Cứ vào 10h mỗi sáng thứ hai trong cuộc họp nội bộ đầu tuần, Yoshikazu Tanaka, người sáng lập mạng xã hội Gree, không quên nhắc nhở nhân viên về mục tiêu trở thành người dẫn đầu tại Nhật Bản. Đối thủ chính của mạng xã hội Gree là hai mạng khác Mixi và DENA.
Trên thực tế, Tanaka đã trở thành người dẫn đầu trong một vài lĩnh vực. Năm 2009, giá cổ phiếu của Gree leo thang vùn vụt và tăng gấp đôi. Với 51% cổ phần của công ty, tài sản của Tanaka nay được Forbes định giá 1,6 tỷ USD, đủ để đưa anh xếp thứ 18 trong danh sách 40 người giàu nhất đất nước mặt trời mọc. Người sáng lập mạng xã hội Mixi là Kenji Kasahara xếp thứ 33 với 720 triệu USD. Còn Tomoko Namba, người sáng lập DENA có chưa đầy 500 triệu USD.
Cổ phiếu của Gree cất cánh nhờ vào tăng trưởng vượt bậc. Mới đây, Gree được hãng Deloitte Touche Tohmatsu xếp hạng là công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Nhật Bản. Trong 3 năm qua, tăng trưởng nguồn thu của Gree đạt tổng cộng 2.636%.
Tanaka là một trong vẻn vẹn ba tỷ phú châu Á có độ tuổi dưới 35, nhưng là người duy nhất tự kiếm tiền bằng chính đôi bàn tay của mình. Hai người còn lại là Yang Huiyan, 28 tuổi từ Trung Quốc, tạo lập tài sản nhờ có phần trong công ty bất động sản Country Garden của cha mình. Tỷ phú trẻ 28 tuổi Li Zhaohui cũng từ Trung Quốc, được thừa kế hãng thép từ cha. Trên phạm vi toàn cầu, tỷ phú tự thân trẻ nhất là người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg, năm nay 25 tuổi.
Lần đầu tiên Tanaka lướt web là hồi 1996 trong chuyến đi đến Mỹ. Ba năm sau đó, anh tốt nghiệp đại học Nihon ở Nhật với chuyên ngành kinh tế và chính trị. Sau khi rời trường, Tanaka làm việc tại Sony, rồi chuyển qua trang web đấu giá trực tuyến của tỷ phú Hiroshi Mikitani, người điều hành siêu thị trực tuyến lớn nhất Nhật Bản Rakuten.Trong quá trình làm việc tại Rakuten, Tanaka thiết kế website và các đoạn banner quảng cáo. Sau đó, anh thiết kế hệ thống blog, rồi tạo lập mạng xã hội chỉ do ý thích cá nhân, Khi mạng xã hội này trở nên phổ biến, Tanaka quyết định tách ra thành lập công ty riêng và đặt tên là Gree vào năm 2004.
Bước ngoặt của Gree diễn ra vào 2006 khi họ hợp tác với hãng truyền thông KDDI của Nhật. Khách hàng truy cập vào trang chủ của KDDI có thể kết nối vào Gree. Nhờ đó, số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng. Đến 2007, Gree tiếp tục việc hợp tác tương tự với NTT DoCoMo và Softbank.
Lợi thế của Gree là dễ sử dụng và dung lượng nhẹ. Bên cạnh đó, việc cho phép khách hàng truy cập từ điện thoại tạo nên sức hút của Gree. Người dùng Nhật Bản thường thích truy cập vào mạng xã hội, vừa liên lạc, tìm kiếm thông tin từ bạn bè, vừa có thể chơi games trong hàng tiếng đồng hồ ngồi tàu điện ngầm. Công nghệ điện thoại băng thông rộng hàng đầu thế giới của Nhật Bản cũng là yếu tố có lợi cho Tanaka. Trong 114 triệu chiếc điện thoại tại Nhật Bản, có tới 102 triệu chiếc là điện thoại 3G. Trong 6 tháng cuối năm 2009, lợi nhuận của Gree đạt 39 triệu USD, nhỉnh hơn DENA và cao gấp 4 lần đối thủ Mixi. "Người Nhật thích chơi game” Tanaka nhận xét. Bản thân anh cũng từng nghiện chơi trò chơi điện tử lúc còn nhỏ.
Tại Nhật, Gree hiện có 15 triệu thành viên, tăng gần gấp đôi so với con số 8 triệu hồi năm ngoái. Gree đang nuôi tham vọng sẽ vượt mặt Mixi về lượng thành viên sau khi vượt DENA hồi tháng 9 vừa rồi. Mixi hiện có 18 triệu người sử dụng. "Số lượng thành viên của Gree sẽ đạt khoảng 30 triệu người trong vòng 6 tháng nữa”, Tanaka khẳng định.
Mạng xã hội của Gree cung cấp các dịch vụ giải trí như game trên điện thoại di động. Các thành viên mới đăng ký hiển thị trên mạng xã hội dưới dạng một avatar hoạt hình mặc quần áo đơn giản. Sau đó, họ sẽ mua mọi thứ từ mũ thời trang, kiểu tóc hoặc cần câu, thực phẩm để tham gia game câu cá, làm vườn, nuôi chó mèo. Nếu muốn sở hữu những thứ này, người dùng sẽ phải trả tiền. Doanh thu từ bán hàng ảo trong mạng xã hội tăng 2,5 lần lên 75 triệu USD trong 3 tháng tính đến tháng 9/2009. 80% lợi nhuận của Gree thu được nhờ việc bán hàng ảo.Theo Vnexpress