📞

Ưu tiên thủy sản, cây ăn trái, lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long

17:02 | 15/12/2017
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông báo nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể, trong đó về lĩnh vực tài nguyên môi trường, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam đến năm 2100, công bố, công khai định kỳ làm cơ sở bổ sung, cập nhật chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Rà soát, hoàn thiện, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP News)

Bên cạnh đó, có chiến lược sử dụng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn, mặn; coi nước mặn như một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế. Khẩn trương đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn.

Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia đóng góp từ nhiều nguồn lực, đặc biệt ngoài vốn ngân sách. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai, đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản sử dụng ít nước ngọt, thích nghi với điều kiện hạn, mặn; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất, giảm diện tích trồng lúa, đẩy mạnh phát triển mô hình canh tác xen canh lúa - cá, lúa - tôm để giảm sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thích ứng với tình trạng nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghiên cứu chuyển đổi chiến lược, quy hoạch, cơ cấu phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển thủy sản - cây ăn trái - lúa thay cho lúa - thủy sản - cây ăn trái hiện nay; vùng trồng lúa phải đảm bảo sản xuất ăn chắc, chất lượng cao, sử dụng ít nước, ít phát thải khí nhà kính; vùng nuôi trồng thủy sản phải được thủy lợi hóa và xử lý tốt vấn đề môi trường; quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi sản xuất, chế biến và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả vùng rừng ngập mặn, rừng tràm bảo đảm sinh kế cho người dân, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh phục hồi, phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển.

Quy hoạch thủy lợi là then chốt cho phát triển gắn liền với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và là định hướng cho một số quy hoạch khác. Rà soát lại quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn năm 2050 để phù hợp với các thách thức đặt ra đối với đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt cần nghiên cứu, kiểm soát chặt chẽ việc đắp đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, tránh các ảnh hưởng, tác động lớn đến tự nhiên; xây dựng đề án tổng thể để chống suy thoái, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông.