UNCLOS quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. (Ảnh: QT) |
Xác định rõ quy chế pháp lý của các vùng biển
Trên cơ sở tập quán quốc tế, các quốc gia đã ghi nhận tại UNCLOS quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển, trong đó xác định rõ phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (gồm biển cả hay còn gọi là biển quốc tế, Vùng đáy biển quốc tế và tài nguyên khoáng sản ở đó là di sản chung của nhân loại).
UNCLOS cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Các chế định vùng biển quan trọng nhất của UNCLOS phải kể đến là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, công trình nhân tạo trên biển và hợp tác nhằm bảo vệ môi trường biển, bảo tồn và quản lý các nguồn lợi sinh vật biển.
Chiểu theo các chế định của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi phạm một cách rõ ràng các quy định của Công ước.
Thiết lập các cơ quan, cơ chế để bảo đảm thực thi Công ước
Để bảo đảm thực thi Công ước đầy đủ và nhất quán trên thực tế, UNCLOS thành lập các cơ quan, cơ chế với vai trò và chức năng khác nhau, có tính chất bổ sung cho nhau.
Các cơ quan chuyên môn được thiết lập theo UNCLOS bao gồm: (i) Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương; (ii) Uỷ ban ranh giới ngoài thềm lục địa; (iii) Toà án Luật biển quốc tế. Bên cạnh đó, Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS có nhiệm vụ đánh giá hoạt động của các cơ chế thành lập theo Công ước; ra quyết định các vấn đề niên liễm và ngân sách hoạt động, điều kiện làm việc của các cơ quan nêu trên và thảo luận về các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi Công ước.
UNCLOS cũng quy định cụ thể cơ chế giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong việc giải thích và áp dụng Công ước (Phần XV). Các cơ chế giải quyết tranh chấp tại UNCLOS đã được các quốc gia sử dụng trên thực tế.
Cần lưu ý rằng cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS chỉ áp dụng đối với tranh chấp tồn tại giữa các quốc gia trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS (các Điều 279 và 288) và chính là các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế như được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Theo đó, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nhanh chóng tiến hành trao đổi quan điểm liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình khác (Điều 283).
Nếu việc trao đổi, đàm phán trong một thời gian hợp lý không đạt được giải pháp thỏa đáng, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế để có phán quyết ràng buộc, đó là Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS - được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS) hoặc Tòa trọng tài (theo Phụ lục VII UNCLOS), Tòa trọng tài đặc biệt (theo Phụ lục VIII UNCLOS). Tại bất kỳ thời điểm nào, các quốc gia đều có thể đưa ra tuyên bố lựa chọn một hay nhiều cơ quan tài phán trong bốn cơ quan trên.
Thực tiễn cũng đã cho thấy, phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS, đặc biệt là ITLOS hoặc tòa trọng tài đã góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, giúp làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS.
Hiệu quả thực thi UNCLOS, cũng giống như việc thực thi các điều ước quốc tế khác, trên thực tế không chỉ thể hiện ở pháp luật, chính sách trong nước, quan điểm của quốc gia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thảo luận về biển mà phụ thuộc vào hành động của mỗi quốc gia thành viên trong việc sử dụng biển, đại dương và các tài nguyên biển, đòi hỏi thiện chí, quan tâm và biện pháp cụ thể hợp tác của mỗi quốc gia.
Tòa trọng tài ở La Hay tổ chức tranh tụng cho vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. (Nguồn: PCA) |
Mọi tranh chấp biển cần được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình
Ở một số khu vực trên thế giới vẫn tồn tại các tranh chấp về biển như về phân định vùng chồng lấn, xác định quy chế của các thực thể địa lý trên biển, chia sẻ và khai thác tài nguyên biển, nhất là các tài nguyên khoáng sản.
Sự phát sinh các tranh chấp này là tất yếu xuất phát từ việc UNCLOS cho phép các quốc gia xác lập các vùng biển rộng lớn thuộc phạm vi tài phán quốc gia, từ đó tạo thành các vùng chồng lấn yêu sách giữa các nước có vùng biển đối diện hoặc liền kề. Nguyên nhân sâu xa là do vai trò quan trọng của biển và các tài nguyên thiên nhiên biển đối với sự phát triển của các quốc gia. Cũng không thể phủ nhận rằng, có những tranh chấp biển còn xuất phát từ một số yêu sách thái quá của quốc gia hoàn toàn trái với UNCLOS.
Đứng trước nhiều tranh chấp biển ở các khu vực trên thế giới, đông đảo cộng đồng quốc tế đều nhất trí cho rằng, các quốc gia cần phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ UNCLOS, làm rõ yêu sách và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS thì mới sớm đạt giải pháp giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa các bên liên quan, hoặc trước mắt có thể tìm được giải pháp tạm thời và tiến tới đạt được giải pháp công bằng và lâu dài giải quyết tranh chấp, bảo đảm quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Trong bối cảnh các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, để bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực và trên thế giới, vì lợi ích chung của khu vực và của cộng đồng quốc tế, các quốc gia liên quan cần tôn trọng trật tự pháp lý trên biển được xác lập tại UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trong đó có các tiến trình đàm phán đang diễn ra, tránh có những động thái nhằm làm xói mòn, hạ thấp vai trò của UNCLOS.
Các yêu sách về biển của các nước cần bảo đảm phù hợp với quy định của UNCLOS. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS. Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tham gia đàm phán một cách xây dựng nhằm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Là quốc gia ven biển, thành viên của UNCLOS, Việt Nam đã và đang nỗ lực kiên trì giải quyết một cách hòa bình các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS. Việt Nam đồng thời đã và đang thực thi đầy đủ UNCLOS kể từ khi chấp nhận sự ràng buộc của UNCLOS và trở thành một quốc gia thành viên của UNCLOS. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cùng với các nước thành viên khác thúc đẩy tôn trọng UNCLOS, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn và giá trị pháp lý của khuôn khổ pháp lý toàn cầu này.