Dù EU công bố đã đạt được một thỏa thuận tạm thời - kéo dài ưu đãi thuế và hạn ngạch cho thực phẩm Ukraine nhập khẩu vào khu vực, dù đi kèm một số giới hạn mới, thì văn bản này hiện vẫn bị đánh giá là “trong tình trạng lấp lửng”.
Trong khi, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh động thái của EU, khẳng định rằng, thỏa thuận sẽ cho phép Ukraine hỗ trợ các nhà sản xuất của nước này và duy trì xuất khẩu. Ông Shmyhal hy vọng các thỏa thuận sẽ được EP phê chuẩn ngay vào tháng tới.
Nông dân Ba Lan biểu tình chặn tất cả các ngả đường bằng máy kéo và pháo sáng. (Nguồn: Reuters) |
Nhưng, dù EP và EC đạt được thỏa hiệp để gia hạn các biện pháp ưu đãi thương mại với Ukraine cho đến tháng 6/2025, thì Đại sứ của các nước thành viên EU lại hoãn ra quyết định cuối cùng vào phút cuối, trong khi Ủy ban thương mại của Nghị viện đã phê chuẩn xong.
Theo thủ tục thông thường, các nhà lập pháp châu Âu chỉ bỏ phiếu sau khi các Đại sứ EU xác nhận thỏa thuận. Nhưng Chủ tịch Ủy ban thương mại Bernd Lange lại cho rằng, họ phải đưa ra tín hiệu để “EC biết Nghị viện muốn gì”.
Trên thực tế, động thái của các thành viên Nghị viện châu Âu được tất cả các nhóm chính trị tán thành, ngoại trừ ECR (Nhóm Bảo thủ và cải cách châu Âu) và ID (Nhóm Bản sắc và dân chủ), do vậy được đánh giá giống như là một cách để buộc các quốc gia thành viên chấp nhận Thỏa hiệp.
“Các quy tắc về thủ tục đang bị bỏ qua” và “những nỗ lực đang được thực hiện để buộc các quyết định phải được thông qua, mà không quan tâm tới các chuẩn mực dân chủ”, Nhà lập pháp Danilo Oscar Lancini thuộc ID đánh giá.
Cụ thể là, Nghị viện châu Âu và EC đã đạt được thỏa hiệp để gia hạn các biện pháp ưu đãi thương mại với Ukraine cho đến tháng 6/2025, với điều khoản “phanh khẩn cấp” trong trường hợp nhập khẩu quá nhiều thực phẩm được coi là “nhạy cảm” như thịt gia cầm, trứng và đường. Theo đó, điều khoản này sẽ được kích hoạt - áp dụng thuế quan, nếu nhập khẩu vượt quá khối lượng trung bình trong 2 năm 2022 và 2023.
Để đáp ứng yêu cầu của nông dân, các tổ chức EU cũng đã đồng ý mở rộng danh sách các sản phẩm nhập khẩu được coi là 'nhạy cảm' bao gồm (gia cầm, trứng, đường, yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong), đồng thời rút ngắn thời gian kích hoạt biện pháp tự vệ tự động (từ 21 xuống chỉ còn 14 ngày). Nghị viện châu Âu cũng đã đạt được cam kết từ EC về hành động nếu nhập khẩu lúa mì của Ukraine tăng mạnh.
Trong một thông cáo EC cho biết, các biện pháp thương mại tự chủ (ATMs) sẽ cho phép Ukraine tiếp tục tạo được thu nhập từ dòng chảy thương mại với EU và điều quan trọng là hỗ trợ nền kinh tế nước này trong những hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, trong khi một nhóm liên quan đến tiêu thụ thực phẩm, bao gồm Người sử dụng đường châu Âu và Câu lạc bộ Kinh doanh nông nghiệp Ukraine, cho biết, họ cảm thấy nhẹ nhõm khi Ủy ban quyết định bỏ phiếu ủng hộ thỏa hiệp, vì nó “sẽ đóng góp cho cả nền kinh tế EU và Ukraine”.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau của EU, các Đại sứ đã hoãn ra quyết định cuối cùng do phản đối từ một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Ba Lan (quốc gia sẽ tổ chức bầu cử khu vực vào đầu tháng 4) và Pháp. Họ cho biết, sẽ quay lại sớm nhất có thể để tiếp tục hỏa hiệp - “chậm nhất là vào tuần tới”.
Thỏa thuận này đã được chờ đợi từ lâu, vì việc nhập khẩu thực phẩm giá rẻ từ Ukraine tràn ngập thị trường EU khiến sản phẩm của các hộ nông dân nhiều nước trong khu vực không cạnh tranh được, trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình gần đây của nông dân ở Đông Âu, các nước láng giềng của Ukraine, đặc biệt là Ba Lan.
Căng thẳng đã gia tăng nhiều lần giữa Kiev và Warsaw, các cuộc biểu tình ‘leo thang’ của nông dân Ba Lan đã làm dấy lên sự giận dữ ở nước láng giềng Ukraine. Đỉnh điểm, Kiev đã kêu gọi EC phải có hành động mạnh mẽ sau khi những người biểu tình có hành vi phá hoại hàng hóa và đổ ngũ cốc của nước này khỏi các phương tiện vận tải.
“Việc rải ngũ cốc Ukraine trên đường ray là một hành động khiêu khích chính trị khác, nhằm chia rẽ đất nước chúng ta”, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov nêu chỉ trích trong một bài đăng trên X.
Trong khi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng, tình hình ở biên giới với Ba Lan thể hiện “sự xói mòn tình đoàn kết”.
Warsaw là nước ủng hộ trung thành cho Kiev trong cuộc xung đột quân sự với Nga, nhưng các cuộc phản đối của nông dân phàn nàn về cạnh tranh không công bằng đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ, vốn đã căng thẳng sau khi các tài xế xe tải chặn các cửa khẩu biên giới Ba Lan-Ukraine từ hồi đầu năm.
Trong khi đó, mới đây các nhà sản xuất ngũ cốc Pháp cũng kêu gọi chính phủ sử dụng mọi quyền lực của mình để tăng cường các biện pháp pháp lý, nhằm bảo vệ họ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine.
Đánh giá về thỏa thuận còn lấp lửng này, trong một đoạn tweet, Các tổ chức Nông dân và hợp tác xã nông nghiệp ở EU Copa & Cogeca cho rằng, “Nếu không có sự thay đổi khoảng thời gian tham chiếu và không bao gồm sản phẩm đang có ảnh hưởng trực tiếp là lúa mì, thì đề xuất này không giải quyết được mối lo ngại của các nhà sản xuất ở EU và do đó vẫn không thể chấp nhận được”.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesnau bày tỏ quan điểm với đài France Info rằng, “Đây không phải là quan điểm mà Pháp đang bảo vệ”.
Bộ trưởng Fesnaus đã làm rõ hơn lập trường của Pháp khi nói, “vâng, đoàn kết với Ukraine, nhưng thị trường phải ổn định ở cấp độ châu Âu”. Ông đồng thời nhấn mạnh các bước tiến hành cần thiết để đi đến một thỏa thuận hoàn chỉnh “phải tiếp tục”.
Vào ngày 31/1, EU đã đề xuất kéo dài ưu đãi thuế và hạn ngạch cho hàng hóa của Ukraine, nhưng phải củng cố các cơ chế tự vệ hiện có đối với hàng nhập khẩu làm gián đoạn thị trường nội địa. Họ cũng đề xuất dừng khẩn cấp nhập khẩu đường, gia cầm và trứng, dựa trên số liệu giai đoạn 2022-2023.
Trong bối cảnh xét đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến rất gần, trong vòng chưa đầy 90 ngày nữa, cả EC và Ủy ban thương mại của Nghị viện đều cho rằng, thủ tục 'thúc đẩy nhanh' mà không sửa đổi là con đường an toàn nhất để các biện pháp tạm thời được phê duyệt lại. Tuy nhiên, thực tế có vẻ không như vậy.