Mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 sang đối tượng trẻ em hướng tới mở cửa trường học trở lại. (Nguồn: UNICEF) |
Trong bối cảnh việc thực hiện tiêm chủng ngừa Covid-19 ít nhất một liều cho hơn 70% dân số trưởng thành đang trở nên phổ biến hơn, nhiều nước chuyển dần mục tiêu tiêm chủng sang đối tượng trẻ em với kỳ vọng vừa để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh và ngăn các biến thể phát triển, vừa để tiến tới mở cửa trường học trở lại.
Chuyện không đơn giản
Từ đầu tháng 9, trẻ em tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, biến thể Delta gây Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa lớn khi mà tỷ lệ trẻ em mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 có xu hướng tăng cao.
Với mục tiêu bảo vệ trẻ em trước biến thể Delta đang lây lan, chương trình tiêm chủng cho trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên đang được một số nước đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Theo các chuyên gia, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là một điều rất cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ các quy trình tiêm chủng cho đối tượng này.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ mới chỉ khuyến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên với vaccine Pfizer, còn những lứa tuổi khác vẫn đang được nghiên cứu.
Đa phần các nước khá thận trọng trong việc tiêm chủng cho toàn bộ trẻ nhỏ mọi lứa tuổi.
Các chuyên gia y tế nhận định, vaccine Covid-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho người lớn, là chìa khóa giúp thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, số liệu đó không thể thay thế cho việc nghiên cứu trên trẻ em.
Hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine trên trẻ em vẫn gặp không ít khó khăn. Trong số đó có việc trẻ em khi tham gia thử nghiệm phải có sự đồng ý của cha mẹ, hay một số trẻ khi tham gia nghiên cứu lại không hợp tác vì sợ bị tiêm.
Ngoài ra, việc đánh giá xem liệu vaccine có thể bảo vệ trẻ hay không là một nhiệm vụ không đơn giản vì trẻ không dễ thể hiện cảm nhận của cơ thể một cách rõ ràng. Do đó, để có kết quả cuối cùng, các nhà nghiên cứu buộc phải theo dõi mức độ kháng thể của trẻ trong nhiều tháng.
Trẻ em là những cơ thể khác biệt, không phải là "những người lớn trong kích cỡ nhỏ bé", đây có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất khi các quốc gia tiến hành hoạt động nghiên cứu và chủng ngừa vaccine Covid-19 cho đối tượng trẻ em.
Một số chuyên gia cho rằng việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em đặt ra một số thách thức, trong đó có vấn đề thiếu sự phối hợp trên quy mô toàn quốc. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng lập kế hoạch để đưa ra các chiến lược tiếp cận thân thiện với trẻ em.
Peter Azzopardi, Trưởng khoa nhi của Mạng lưới Y tế Scarborough ở Toronto (Canada) cho rằng phải cụ thể hóa việc vận hành các cơ sở tiêm vaccine cho trẻ em. Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em có những nhu cầu khác người lớn và các chiến lược tiêm chủng đã thực hiện đầu năm nay có thể không phù hợp với trẻ nhỏ.
Một cuộc khảo sát ở Canada hồi tháng 8 vừa qua cho thấy chỉ khoảng 2/3 số phụ huynh được hỏi có ý định cho con dưới 12 tuổi tiêm chủng phòng Covid-19. Điều quan trọng đối với giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng hàng loạt là phải đưa ra các thông điệp minh bạch, trả lời thấu đáo các câu hỏi về độ an toàn của vaccine.
Theo ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá sinh học và nghiên cứu của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), trong khi chờ vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi được cấp phép, nếu các bậc cha mẹ muốn làm điều đúng đắn cho con cái của mình ngay bây giờ, cha mẹ nên tiêm phòng cho bản thân, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho con cái.
Với mục tiêu bảo vệ trẻ em trước biến thể Delta đang lây lan, một số nước đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên. (Nguồn: ABC 7 News) |
"Bản đồ" ngày càng mở rộng
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trẻ em được xếp vào nhóm ít tổn thương, hiếm có khả năng diễn biến nặng khi mắc bệnh hơn so với người lớn.
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ phải nhập viện, thậm chí tử vong vì Covid-19. Hàng loạt triệu chứng suy nhược kéo dài hàng tháng cũng xuất hiện ở trẻ - điều từng thấy ở người lớn.
Điều này khiến các chuyên gia ủng hộ việc tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.
Liên minh châu Âu (EU) đã dần mở rộng chiến lược phủ vaccine sang trẻ em, nhằm giảm lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng nguy hiểm khi Covid-19 vẫn có thể lây lan ở trẻ em.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hồi tháng 5/2021 đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17.
Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt hơn 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 sau khi tiêm vaccine.
EMA thừa nhận quy mô các nghiên cứu còn hạn chế, đồng nghĩa khả năng chưa phát hiện hết tác dụng phụ của vaccine Covid-19 ở trẻ em.
Dù chiến lược tiêm chủng Covid-19 ở trẻ em chưa được áp dụng đồng bộ trên khắp châu Âu vì lo ngại tác dụng phụ, nhiều nước đã tiên phong tăng độ phủ vaccine đến nhóm dân số nhỏ tuổi.
Theo EMA, tiêm chủng cho trẻ em sẽ thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.
Các quốc gia châu Âu như Italy, Pháp và Đức hiện đang áp dụng chiến lược tiêm chủng quyết đoán.
Italy cho phép người từ 12 đến 18 tuổi tiêm vaccine không cần đặt lịch từ ngày 16/8. Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liệu trình.
Đức thời gian đầu cũng chần chừ tiêm chủng trẻ em như Anh, chỉ khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ có bệnh nền. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta bùng phát ở châu Âu, cơ quan y tế Đức chấp nhận thay đổi chiến lược và đề nghị tiêm cho mọi trẻ từ 12-18 tuổi.
Tại Anh, chính quyền nước này cũng đã cho phép trẻ vị thành niên 16-17 tuổi tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 23/8. Ngày 13/9 vừa qua, các cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Anh đã khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19 để tránh gián đoạn việc học tập.
Ngày 22/9, Bộ trưởng Y tế CH Czech Adam Vojtěch cho biết, nước này đã đặt hàng vaccine ngừa Covid-19 từ nhà sản xuất Pfizer/BioNTech cho 700.000 trẻ em từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ không thực hiện tiêm chủng cho đến khi vaccine này được EMA chấp thuận.
Còn tại Mỹ, chính phủ nước này đã cho phép tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ trên 12 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. Trước đó, FDA bắt đầu cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này cho người từ 16 tuổi trở lên vào cuối năm ngoái.
Ngày 7/10, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã chính thức đệ trình hồ sơ lên FDA để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta.
Đến cuối tháng 7, 42% trẻ thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi, 32% đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19.
Hiện Canada đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và khẩn cấp nhất dành cho trẻ em kể từ sau dịch bại liệt vào những năm 1950.
Đến nay, Canada mới chỉ phê duyệt vaccine phòng Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đầu tháng 10, công ty Pfizer/BioNTech đã gửi dữ liệu sơ bộ cho Bộ Y tế Canada để xin phê duyệt vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Nhiều nước chuyển dần mục tiêu sang tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. (Nguồn: EPA) |
Ngày 1/10, chính phủ Argentina cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y học (ANMAT) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) cho việc tiêm chủng cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi, nhóm tuổi duy nhất chưa bắt đầu quá trình tiêm chủng tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trước đó, Argentina đã bắt đầu tiêm ngừa Covid-19 cho khoảng 5 triệu trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi bằng các loại vaccine của Moderna và Pfizer.
Cuba từ ngày 6/9 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi. Quốc gia 11,2 triệu dân nhận thấy vaccine Soberana-2 do chính nước này sản xuất tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở trẻ vị thành niên so với người lớn.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi ngày 11/9 đã cho phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 2/8 phê chuẩn dùng khẩn cấp vaccine phòng Covid-19 của hãng Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi trong tháng 5.
Trung Quốc từ ngày 7/6 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 theo công nghệ bất hoạt cho trẻ từ 3 đến 17 tuổi. Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) xác nhận đây là một phần chiến lược tiêm chủng ít nhất 70% dân số cả nước ở mọi nhóm tuổi và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan ngày 4/10 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em với mục tiêu bao phủ hơn 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11.
Bộ Giáo dục hiện đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi bằng vaccine Pfizer mà trước đó đã được FDA phê duyệt, trong bố cảnh nhiều trường học trên cả nước đang hy vọng có thể mở cửa trở lại.
Tại Việt Nam, ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ngay trong tháng 10 năm nay. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn. Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nguồn vaccine ở nước ta từ nay đến cuối năm tối thiểu là 120 triệu liều. Trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm phủ một mũi vaccine cho trên 70% dân số trên 18 tuổi. |
| Vaccine Covid-19 cho trẻ em: Sinopharm an toàn với trẻ từ 3 tuổi, Anh thử nghiệm tiêm trộn vaccine Dữ liệu mới công bố của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) cho thấy, vaccine phòng Covid-19 của hãng này an toàn đối với trẻ em ... |
| Vaccine Covid-19 cho trẻ em: Anh ra khuyến nghị mới, Nam Phi cho phép sử dụng vaccine Pfizer Anh dự kiến sẽ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12-15 tuổi còn Nam Phi mở đường cho chiến dịch tiêm chủng ... |