Bà Caroline D. Phạm trong buổi chia sẻ với báo giới Việt Nam tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quân) |
Cuộc gặp giữa bà Caroline D. Pham, Ủy viên Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC, cơ quan chính phủ điều tiết các hoạt động thị trường phái sinh) với báo chí Việt Nam vào chiều ngày 13/11 thật đặc biệt. Người được phỏng vấn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được đầu tiên được Tổng thống đề cử vào vị trí thuộc nhánh hành pháp của Hoa Kỳ và được Thượng viện phê chuẩn.
Chuyến thăm được mong chờ
Chào bà, bà có thể chia sẻ một chút về chuyến thăm Việt Nam lần này?
Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, đất nước tôi đã muốn thăm từ lâu. Tôi rất vui khi có thể phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để củng cố, tăng cường và phát triển quan hệ đối tác, bạn bè với Việt Nam.
Hai nước đang tích cực duy trì, tiếp tục động lực từ chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là từ Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững hồi tháng 9 vừa qua. Chính vì thế, tôi rất vui vì đã tới đây với tư cách là phụ nữ người Mỹ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống Hoa Kỳ đề cử vào nhánh hành pháp và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn.
Đồng thời, là quan chức Hoa Kỳ, việc có mặt tại đây để củng cố quan hệ song phương là một nhiệm vụ quan trọng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiếp đón tôi nồng hậu. Tại các cuộc gặp, chúng tôi đã trao đổi, học hỏi ý tưởng, cách làm của nhau. Điều này sẽ giúp tôi thực hiện nhiệm vụ của CFTC về phát triển các sáng kiến có trách nhiệm, thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như các giá trị mà tôi, một ủy viên của CFTC, luôn đề cao: tăng trưởng, tiến bộ và khả năng tiếp cận thị trường.
Hiện có nhiều công ty Việt Nam kỳ vọng phát hành công khai lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Bà đánh giá thế nào về xu hướng này?
Một trong những điều thu hút các công ty đến thị trường vốn Hoa Kỳ là thị trường vốn sâu nhất và thanh khoản tốt nhất trên thế giới. Đây là nơi mọi người, từ khắp nơi trên thế giới, đến để tiếp cận nguồn tài trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Điều này cũng giúp ích cho trao đổi song phương và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.
Đặc biệt, khi các công ty nước ngoài đến Hoa Kỳ để niêm yết, nó sẽ thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, cũng như thúc đẩy giá trị về quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch qua thông tin đại chúng. Ngược lại, điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Hiện Hoa Kỳ có chính sách nào khuyến khích các doanh nghiệp từ Việt Nam đi theo xu hướng này?
Như mọi nước khác, Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy đầu tư và thu hút các công ty tới Hoa Kỳ làm ăn. Đặc biệt, Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy giao thương và đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng của Việt Nam như sản xuất hay công nghệ. Hoa Kỳ cũng hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao.
Hoa Kỳ tự hào là chủ nhà APEC
Gần đây, ông Matt Murray, quan chức cấp cao của Hoa Kỳ về APEC, nhấn mạnh rằng “cam kết của các nền kinh tế về sức chống chịu thể hiện rõ nét trong việc thúc đẩy các quy định tài chính hiệu quả”. Bà có đồng ý với nhận định này? Bà đánh giá ra sao về nỗ lực của Hoa Kỳ trong tổ chức APEC 2023?
Một hệ thống quy định tài chính mạnh mẽ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế. Tôi tin tưởng rằng bất cứ một thị trường nào, nếu có thể, cũng nên có một bộ quy định tài chính rõ ràng.
Về APEC, Hoa Kỳ rất tự hào đăng cai diễn đàn năm nay với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả”. Điều này phản ánh cam kết không thể lay chuyển của chúng tôi đối với thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã nêu một số cam kết quan trọng với APEC.
Chúng tôi đã thúc đẩy một số ưu tiên về mặt chính sách nhằm hướng tới một châu Á-Thái Bình Dương kết nối, sáng tạo và bao trùm. Một số nội dung được quan tâm của Diễn đàn APEC như thương mại và đầu tư, nền kinh tế số, y tế, bình đẳng và công bằng giới, tiêu chuẩn lao động cao, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng và an ninh lương thực. Với tư cách chủ nhà, chính phủ Hoa Kỳ cũng phối hợp với các đối tác cùng chí hướng để củng cố hệ thống kinh tế toàn cầu, cho tất cả thấy rõ tác động của APEC với doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình tại Hoa Kỳ và châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh rằng APEC có sự tham dự của hàng nghìn đơn vị liên quan gồm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và điều hành; các nghiệp đoàn; cộng đồng sinh viên; tổ chức phi chính phủ và lãnh đạo cộng đồng địa phương. Có thể thấy, lĩnh vực tư nhân đóng vai then chốt trong nhận diện cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, để thúc đẩy các mục tiêu chung của khu vực.
Bên cạnh APEC, Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ khởi xướng cũng quan trọng không kém khi thể hiện rõ cam kết của chúng tôi với hợp tác khu vực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an ninh và thịnh vượng.
Theo bà Caroline D. Phạm, việc tiến hành IPO tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sẽ góp phần nâng cao vị thế của các công ty Việt Nam- Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính rung chuông khai mạc Sàn chứng khoán NASDAQ ngày 22/9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Văn hóa Việt “dẫn lối” thành công
Trong những ngày qua, liệu Việt Nam có giống những gì bà suy nghĩ và cảm nhận khi còn ở Hoa Kỳ?
Với tôi, một người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại California, văn hóa là yếu tố quan trọng kết nối tôi với Việt Nam. Đó là nền ẩm thực, ngôn ngữ, cũng như nhiều giá trị quan trọng khác, đã góp phần không nhỏ để tôi có ngày hôm nay. Nói thật với bạn là trước khi tới đây, tôi không biết phải kỳ vọng như thế nào. Có lẽ, tôi chỉ mong muốn có thể nhìn thấy quê hương của gia đình tôi, cũng như cảm nhận mối liên kết với đất nước này.
Chính vì thế, đối với tôi, những ngày vừa qua tại Việt Nam thật tuyệt. Tại đây, tôi nhìn thấy những người có ngoại hình giống mình, sử dụng ngôn ngữ trong gia đình và trải nghiệm lại món ăn Việt ưa thích. Những món ăn ấy như đưa tôi trở về thời niên thiếu, khi Mẹ tôi từng tự nấu phở, chả giò ở nhà. Đó luôn là các món ăn ưa thích của tôi. Tại Việt Nam, một lần nữa tôi có cơ hội thưởng thức lại những hương sắc, mùi vị tuyệt vời ấy.
Gia đình nhỏ của tôi cũng vậy. Con gái tôi rất phấn khích khi đến Việt Nam, nơi cháu có thể tìm hiểu thêm về di sản, văn hóa của đất nước. Tôi còn đó danh sách dài những địa điểm muốn ghé thăm như TP. Hồ Chí Minh, thành phố với tốc độ tăng trưởng nhanh, trung tâm tài chính sôi động. Ngoài ra, tôi mong được ghé thăm các danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, hoặc những nơi gia đình tôi đi nghỉ khi bố mẹ tôi còn trẻ. Tôi hy vọng có thể cùng gia đình sớm trở lại Việt Nam.
Ngày hôm qua, chúng tôi đã đến Hoàng thành Thăng Long, Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Tôi cảm nhận được sự hùng vĩ, xuyên suốt của các triều đại khác nhau của Việt Nam trong 1.000 năm qua, hiểu rõ hơn về lịch sử đã kết nối tôi với nơi này. Điều đó càng giúp chúng tôi thêm phần tự hào vì văn hóa, nguồn gốc Việt Nam của chính mình.
Là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống bổ nhiệm vào vị trí nhánh hành pháp và được Thượng viện phê chuẩn, câu chuyện sự nghiệp của bà là gì? Bà nghĩ gì tiềm năng phát triển của người Mỹ gốc Việt trẻ khác?
Tôi lớn lên ở vùng Central Valley, California. Khi ấy, chúng tôi là gia đình người Việt duy nhất ở đó. Trong thời gian dài, khi xung quanh không có cộng đồng người Mỹ gốc Á nào khác, chúng tôi phải lái xe một tiếng rưỡi để đến nơi có cộng đồng người Việt, như San Jose, để có thể tham gia trải nghiệm lễ, Tết cổ truyền.
Trải nghiệm ấy giúp tôi hiểu một số giá trị văn hóa quan trọng từ còn bé, bao gồm sự kiên trì. Mẹ tôi từng nói: “Nếu con thực sự muốn làm gì đó, con sẽ tìm cách”. Câu nói ấy đã phần nào “dẫn lối” cho tôi sau này. Bởi lẽ, dù đối mặt với thử thách nào, ngay cả khi bị bủa vây bởi hoài nghi, tôi vẫn còn đó sự tin tưởng của gia đình, cũng như từ chính bản thân mình. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục, cố gắng hết sức để làm việc chăm chỉ nhất có thể.
Về thế hệ trẻ gốc Việt, tôi cho rằng họ có tiềm năng không giới hạn. Với tư cách Ủy viên, tôi đã cố gắng hỗ trợ và thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hòa nhập cho tất cả mọi người, bao gồm thế hệ trẻ. Tôi cho rằng một mặt, người trẻ cần có tư duy phát triển, luôn tìm kiếm, cởi mở, tiếp thu và phát huy những ý tưởng mới. Mặt khác, các bạn trẻ cần trân trọng các giá trị truyền thống. Với tôi, đó là sự chăm chỉ và giáo dục, giá trị của văn hóa Việt Nam tôi may mắn thừa hưởng. Tôi tin rằng điều đó sẽ giúp các bạn trẻ khai mở tiềm năng của mình.
(Tại Hoàng thành), tôi cảm nhận được sự hùng vĩ, xuyên suốt của các các triều đại khác nhau của Việt Nam trong 1.000 năm qua, hiểu rõ hơn về lịch sử đã kết nối tôi với nơi này. Điều đó giúp chúng tôi thêm phần tự hào vì văn hóa, nguồn gốc Việt Nam của chính mình. |