Taxi xe sang, giá “mềm”
Ra đời tại Mỹ từ năm 2009, Uber taxi là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.
Cụ thể, người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Không chỉ thông báo trước chi phí của chuyến đi, Uber còn tăng độ an toàn cho hành khách bằng cách cung cấp những thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón.
Ngoài ra, một điểm đặc biệt thu hút hành khách sử dụng dịch vụ của Uber là khác với các hãng taxi truyền thống, lượng xe của Uber có rất nhiều xe sang như Camry, Mercerdes Benz, Lexus… nhưng chi phí lại khá “mềm”. Các xe Uber thường có cước rẻ hơn 20% so với taxi thông thường.
Doanh thu của Uber đến từ hoa hồng thông qua việc kết nối chủ ôtô với người cần di chuyển. Đối với chủ xe, Uber giúp họ tăng thu nhập thông qua việc chở khách mà không phải gò bó thời gian làm việc như tài xế taxi. Không chỉ vậy, tỷ lệ ăn chia trên doanh thu giữa Uber và chủ xe cũng hấp dẫn hơn vì hãng này không phải đầu tư xe hay hệ thống tổng đài điều phối. Mô hình doanh thu chung của Uber là chủ xe hưởng 80%, công ty lấy 20% trên cước phí của mỗi chuyến.
Dịch vụ “gây tranh cãi”
Sở hữu nhiều tiện ích như vậy nhưng thời gian gần đây, dịch vụ taxi giá rẻ này liên tục gặp phải sự cố tại nhiều quốc gia. Mới đây nhất, chính quyền thành phố Paris (Pháp) đã chính thức ra lệnh cấm dịch vụ này kể từ 1/1/2015. Trước đó, Uber đã bị cấm hoạt động tại Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Thái Lan… và thậm chí là một số bang của Mỹ, nơi khai sinh ra Uber.
Có nhiều lý do khiến Uber bị nhiều quốc gia tẩy chay. Đầu tiên, Uber không dùng dịch vụ taxi mà đi thuê các đối tác địa phương để cung cấp xe cho mình (ở một số nước, xe cá nhân cũng có thể tham gia vào hệ thống của Uber). Trên thực tế, Uber đã tạo ra một hệ thống vận tải mới, đối đầu với hệ thống taxi truyền thống, thay vì đóng vai trò là trung gian kết nối, hỗ trợ và đánh giá. Tại Anh, hồi tháng Sáu vừa qua đã diễn ra cuộc biểu tình của các tài xế taxi chống Uber khiến đường phố Anh tắc nghẽn nghiêm trọng. Nhiều cuộc biểu tình khác của tài xế taxi cũng diễn ra trên đường phố Mỹ và châu Âu. Các hãng taxi truyền thống đều lên án Uber và cho rằng đây là cuộc đua “không lành mạnh” khi các tài xế của Uber đều không có giấy phép, không cần nộp phí mà vẫn có được một lượng khách hàng lớn nhờ vào ứng dụng gọi taxi của hãng này trên di động.
Thứ hai, khi đi vào triển khai, Uber thường tổ chức hoạt động kinh doanh tại nhiều thành phố trước khi làm việc với cơ quan chức năng về các khía cạnh pháp lý của dịch vụ. Với kiểu kinh doanh “làm trước, thưa sau” này, cũng dễ hiểu khi Uber thường xuyên vấp phải cuộc chiến về pháp lý tại hầu hết các quốc gia mà dịch vụ này nhắm tới.
Vào Việt Nam từ tháng 6/2014, Uber cũng ngay lập tức “gây bão” trong các doanh nghiệp taxi. Đầu tháng 12, cơ quan chức năng Việt Nam cũng tiến hành kiểm tra, xử phạt một loạt các tài xế hoạt động taxi Uber vì hoạt động không giấy phép.
Hình ảnh của Uber cũng xấu đi phần nào khi dịch vụ này liên tiếp dính phải scandal tại nhiều nơi: lợi dụng thông tin khách hàng (Mỹ), tài xế cưỡng hiếp khách hàng (Ấn Độ)… và gần đây nhất là trong vụ bắt cóc con tin ở Sydney, nhiều hành khách đã phẫn nộ tố cáo dịch vụ taxi Uber đã “thừa nước đục thả câu” khi tăng giá vận chuyển lên bốn lần cho những chuyến xe ra khỏi vùng nguy hiểm.
Dù vấp phải nhiều rào cản nhưng mô hình kinh doanh mới này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Chỉ sau năm năm đi vào hoạt động, tính đến tháng 8/2014, Uber đã có mặt tại 200 thành phố, 45 quốc gia trên thế giới. Mới đây, Uber vừa gọi vốn thành công thêm 1,2 tỷ USD, và hiện tại, đang định giá 40 tỷ USD. Giá trị của công ty này đã tăng gấp sáu lần, chỉ trong vòng một năm và vẫn đang kêu gọi đầu tư thêm. Và với tiềm lực tài chính dồi dào, Uber được dự báo sẽ có thể lập nên kỳ tích trong tương lai không xa.
Tại buổi làm việc với với ông Jodan Condo, Giám đốc chính sách của Uber tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định sẽ khuyến khích nếu Uber hoạt động đúng pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thanh tra Bộ Giao thông vận tải thực hiện thanh tra đột xuất, định kỳ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng Uber. Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì cả Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm, phương tiện không được hoạt động...
Du Linh (tổng hợp)