Tỷ phú Geroge Soros |
Những ngày đó đã qua. Đồng EURO đang trong khủng hoảng, ở đây Đức cũng đóng vai trò chính. Người Đức đã không còn cảm thấy mình giàu có nữa, vì thế họ không muốn đất nước của họ đóng vai trò nhà tài trợ cho châu Âu. Thái độ này là dễ hiểu, mặc dù - không cần bàn cãi-nó đã làm ngừng quá trình hội nhập của châu Âu.
Ngay từ lúc bắt đầu được đưa vào hoạt động, đồng EURO chưa phải là tiền tệ hoàn chỉnh. Hiệp ước Maastricht chỉ thành lập một liên minh tiền tệ mà thiếu liên minh chính trị đi kèm.
Các nước thành viên EURO zone đã bị bỏ rơi, tự mình xoay sở trong vấn đề nợ công của từng chính phủ. Hoàn cảnh này tới tận nay vẫn còn chưa rõ ràng,vì ngân hàng châu Âu ECB đã sẵn sàng tiếp nhận các khoản nợ chính phủ của các quốc gia thành viên với những điều kiện giống nhau trong việc tính toán.
Các ngân hàng đã vui mừng với việc có thể kiếm thêm "vài xu” với những giấy nợ - mà theo giả định của họ là an toàn không bị rủi ro.Vì thế trong bảng cân đối của ngân hàng đã sắp đầy các khoản nợ của các nước kinh tế yếu hơn.
Những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ tháng 9/2008. Ngay trong tháng 10 các bộ trưởng tài chính của EU đã quyết định về cơ bản đưa ra kế hoạnh bảo lãnh một cách có hệ thống nhằm tránh rủi ro cho các tổ chức tài chính quan trọng. Tuy nhiên kế hoạch bảo lãnh này đã bị thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối, vì thế từng nước thành viên phải tự lo cho ngân hàng của mình.
Ban đầu thị trường tiền tệ chưa cảm nhận được sự khác biệt của việc bảo lãnh cho các ngân hàng ở từng nước. Mặc dù tư bản đã chảy ra khỏi những nước không đưa ra được sự bảo lãnh thích hợp cho ngân hàng, nhưng chênh lệch lãi suất giữa các nước vùng EURO zone là không đáng kể.
Cho tới khi chương trình cứu trợ buộc phải đưa ra vì một số nước đông Âu như Hungary và một số nước vùng Bantic gặp khó khăn. Sau đó thị trường tài chính bắt đầu lo lắng về sự tích tụ của nợ công từng quốc gia, và xuất hiện rõ nét chênh lệch lãi suất.
Hi Lạp đã thành tâm điểm của sự chú ý khi sự giấu giếm về mức độ thâm hụt ngân sách năm 2009 bị lộ tẩy. Các nước châu Âu đã phản ứng chậm chạp với tình hình mới này do sự khác biệt về quan điểm của các nước thành viên.
Pháp và một số nước nghiêng về xu hướng cùng đoàn kết. Đức-đất nước đã hai lần bị chấn thương bởi cơn sốc lạm phát trong thế kỉ 20-thì ngược lại phản ứng quyết liệt với nguy cơ tăng giá. Tình hình càng thêm trầm trọng, khi thái độ chần chừ của các chính trị gia Đức trong cuộc bầu cử tháng 9/2009 đã góp phần gây lan rộng khủng hoảng trong các nước thành viên yếu (những nước có thâm hụt ngân sách lớn).
Đến khi các nhà lãnh đạo châu Âu chịu hành động, họ đã phải phê duyệt một gói cứu trợ lớn hơn rất nhiều để trấn an thị trường - 750 tỉ EURO gồm 500 tỉ của EU và 250 tỉ của IMF.
Tuy nhiên thị trường vẫn chưa yên tâm vì điều kiện sử dụng khoản này do Đức quyết định cùng những "hình phạt”. Các nhà đầu tư cũng nhận ra rằng việc thực hiện giảm thâm hụt làm tăng thất nghiệp. Điều này gây thêm nhiều khó khăn cho việc cân bằng ngân sách nhà nước. Quá trình điều chỉnh ngân sách nếu không đi cùng giảm giá tiền tệ sẽ buộc phải thắt chặt lương và giá cả. Việc này sẽ dẫn tới giảm phát.
Chính sách kinh tế hiện tại bị ép trên khu vực EURO đang kéo dài tình trạng trì trệ kinh tế và có thể gây thêm nhiều điều tồi tệ khác nữa. Đây chính là nguồn gây ra bất mãn trong dân chúng và bất ổn trong xã hội...
Nếu điều này xảy ra, Đức là người chịu trách nhiệm chính. Berlin không có lỗi với mục đích giữ đồng tiền mạnh và cân bằng ngân sách, nhưng những bước hành động lại bó buộc chính sách giảm phát trên phần còn lại của EURO zone một cách ngoài ý muốn.
Nước Đức cần suy nghĩ về giả thuyết sau:
Nếu Đức rút khỏi EURO zone. Giá trị đồng Mác Đức tái sử dụng sẽ tăng vọt, đồng EURO giảm tới đáy. Nhờ vậy các nước còn lại trong EURO zone sẽ có sức cạnh tranh, tăng xuất khẩu và vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên Đức sẽ gánh chịu hậu quả khi đồng Mác quá mạnh như nhập siêu và nạn thất nghiệp tăng, các ngân hàng lỗ nặng và nhà nước bắt buộc phải bơm vốn từ công quĩ.
Về mặt chính trị, việc chi tiền cứu các ngân hàng địa phương của chính phủ khả thi hơn so với việc cứu Hi Lạp hay Tây Ban Nha. Cũng có mặt tốt là những người hưu trí Đức có thể sang Tây Ban Nha hưởng thụ nghỉ ngơi đồng thời góp phần làm cân bằng thị trường bất động sản ở đó.
Tất nhiên đây hoàn toàn chỉ là một giả thiết, vì những hậu quả chính trị không lường sẽ xảy ra nếu Đức rút khỏi EURO zone. Việc suy ngẫm giả thiết này hữu ích để ngăn chặn điều không tưởng trên trở thành hiện thực.
Theo Tiền Phong