Ngoại trưởng Blinken (phải) và người đồng cấp Kuleba ký kết Hiến chương về quan hệ đối tác chiến lược ngày 10/11 Mỹ-Ukraine. (Nguồn: mfa.gov.ua) |
Hiến chương được Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Kuleba tới Washington ngày 10/11.
Theo nội dung được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, hiến chương này khẳng định lại "tầm quan trọng của mối quan hệ Washintgon-Kiev với tư cách là bạn bè và Đối tác chiến lược", dựa trên "các giá trị và lợi ích chung, bao gồm cam kết hướng tới một châu Âu toàn diện, tự do, dân chủ và hòa bình".
Hiến chương về quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-Ukraine được chia làm 4 phần, trong đó, hai nước dành trọn phần II đề cập cách ứng phó Nga với tiêu đề "An ninh và Chống lại sự xâm lược của Nga".
Trong phần này, Hiến chương nêu rõ, việc Ukraine trở nên mạnh mẽ, độc lập và dân chủ sẽ là điều có lợi cho cả Kiev và Mỹ cũng như củng cố khả năng tự bảo vệ trước các mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ và tăng cường hội nhập của Kiev vào các thể chế như Liên minh châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mỹ tiếp tục bày tỏ ủng hộ quyền quyết định chính sách đối ngoại của Ukraine mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, kể cả đối với nguyện vọng gia nhập NATO, đồng thời, hai bên dự định tiếp tục một loạt biện pháp thực chất để "ngăn chặn hành vi gây hấn trực tiếp và hỗn hợp từ bên ngoài" đối với Ukraine.
Theo Hiến chương, Washington và Kiev cho hay, sẽ buộc Moscow "phải chịu trách nhiệm về những hành vi gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế" như vậy, "bao gồm cả việc chiếm giữ và cố gắng sáp nhập Crimea cũng như xung đột vũ trang do Nga dẫn đầu", ám chỉ xung đột ở miền Đông Ukraine.
Hiến chương nêu rõ, Mỹ dự định hỗ trợ các nỗ lực của Ukraine nhằm "chống lại sự xâm lược có vũ trang, sự gián đoạn kinh tế và năng lượng cũng như hoạt động mạng độc hại của Nga", bao gồm duy trì trừng phạt và áp dụng các biện pháp liên quan khác cho đến khi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được quốc tế công nhận.
Mỹ khẳng định sẽ không bao giờ công nhận nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga và tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của họ đối với các nỗ lực quốc tế, bao gồm cả ở Định dạng Normandy, nhằm đàm phán một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc.
Liên quan Biển Đen, Hiến chương khẳng định Mỹ và Ukraine là những đối tác quan trọng trong vùng biển rộng lớn này và "sẽ tìm cách hợp tác sâu rộng hơn" với các đồng minh ở đây "để đảm bảo tự do hàng hải và chống lại hiệu quả các mối đe dọa và thách thức bên ngoài trong tất cả các lĩnh vực".
Hiện, Nga chưa đưa ra bình luận gì về Hiến chương mới được công bố của Mỹ và Ukraine, tuy nhiên, từ trước đến nay, những cáo buộc về việc Nga gây hấn ở khu vực cũng như chiếm đóng Crimea luôn bị Moscow bác bỏ quyết liệt.
| Czech: Thủ tướng Babis xác nhận từ chức; quốc gia Trung Âu sắp trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử? Theo Hãng thông tấn Czech (ČTK), ngày 10/11, sau cuộc họp chính phủ, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Andrej Babiš (ANO) tuyên bố sẽ trao ... |
| Tin thế giới 10/11: Ba Lan khiến Nga nổi giận; Indonesia-Malaysia tuyên bố về Biển Đông; Trung Quốc chìa cành olive cho Mỹ? Khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, căng thẳng Nga-Ba Lan, quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung Quốc, Biển Đen, Biển Đông, Ấn Độ Dương-Thái ... |