Hệ thống tác chiến DELTA của Ukraine được tích hợp thành công vào hệ thống kiểm soát hỏa lực pháo binh TOPAZ của Ba Lan. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine) |
Theo trang Defense Express của Ukraine, DELTA là hệ thống được sử dụng với pháo tự hành KRAB và súng cối RAK đang được biên chế trong quân đội quốc gia Đông Âu này.
Lần đầu tiên, DELTA hoạt động như một trung tâm thu thập dữ liệu từ tất cả các bộ phận, cập nhật và bổ sung thông tin còn thiếu, sau đó chuyển thông tin tới hệ thống TOPAZ của Ba Lan.
"Cầu nối" này cho phép dữ liệu được tích hợp giữa hai bên, được gọi là Bên Xanh và Bên Hồng, tạo ra nhận thức đầy đủ về tình huống. Hệ thống cũng đã chứng tỏ được khả năng truyền dữ liệu một cách an toàn với quyền truy cập hạn chế.
Bộ Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh, hệ sinh thái các sản phẩm quân sự DELTA của nước này đã hoàn tất thành công nhiệm vụ và khẳng định khả năng tương thích với TOPAZ cùng các hệ thống khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuyên bố dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Kateryna Chernohorenko cho biết, trong năm 2024, nhóm hệ thống DELTA đã thử nghiệm thành công 5 tiêu chuẩn khác nhau về khả năng tương tác và vượt qua tất cả các bài thử nghiệm.
DELTA cũng đã thực hiện những màn trình diễn trước hàng loạt phái đoàn của các quốc gia thành viên và đại diện NATO, đồng thời nhận được nhiều lời khen ngợi.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, tại Washington, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken và Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã thảo luận về ý định của các quốc gia thành viên NATO nhằm đưa Kiev đến gần hơn với liên minh quân sự này.
Theo ông Blinken, Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và Hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự, dự kiến diễn ra tại Washington trong tuần tới, “giúp xây cầu” dẫn đến kết quả đó.
Kiev đang đặt kỳ vọng rằng, tại Hội nghị sẽ nhận được nhiều đảm bảo hơn từ liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương về việc kết nạp vào khối.
Tại cuộc gặp trên, hai bên cũng trao đổi về những nỗ lực do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dẫn đầu nhằm “tăng cường khả năng phục hồi” của mạng lưới năng lượng Ukraine, vốn đã bị tấn công suốt những tháng gần đây.