TIN LIÊN QUAN | |
Ứng dụng điện thoại giúp phòng tránh bạo lực tình dục | |
Ứng dụng điện thoại giúp chống béo phì |
Với ứng dụng “Chia sẻ cha” - những người cha trên ứng dụng sẽ được chia ra làm 5 kiểu khác nhau. (Nguồn: Sixth Tone) |
Mô hình kinh tế chia sẻ của Trung Quốc hình thành từ năm 2016, khi dịch vụ chia sẻ xe đạp bùng nổ với những tên tuổi thành công trên thị trường như Ofo, Mobike hay Blue Gogo. Cho đến nay, xu thế này đang tiếp tục nở rộ tại thị trường đông dân nhất thế giới, khi hàng loạt các ý tưởng chia sẻ độc đáo khác cũng bắt đầu xuất hiện, từ chia sẻ sạc điện thoại, ô dù, xe lăn… thậm chí đến vai trò của người cha trong gia đình.
Chỉ là phép ẩn dụ
Được phát triển bởi nhà sản xuất nội thất Trung Quốc Oppein, ứng dụng “Chia sẻ cha” chính thức ra mắt vào ngày 14/5 trên nền tảng đa năng WeChat, ngay trước Ngày quốc tế Gia đình (15/5) của Liên hợp quốc. Dù không cung cấp dịch vụ chia sẻ cha thật sự nhưng theo công ty sáng tạo ứng dụng này, đây chỉ là phép ẩn dụ trong chiến dịch tiếp thị nhằm thúc đẩy các giá trị gia đình, trong bối cảnh tỉ lệ ly hôn tại Trung Quốc đang không ngừng tăng cao.
Theo đó, những người cha trên ứng dụng được chia ra làm 5 kiểu: thương gia (có nghề nghiệp ổn định, ngoại hình đẹp), ấm áp (nấu ăn ngon, thông thạo việc nhà), năng động (tính tình mạnh mẽ), nghệ thuật (kiến thức uyên bác, có thể hướng dẫn con làm bài tập về nhà) và hài hước (chơi các trò chơi cùng con). Tùy theo nhu cầu và giá cả, người dùng có thể tùy chọn các ông bố có chức năng phù hợp.
Trong thông cáo ra ngày 15/5, công ty sản xuất nội thất Oppein tái khẳng định, mục đích đằng sau chiến thuật tiếp thị là thúc đẩy việc nuôi dạy con tốt, theo đó kêu gọi những ông bố tại Đại lục dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Trước khối lượng và áp lực từ công việc ngày càng lớn, sự vắng mặt của những người chồng, người cha trong gia đình đã khiến cho những người mẹ dần bị quá tải với khối lượng việc nhà. Điều này phổ biến đến mức, cư dân mạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thậm chí phải sử dụng cụm từ “tang ngẫu thức dục nhi” (đơn độc nuôi nấng con cái) để mô tả tình trạng nói trên.
Cũng nằm trong chiến dịch tiếp thị của Oppein, đoạn video quảng bá ứng dụng được đánh giá là đã tái hiện thành công vấn đề quen thuộc vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội Trung Quốc. Theo đó, đoạn video này kể về cuộc đời của William - người đàn ông được thuê làm cha trong nhiều gia đình. Công việc chính của William là gánh vác không ngừng nghỉ vai trò làm chồng, làm cha cho các gia đình có người đàn ông trụ cột thường xuyên vắng mặt tại các sự kiện như ăn tối, thăm người ốm trong bệnh viện, hay gặp gỡ phụ huynh và giáo viên.
Tuy nhiên, một điều trớ trêu là William đã dành quá nhiều thời gian cho việc làm “ông bố thuê” của những người xa lạ, khiến cho anh không thể dành thời gian chăm sóc cho những đứa con của mình. Trong đoạn clip quảng cáo đó, gia đình William đã phải thuê một ông bố khác để thay thế cho mình và William đã chứng kiến khoảnh khắc con trai của mình tổ chức sinh nhật với một ông bố khác. “Tôi không chắc về việc có một người cha hoàn hảo như thế, nhưng một điều tôi chắc chắn là trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được chia sẻ này, tình yêu dành cho gia đình lại là thứ chúng ta không thể chia sẻ”, nhân vật William tâm sự trong đoạn cuối của clip quảng cáo.
Phản ứng trái chiều
Mặc dù nhà sản xuất Oppein cho biết, thông điệp đằng sau chiến dịch quảng cáo của công ty này là có chủ đích, song ứng dụng “Chia sẻ cha” và đoạn clip quảng cáo đi kèm đã nhận được không ít phản ứng trái chiều trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc.
Trong khi một số người ca ngợi chiêu trò tiếp thị của Oppein vì không chỉ đánh trúng tâm lý nuôi dạy con cái, mà còn tái hiện chân thực tình trạng quá tải công việc nhà của các phụ nữ Trung Quốc, nhiều người lại cho rằng họ cảm thấy bị lừa dối bởi ứng dụng trên đã không cung cấp dịch vụ “chia sẻ cha” thật sự.
Đồng tình với thông điệp mà ứng dụng này mang lại, một cư dân mạng của Trung Quốc đã viết trên mạng xã hội Weibo: “Truyền thống của Trung Quốc coi đàn ông là trụ cột của gia đình, còn phụ nữ là người đảm nhận việc nội trợ. Tuy vậy, dù cho đàn ông có trách nhiệm kiếm tiền để đem lại một cuộc sống tốt hơn cho gia đình, tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái vẫn không thể đo lường được bằng vật chất”.
| Chọn đúng cỡ giày nhờ... ứng dụng thực tế ảo tăng cường Trong bối cảnh những phát kiến công nghệ đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng để mang lại sự tiện lợi cho khách hàng, ... |
| Apple dọa xóa hàng loạt ứng dụng iPhone Ngày 7/2, Apple đã cảnh báo hãng này sẽ thẳng tay xóa hàng loạt ứng dụng khỏi App Store nếu chúng bị phát hiện ghi ... |
| Ứng dụng Facetime của Apple dính lỗi nghe lén nghiêm trọng Dư luận lại dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư sau khi một lỗi của ứng dụng Facetime trên iPhone vừa được phát ... |