Việc Ukraine không gia hạn thỏa thuận quá cảnh khí đốt đẩy EU vào thế khó bởi một số nước vẫn tiếp tục phụ thuộc vào dòng khí đốt của Nga. (Nguồn: Getty Images) |
Vào cuối năm 2024, thỏa thuận quá cảnh khí đốt hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn. Đây là thoả thuận thương mại cuối cùng còn sót lại giữa hai nước.
Trong khi Moscow để ngỏ khả năng tiếp tục gia hạn thì phía Kiev nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận này.
Tình hình này đặt EU vào thế khó bởi một số nước trong khối vẫn tiếp tục phụ thuộc vào dòng khí đốt của Moscow.
Hiện Slovakia, Áo và Hungary vẫn phụ thuộc vào nguồn cung này.
Đặc biệt, Slovakia đang ở thế dễ bị tổn thương vì thiếu các giải pháp thay thế vững chắc. Nước này có thể sẽ cố gắng thiết lập dòng chảy ngược từ Áo hoặc nhập khẩu qua các terminal khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Đức, nhưng điều này sẽ phát sinh thêm chi phí.
Đối với Kiev, việc chấm dứt quá cảnh khí đốt có thể gây ra hậu quả kinh tế đáng kể. Hiện tại, đất nước thu về khoảng 714 triệu Euro doanh thu hàng năm từ quá cảnh khí đốt của Nga.
Trong khi đó, phía Moscow có thể bị mất từ 7-8 tỷ USD doanh thu hàng năm, chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của "gã khổng lồ" khí đốt Gazprom.
Còn với EU, việc mất đi 15 tỷ m3 khí đốt được vận chuyển qua Ukraine mỗi năm sẽ là cú sốc đối với một số quốc gia Trung và Đông Âu.
Thời gian qua, sự phụ thuộc chung của EU vào khí đốt Nga đã giảm, nhưng thị phần của Moscow trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu vẫn còn đáng kể, chiếm khoảng 15% trong quý II/2024, chỉ sau mức 19% từ Mỹ.
Với những thiệt hại như trên, AFP nhận định, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa EU, Ukraine và Nga.