Tên lửa chiến thuật tầm xa M57A1 của quân đội Mỹ được bắn qua cabin của bệ phóng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142. (Nguồn: U.S. Army) |
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn ABC News tại New Delhi mới đây, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết "Hiện tại chưa có quyết định nào về ATACMS nhưng vấn đề này sẽ tiếp tục đươc thảo luận”. Ông Kirby cho biết thêm, quyết định chuyển giao tên lửa mặc dù đang "tiến gần hơn" nhưng kế hoạch này vẫn có thể thay đổi trước khi có thông báo chính thức.
Việc chuyển giao tên lửa chiến lược tầm xa nếu được chuẩn thuận, sẽ được đưa vào gói viện trợ sắp tới và nếu được thực hiện, “có thể phải mất vài tháng” trước khi Ukraine nhận được tên lửa.
ATACMS có thể tấn công ở khoảng cách lên tới 300 km và được phóng từ các Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) hiện có của Ukraine. Với tầm bắn lên tới 300km, tùy thuộc vào phiên bản, việc triển khai ATACMS có thể cho phép Ukraine tiếp cận các mục tiêu ở xa gần gấp 4 lần so với các tên lửa hiện được cung cấp cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao và hệ thống tên lửa phóng hàng loạt M270 do Mỹ sản xuất.
Chính quyền Tổng thống Biden cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về cung cấp vũ khí, ngay cả sau khi Vương quốc Anh và Pháp đã gửi tên lửa Storm Shadow tương đương do lo ngại về sự leo thang với Nga và việc duy trì kho dự trữ của chính Mỹ.
Vào tháng 7/2022, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ "sẵn sàng chấp nhận rủi ro" nhưng ngụ ý rằng việc gửi ATACMS có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.