Quan chức Ukraine tỏ ý lạnh nhạt với chính quyền của Thủ tướng Anh vì không cung cấp thêm tên lửa tầm xa Storm Shadow. Trong ảnh: Máy bay được nạp tên lửa Storm Shadow. (Nguồn: forces) |
Sự thất vọng của Ukraine bắt nguồn từ việc Anh không cung cấp thêm tên lửa Storm Shadow tầm xa.
Ngoài ra, ông Starmer, sau 4 tháng nắm quyền, vẫn chưa đến thăm Ukraine, không như người tiền nhiệm Rishi Sunak. Cựu Thủ tướng Anh đã tới Kiev 1 tháng sau khi nhậm chức.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, chuyến thăm (có thể diễn ra) của ông Starmer sẽ vô nghĩa trừ khi Anh đưa ra cam kết về tên lửa. Quan chức Ukraine mỉa mai: “Thật vô nghĩa khi ông ta đến (Ukraine) với tư cách là khách du lịch”.
Ở một diễn biến khác liên quan tình hình Ukraine, một số quan chức Mỹ ngày 8/11 tiết lộ chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong những tháng tại vị cuối cùng, đã quyết định cho phép các nhà thầu quốc phòng Mỹ đến Ukraine bảo trì và sửa chữa vũ khí do Lầu Năm Góc cung cấp. Động thái này đánh dấu sự thay đổi chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, các nhà thầu sẽ triển khai thành những nhóm nhỏ và ở cách xa chiến tuyến. Họ sẽ không tham chiến mà giúp đảm bảo các thiết bị do Mỹ cung cấp “có thể được sửa chữa nhanh chóng khi bị hư hỏng và được bảo trì khi cần thiết”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi năm 2022, Washington đã cung cấp cho Kiev hàng chục tỷ USD vũ khí. Tuy vậy, Ukraine hoặc phải chuyển vũ khí do Mỹ cung cấp ra nước ngoài để đại tu hoặc phải dựa vào hình thức hội nghị truyền hình và các giải pháp sáng tạo khác để sửa chữa các hệ thống đó ở trong nước.
Những hạn chế trong quá khứ đôi khi làm chậm quá trình sửa chữa và ngày càng tỏ ra khó khăn khi Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tinh vi hơn, chẳng hạn như chiến đấu cơ F-16 và tên lửa phòng không Patriot.
Quyết định trên là hành động nới lỏng các biện pháp hạn chế mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden, vốn đang tìm cách giúp Ukraine tự vệ trước cuộc xung đột kéo dài hơn 2,5 năm qua với Moscow mà không trực tiếp tham gia chống lại nước Nga - một trong số những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Một quan chức khác của Mỹ nhấn mạnh quyết định này sẽ khiến Lầu Năm Góc phải đi theo con đường của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), vốn đã triển khai các nhà thầu nước này ở Ukraine. Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ không cần phải bảo vệ các nhà thầu ở Ukraine và những vấn đề như an toàn hay giảm thiểu rủi ro sẽ thuộc về trách nhiệm của các công ty ký hợp đồng với Lầu Năm Góc.
Vị quan chức này xác nhận một số nhà thầu quốc phòng của Mỹ trước đây đã đến Ukraine theo nhóm nhỏ để bảo trì các loại vũ khí không phải do Lầu Năm Góc cung cấp.
Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ sự thay đổi chính sách nêu trên sẽ tồn tại được bao lâu khi thời gian nắm quyền của ông Biden còn rất ít.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích quy mô hỗ trợ quân sự và tài chính của Washington dành cho Kiev, đồng thời tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng không nêu rõ giải pháp. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.