Thế giới đang xuất hiện nghịch lý, các nước giàu thì thừa vaccine phòng Covid-19, còn các nước nghèo thì không có mà dùng. (Nguồn: Quartz) |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nhiều nước đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần bình thường hóa xã hội, khởi động quá trình phục hồi nền kinh tế.
Các nhà khoa học đã nhiều lần khẳng định, vaccine là thứ “vũ khí” cần thiết, duy nhất có thể ngăn cản được căn bệnh nguy hiểm đã khiến thế giới tê liệt này. Vì vậy, cố gắng để vaccine có độ bao phủ rộng là nhiệm vụ cấp bách lúc này.
Thế nhưng, thế giới đang có vấn đề về khả năng tiếp cận vaccine. Cụ thể, hơn 600 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng đồng thời có nghĩa hơn 7 tỷ người vẫn chưa được tiêm. Thống kê toàn cầu cho thấy, một nửa số liều vaccine trên thế giới hiện nay tập trung tại các nước phát triển, chủ yếu là Mỹ và châu Âu, chiếm 1/7 dân số thế giới. Trong khi đó, hàng chục quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, hầu như không có đủ vaccine để khởi động chiến dịch tiêm chủng của mình.
Miễn dịch cho hầu hết nhân loại trong một thời gian ngắn là một nhiệm vụ lớn, chưa từng được thực hiện trước đây. Theo các chuyên gia, đây cũng là một nhiệm vụ mà thế giới chưa sẵn sàng để đảm đương.
Năng lực sản xuất có hạn
Trên thế giới hiện nay, chỉ có một vài nhà máy có thể sản xuất được vaccine, đồng thời nhân lực được đào tạo để chế tạo vaccine cũng có hạn. Từ trước khi đại dịch bùng nổ, những nhà khoa học này cũng đã rất bận rộn nhằm chế tạo ra những loại vaccine để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tương tự, năng lực sản xuất nguyên liệu sinh học, môi trường nuôi cấy tế bào, bộ lọc chuyên dụng, máy bơm, ống dẫn, chất bảo quản... cũng bị hạn chế.
Sarah Schiffling, một chuyên gia về chuỗi cung ứng dược phẩm và cứu trợ nhân đạo tại Đại học Liverpool John Moores cho biết, giới khoa học không đột ngột ngừng sản xuất mọi loại vaccine khác nhưng đang đặt mục tiêu hàng đầu cho vaccine Covid-19. Về cơ bản, để đáp ứng chuỗi cung ứng ở mức độ toàn cầu như này thường mất nhiều năm để hoàn thành, do vậy, các nhà sản xuất vaccine đang hoạt động gấp đôi công suất bình thường.
Với sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ, các doanh nghiệp đã đại tu hoặc xây mới nhà máy và đào tạo nhân viên mới nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhất có thể. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã được bắt đầu từ năm 2020 và vẫn chưa thể hoàn thành.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, dự kiến sản xuất một tỷ liều vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca trong năm nay. Nhưng để đạt được tốc độ đó, SII đã phải mất nhiều tháng để chuẩn bị.
Chưa dừng lại tại đó, vaccine Covid-19 phần lớn là các loại vaccine được phát triển dựa trên công nghệ mRNA hay vector. Cho đến năm ngoái, công nghệ phát triển vaccine này chưa từng được sử dụng trong việc sản xuất hàng loạt. Nó đòi hỏi thiết bị, vật liệu, kỹ thuật và chuyên môn khác với vaccine tiêu chuyển khác. Đó cũng là một phần lý do vì sao AstraZeneca đã từng nhiều lần không đáp ứng đủ đơn hàng cho Liên minh châu Âu (EU).
Theo WHO, tỷ lệ người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở các nền kinh tế lớn là 25%, so với mức 0,2% ở các nước thu nhập thấp. |
Nỗi lo “chủ nghĩa dân tộc vaccine”
Việc phát triển thành công một số loại vaccine hiệu quả ngừa Covid-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là kỳ tích của nhân loại. Tuy nhiên, cũng vì thế mà bức tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn.
Các nước phát triển, với nguồn lực dồi dào sẽ thu mua số lượng khổng lồ vaccine để tập trung tiêm phòng cho công dân nước mình, dẫn đến thiếu nguồn cung cho các nước kém phát triển hơn. Vấn đề “chủ nghĩa dân tộc vaccine” đã là mối lo ngại của thế giới từ khi việc phát triển các loại vaccine ngừa Covid-19 đang còn trong trứng nước.
Trong quá khứ, câu chuyện này đã từng xảy ra với dịch cúm H1N1 năm 2009-2010, khi đó các nước giàu đã mua toàn bộ số vaccine có sẵn, khiến lúc đầu các nước nghèo không mua được vaccine. May mắn thay, do bệnh cúm H1N1 là một bệnh nhẹ hơn so với Covid-19 và dịch cúm này cuối cùng cũng kết thúc, nên việc vaccine không được phân phối đồng đều chỉ gây ảnh hưởng ở mức hạn chế.
Hiện nay, các nước giàu có, chỉ với 16% dân số toàn thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vaccine trên toàn thế giới, có quốc gia thậm chí đã đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua cho 453,1% dân số, Anh mua 270,3%, Australia mua 225,1%, Mỹ mua 182,8% dân số.
Một nghiên cứu mới của Economist Intelligence Unit ước tính rằng Mỹ, Anh, Israel và EU sẽ vẫn đạt được “phạm vi tiêm chủng rộng rãi” vào cuối năm 2021, trong khi các nước đang phát triển sẽ không may mắn như vậy. Cũng theo báo cáo này, 84 trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không tiêm đủ vaccine để đạt được miễn dịch cho đến 2024.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đang phát triển hiện vẫn phải chờ được “phân phối” vaccine do liên minh COVAX phân bổ. Thế nhưng, bản thân COVAX cũng đang vướng phải những vấn đề nhất định.
COVAX đặt ra mục tiêu mua hai tỷ liều vaccine và phân phối đến các quốc gia thiếu vaccine trước cuối năm 2021, giúp đảm bảo công bằng vaccine toàn cầu cho các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay đã cuối tháng 5/2021, COVAX mới chuyển giao được hơn 68 triệu liều. Nói cách khác, COVAX mới chỉ đi được 3,4% quãng đường để đạt được mục tiêu đề ra.
Thách thức lớn nhất hiện nay của COVAX là cơ chế này đang thiếu tiền để mua vaccine. COVAX cho biết cần thêm 2 tỷ USD tài trợ vào đầu tháng 6/2021 để nâng mức độ bao trùm của chương trình lên 30%, đồng thời chốt số liều vaccine có thể phân phối trong năm 2021 và vào đầu năm 2022.
Ngoài ra, do số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt tại Ấn Độ, SII đã ngừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca, vốn là vaccine chủ đạo của cơ chế COVAX, nhằm đẩy mạnh tiêm chủng trong nước. Điều này khiến nguồn cung của COVAX trong quý II/2021 thiếu hụt nghiêm trọng.
COVAX Facility là cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng Covid-19”, được lập ra bởi WHO, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI, UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh CEPI và các nhà sản xuất vaccine, các đối tác nhằm bảo đảm cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine phòng Covid-19. Hiện có 92 quốc gia tham gia COVAX Facility. |
Khó khăn chung
Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thẳng thắn phê phán: “Chủ nghĩa dân tộc vaccine không chỉ là sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức. Nó còn tự đánh bại về mặt dịch tễ và phản tác dụng về mặt lâm sàng”.
Trong một cuộc họp báo ngày 14/5, WHO đã kêu gọi các nước phát triển chú ý hơn đến phần còn lại của thế giới. Tổng giám đốc WHO thừa nhận rằng ông hiểu lý do các quốc gia có thể muốn áp dụng phương pháp ưu tiên trong nước, song ông kêu gọi các chính phủ giải quyết tình trạng cung ứng vaccine thấp ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp - nơi thậm chí chưa đủ liều lượng để tiêm chủng đầy đủ cho nhân viên y tế.
Ông Tedros tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy năm thứ hai của đại dịch này gây chết người nhiều hơn so với năm đầu tiên”, đồng thời tiếp tục thúc giục các nước xem xét lại việc tiêm chủng cho các thành viên trẻ hơn trong dân số của họ và “thay vào đó hãy tặng vaccine cho COVAX”.
May mắn thay, một số nước đã mua số lượng lớn vaccine như Anh, Mỹ... đã cam kết tặng thêm liều vaccine cho COVAX, với tổng giá trị lên đến 6 tỷ USD, sau khi họ hoàn thành việc tiêm chủng cho công dân của mình. Tuy nhiên, số lượng vaccine đó chỉ chiếm một phần nhỏ so với số tiền mà các nước giàu có đã chi cho bản thân họ, và một phần nhỏ so với nhu cầu toàn cầu.
Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất vaccine trên thế giới. Đây cũng là vấn đề đang được bàn cãi nhiều và chưa có hồi kết và chưa có nhà sản xuất vaccine nào tự nguyện làm vậy.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng sản xuất vaccine là quy trình đòi hỏi công nghệ, năng lực sản xuất cao cũng như nhiều nguyên vật liệu, trong đó có nhiều loại khan hiếm. Do đó, việc chia sẻ bằng sáng chế vaccine chưa chắc là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề nguồn cung vaccine trên thế giới.
Với dân số khoảng 7,7 tỷ người, nếu tiêm chủng 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng thì cần khoảng 5,4 tỷ triệu liều vaccine cho mỗi lần tiêm, tức tổng cộng cần ít nhất 10,8 tỷ liều. Đến ngày 26/5, cả thế giới mới sản xuất và phân phối được gần 1,78 tỷ liều, chỉ hơn 23% nhu cầu nói trên.
Nếu ước lượng số vaccine được sản xuất và phân phối sáu tháng đầu năm 2021 là 2 tỷ liều và sáu tháng cuối năm 2021 tăng gấp đôi, thì cả năm 2021 thế giới có khoảng 6 tỷ liều, mới đáp ứng hơn 55% nhu cầu dự báo nói trên, tức chỉ đủ tiêm cho 39% dân số thế giới. Vì vậy, để có thể tiêm chủng 70% dân số vào cuối năm 2021 thực sự là một bài toán khó có lời giải.