Tên lửa không người lái Peklo do Ukraine sản xuất. (Nguồn: Reuters) |
Theo ông Oleksandr Dmitriev, người sáng lập OCHI - một hệ thống kỹ thuật số phi lợi nhuận của Ukraine, tổ chức này đã thu thập được 2 triệu giờ video chiến trường (tương đương 228 năm) từ hơn 15.000 đội điều khiển drone kể từ năm 2022. Đây chính là nguồn "thức ăn" thiết yếu để AI học hỏi và phát triển.
"Nếu bạn cung cấp cho AI 2 triệu giờ video, nó sẽ trở thành một thứ gì đó siêu việt", ông Dmitriev nhấn mạnh.
Theo người sáng lập OCHI, kho dữ liệu này có thể được sử dụng để huấn luyện AI về chiến thuật tác chiến, phát hiện mục tiêu và đánh giá hiệu quả của các hệ thống vũ khí.
Hệ thống OCHI ban đầu được tạo ra vào năm 2022 nhằm cung cấp cho các chỉ huy quân sự cái nhìn tổng quan về chiến trường bằng cách hiển thị video từ tất cả các đội drone lân cận trên cùng một màn hình. Hiện tại, trung bình mỗi ngày hệ thống bổ sung thêm 5-6 Terabyte dữ liệu mới từ các trận xung đột trên thực địa.
Samuel Bendett, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận định, một kho dữ liệu đồ sộ như vậy sẽ vô cùng giá trị trong việc dạy các hệ thống AI nhận diện chính xác những gì chúng đang thấy và những bước cần thực hiện tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Kateryna Bondar, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, dù bộ dữ liệu này có giá trị trong việc huấn luyện AI để chiến đấu với Nga, các quan chức Mỹ và nhà sản xuất drone lại ưu tiên bộ dữ liệu huấn luyện AI để hoạt động ở Thái Bình Dương, nhằm đối phó với một đối thủ tiềm tàng là Trung Quốc.
Ngoài OCHI, Ukraine còn có hệ thống Avengers do Bộ Quốc phòng nước này phát triển. Mặc dù Bộ này từ chối cung cấp thông tin chi tiết, nhưng trước đó đã cho biết, Avengers có khả năng phát hiện 12.000 thiết bị quân sự của Nga mỗi tuần nhờ các công cụ nhận dạng AI.
Hiện nay, hàng nghìn drone đã sử dụng hệ thống AI để tự động bay vào mục tiêu mà không cần điều khiển của con người.
Các công ty Ukraine cũng đang phát triển công nghệ bầy đàn drone, cho phép hệ thống máy tính điều khiển hàng chục máy bay không người lái được kết nối với nhau.
Về phía Nga, nước này cũng đã phô diễn việc sử dụng AI trên chiến trường, đặc biệt là trong việc nhận diện mục tiêu của các drone tấn công Lancet, loại vũ khí đã chứng tỏ khả năng sát thương khi đối đầu với các phương tiện bọc thép của Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine đã mang đến cho các công nghệ chiến tranh mới một sự trải nghiệm bất ngờ. Mà ở đó, UAV cùng hệ thống định vị mới và thiết bị quang học được kết hợp với AI đã tạo nên những hiệu quả đáng kinh ngạc.
Giới bình luận quân sự quốc tế nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine được cho là xoay quanh máy bay không người lái và một loạt nền tảng không người điều khiển khác được điều khiển từ xa bởi một loạt thiết bị điện tử. Nói cách khác, UAV đã được nâng tầm và trở thành vũ khí “thống trị chiến trường”. Cả Nga và Ukraine đều nhìn thấy tầm quan trọng không chỉ của UAV giám sát mà còn của UAV tầm xa, có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị nằm sâu hàng trăm km phía sau phòng tuyến của đối phương.
Bất chấp những hiệu quả đáng kinh ngạc do UAV mang lại, theo truyền thông phương Tây thì những hình ảnh nổi bật và đáng chú ý vẫn là những người lính lê lết qua bùn lầy và các thành phố bị pháo binh biến thành đống đổ nát; Hệ thống hạ tầng quan trọng của quốc gia như lưới điện, hệ thống giao thông bị phá hủy, thông tin liên lạc tê liệt…
Và câu hỏi được đặt ra là, tại sao với tất cả máy bay không người lái được sản xuất hàng loạt này sắp rời khỏi dây chuyền lắp ráp, phương Tây vẫn đang đua nhau cung cấp cho Ukraine những quả đạn pháo, trong khi các ngành công nghiệp của Nga đang trong tình trạng chiến tranh với năng lực sản xuất chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai?
Theo giới bình luận chiến trường, ở đó chỉ có một lời giải thích là, mọi vũ khí mới đều sẽ sớm tìm ra “liệu trình khống chế”.