao thức tương tác trực tiếp giữa các tín hiệu não với một thiết bị bên ngoài) để khôi phục các giác quan đã mất, kiểm soát các chi giả, cũng như trong một số ứng dụng khác.
Mặc dù những công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng chúng đã có thời gian đủ lâu để các nhà nghiên cứu ngày càng hiểu được cách thức cấy ghép thần kinh tương tác với trí não con người.
Anna Wexler, trợ lý giáo sư triết học tại Khoa Đạo đức y tế và chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania, cho biết "Chắc chắn nó gây ra những thay đổi.
Câu hỏi đặt ra là nó gây ra những loại thay đổi nào và những thay đổi đó nguy hiểm đến mức nào?
Can thiệp vào hoạt động tinh tế của bộ não con người là một công việc khó khăn và các tác động không phải lúc nào cũng như mong muốn hoặc dự kiến. Những người sử dụng có thể cảm thấy bị phụ thuộc hoàn toàn vào các thiết bị hoặc như thể ý thức về bản thân của họ đã bị thay đổi.
Vì vậy, trước khi con người đạt đến thời điểm mà mọi người xếp hàng để được cấy ghép điện thoại thông minh vào não, thách thức phải vượt qua còn rất lớn bởi ngoài sự nguy hiểm còn có các “cạm bẫy đạo đức”.
Trong bộ phim The Terminal Man năm 1974, một người đàn ông được cấy ghép não xâm lấn để giúp điều trị cơn co giật. Mặc dù ban đầu có vẻ thành công, nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ khi việc tiếp xúc liên tục với con chip khiến anh ta nổi cơn tâm thần. Ngoài ra, giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, không ít nhà khoa học đã sớm cảnh báo về thảm họa.
Tại sao Tỷ phú Elon Musk quyết đầu tư lớn?
Như vậy, "gắn chip máy tính vào não người" đúng là một dự án không thể mạo hiểm hơn, nhưng có vẻ hợp với phong cách đầu tư táo bạo của vị tỷ phú nổi tiếng thế giới.
Trong khi con người vẫn chưa sản xuất được ô tô bay, hay sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa vẫn còn những khó khăn nhất định, BCI có thể là công nghệ nổi bật nhất không chỉ bắt kịp, mà trong một số trường hợp còn vượt qua cả những mô tả trong khoa học viễn tưởng.
Hơn 200.000 người trên khắp thế giới đã sử dụng một số loại BCI, chủ yếu là vì lý do y tế. Trường hợp được biết đến nhiều nhất là cấy ghép ốc tai điện tử, trợ giúp người khiếm thính.
Một trường hợp sử dụng ưu việt khác là phòng chống động kinh. Các thiết bị hiện có thể theo dõi hoạt động của tín hiệu não để dự đoán các cơn động kinh và cảnh báo người bệnh để họ tránh một số hoạt động nhất định hoặc dùng thuốc phòng ngừa.
Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất các hệ thống không chỉ phát hiện mà còn ngăn chặn các cơn co giật bằng kích thích điện, gần như chính xác với cơ chế được mô tả trong phim "The Terminal Man".
Việc cấy ghép các thiết bị điện tử cho người mắc bệnh Parkinson, trầm cảm, OCD (chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế) và động kinh đã được thử nghiệm trên người trong nhiều năm.
Những cải tiến gần đây về trí tuệ nhân tạo và vật liệu thăm dò thần kinh đã làm cho các thiết bị ít xâm lấn hơn và có khả năng phát triển mở rộng hơn, điều này đã thu hút một cách tự nhiên làn sóng tài trợ tư nhân và cả quân sự.
Paradromics, Blackrock Neurotech và Synchron chỉ là một vài đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong ngành, họ hiện đang liên doanh nhằm phát triển thiết bị cho người bị liệt.
Tháng 11 năm ngoái, một công ty khởi nghiệp có tên là Science cũng đã tiết lộ khái niệm về giao diện điện sinh học nhằm giúp điều trị bệnh mù lòa.
Tháng 9/2022, Magnus Medical đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chấp thuận triển khai một liệu pháp kích thích não, có mục tiêu hỗ trợ chữa trị chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, với những đeo bám nhằm thực hiện các cuộc thử nghiệm đã hứa hẹn với công chúng, Công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk bị cho là đã kích hoạt cuộc điều tra liên bang liên quan các khiếu nại vi phạm quyền lợi động vật.
Trên thực tế, công nghệ BCI dù bị hạn chế trong lĩnh vực y tế, nhưng lại khá "nở rộ" trong một loạt ứng dụng phi y tế. Chẳng hạn, một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 đã cho phép con người sử dụng BCI để giao tiếp với nhiều ứng dụng trên máy tính bảng hệ điều hành Android, bao gồm gõ, nhắn tin và tìm kiếm trên web chỉ bằng cách tưởng tượng các chuyển động có liên quan.
Các ứng dụng não bộ nhiều hơn, bao gồm chơi trò chơi điện tử, điều khiển thực tế ảo hoặc thậm chí nhận dữ liệu đầu vào như tin nhắn văn bản hoặc video trực tiếp mà không cần màn hình.
Những điều trên nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng, nhưng thực tế là công nghệ đã bắt đầu vượt xa các rào cản kỹ thuật, thậm chí như giới khoa học cảnh báo, đôi khi chúng đã đạt đến ranh giới các rào cản về văn hóa và đạo đức.
Hãy tưởng tượng có một chiếc điện thoại thông minh trong não của bạn, gần giống như ý tưởng của Elon Musk.
Xét cho cùng, nếu việc nghiện smartphone dễ dàng như thế nào, thì hãy nghĩ xem, khả năng gây nghiện sẽ còn đơn giản hơn nhiều nếu nó luôn thường trực và kết nối trực tiếp vào não của bạn.
Trong các nghiên cứu về đạo đức thần kinh ứng dụng của mình, Giáo sư triết học Frederic Gilbert của Đại học Tasmania tiết lộ về một bệnh nhân đã cảm thấy như thể họ không thể ra ngoài hoặc quyết định ăn gì mà không tham khảo trước "ý kiến" thiết bị trong não của họ.
"Cuối cùng, thiết bị này thay thế con người đưa ra quyết định, loại họ ra khỏi vòng lặp sinh học", Gilbert nói. Một người tham gia nghiên cứu ẩn danh chia sẻ: “Tôi dần quen với nó... rồi nó đã trở thành tôi".
Hoặc có người tham gia nghiên cứu rơi vào trạng thái trầm cảm khi mất sự hỗ trợ của thiết bị, mà đơn giản chỉ là vì bản dùng thử đã hết hạn hoặc hết tiền tài trợ.
Như vậy, ngoài những lo ngại về quyền riêng tư đi kèm với việc máy tính có quyền truy cập vào sóng não của bạn. Tiền tài trợ là "loại phụ thuộc" còn phức tạp hơn, bởi thực tế đây là một dự án vô cùng phức tạp về mặt khoa học, đồng thời đắt đỏ về kinh tế, nên việc đột ngột mất nguồn tài trợ không hiếm gặp, bởi những lý do không mong muốn từ chủ quan... đến khách quan là công ty tài trợ phá sản.
Tuy nhiên không chỉ tỷ phú Elon Musk, mà cả các đối thủ của ông đều nhìn thấy tiềm năng to lớn của "công nghệ độc" này. Như Công ty Tình báo thị trường Grand View Research từng định giá, thị trường cấy ghép não toàn cầu ở mức 4,9 tỷ USD vào năm 2021. Trong nhiều dự báo khác, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.
| Giá vàng hôm nay 17/2/2023: Giá vàng mắc kẹt, thị trường 'buồn', chuyên gia nói về đối thủ đáng gờm của vàng? Giá vàng hôm nay 17/2/2023 bị mắc kẹt ở mức trung lập, thiếu động lực cho đợt tăng giá tiếp theo. Giới chuyên gia cho ... |
| Giá cà phê hôm nay 17/2/2023: Xu hướng giá chưa rõ nét, Trung Quốc giảm nhập cà phê từ Việt Nam Thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm 2022, mức giảm 11,1% so với năm 2021, đạt 49,63 triệu ... |
| Lệnh cấm dầu Nga: Greenpeace 'tố' nghịch lý của châu Âu, lý do EU mắc kẹt vì khí đốt, Moscow vẫn cứ xuất hàng Khí đốt của Nga sẽ tiếp tục chảy vào các cảng châu Âu và đặc biệt là Bỉ. Đây là nghịch lý đã bị Greenpeace ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Chuyên gia châu Âu đánh giá về cơ hội tái sinh kinh tế Ukraine từ ‘đống tro tàn'? Hậu xung đột quân sự, không biết kinh tế Ukraine sẽ trượt đến đâu? Việc tái thiết kinh tế có thể tạo cơ hội để ... |