Sau thông báo của Fed về việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, ấn định mức lãi suất mục tiêu nằm trong khoảng 0,5 – 0,75%, chỉ số Dollar Index (do Hãng CNBC tính toán) đo diễn biến của đồng USD so với rổ tiền tệ chủ chốt tăng vọt lên mức 102,62 điểm, cao nhất kể từ năm 2003. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index (do Hãng Bloomberg tính toán) tăng 1,1%. Yên Nhật giảm giá 1,7%, xuống còn 117,15 Yên đổi 1 USD và Euro cũng giảm giá 0,9% so với USD.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 11 điểm cơ bản, lên 1,27%, cao nhất kể từ tháng 8/2009. Loại kỳ hạn 10 năm cũng chạm mốc cao nhất kể từ năm 2014.
USD tăng khiến giá dầu giảm sâu. Sau 4 ngày tăng liên tiếp, giá dầu WTI “bốc hơi” tới 3,7%, xuống còn 51,04 USD/thùng. Giá vàng giao ngay giảm 1,3%, xuống còn 1.143,55 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 2.
USD được dự báo sẽ tăng giá mạnh trong năm 2017 và 2018. (Nguồn: Reuters) |
Dù trong 10 năm qua, đây mới là lần thứ hai Fed quyết định tăng lãi suất USD, nhưng thị trường dường như đã rục rịch chuẩn bị từ trước. Nhiều dự báo khá chắc chắn về đợt tăng lãi suất đã được phát đi, chính các quan chức Fed cũng nhiều lần truyền đi thông điệp rất rõ ràng về vấn đề này. Do đó, giới phân tích cho rằng, đà tăng của USD như hiện nay không phải do bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định tăng lãi suất của Fed.
Tỏ rõ không bất ngờ về quyết định của Fed, nhưng chuyên gia kinh tế John Gorman – Trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối của Tập đoàn ngân hàng và tài chính Nomura đã bình luận rằng, “điều bất ngờ là thị trường có lẽ đã không lường trước được việc Fed đã hành động mạnh như vậy vào thời điểm cuối năm. Điều đáng chú ý không phải là động tác nâng lãi suất của Fed, mà là một giọng điệu “diều hâu”. Điều đó có nghĩa là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đã bắt đầu, Fed đã nâng lãi suất thay vì hạ lãi suất như xu hướng “bồ câu” mà tổ chức quyền lực này đã theo đuổi nhiều năm nay.
Nhận định về tác động từ quyết định tăng lãi suất của Fed tới kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích: Mỹ tăng lãi suất thì đồng USD sẽ có khuynh hướng được ưa chuộng hơn, trong đó, VND không là ngoại lệ. Đây là kênh tác động lớn hơn cả đến nền kinh tế Việt Nam, còn kênh dịch chuyển vốn thì yếu hơn và đến chậm hơn. Mức tăng 0,25 điểm phần trăm sẽ không tác động nhiều đến Việt Nam mặc dù áp lực lên tỷ giá là có. Tuy nhiên, Việt Nam đang có trong tay mức dự trữ ngoại hối kỷ lục lên đến 40 tỷ USD, nên ở góc độ khác, khi USD tăng giá, Việt Nam cũng sẽ thu được lợi ích. |
Cùng quan điểm trên, Chiến lược gia của Hãng tư vấn đầu tư Evercore ISI New York - Dennis Debusschere cũng có nhận xét, “thông báo sau cuộc họp chính sách vừa qua cho thấy, Fed đã mạnh tay hơn so với thị trường dự đoán. Giới đầu tư vẫn nghĩ rằng, Fed sẽ đợi cho đến khi các chi tiết về kế hoạch tài khóa được công bố rõ ràng thì mới nâng dự báo về lãi suất, nhưng thực tế đã không như vậy. Fed không chỉ quyết định tăng mức lãi suất mục tiêu thêm 0,25%, mà còn dự báo sẽ có tới 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017.
Chuyên gia Gorman lưu ý, các số liệu kinh tế Mỹ đã khởi sắc trong nhiều tháng gần đây. Hơn nữa, trong thời gian tới, khi chính thức nhậm chức, nhiều khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tung ra những biện pháp “bảo hộ, hạn chế hàng hóa từ bên ngoài và tập trung thúc đẩy tăng trưởng”. Những chính sách kinh tế của ông Trump sẽ đẩy giá USD tăng cao hơn nữa.
Trong khi đó, chuyên gia ngoại hối Steven Englander của Citi Group nhận định, bản thân chiến thắng của ông Trump đã đem đến cho đồng USD một cú sốc tích cực, khi kết hợp kỳ vọng nền kinh tế bùng nổ với triển vọng lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, một loạt các dự định của ông Trump như chương trình cắt giảm thuế đánh vào doanh nghiệp, cải cách thuế và đưa lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ trở về nước… tất cả đều sẽ khiến USD tăng giá mạnh trong năm 2017 và 2018.