Trong chuyến công tác lên vùng đông bắc của tỉnh Bắc Giang, trên tuyến quốc lộ 31, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động của mùa thu hoạch vải thiều trên đất Lục Ngạn. Từ Ðình Kim, Phượng Sơn lên đến Tân Hoa, Biển Ðộng, đoạn quốc lộ có chiều dài hơn 20 km mà có tới hơn hai chục điểm cân vải lớn nhỏ. Buổi sớm từng đoàn xe đạp, xe máy nối đuôi nhau chở vải đến điểm cân. Ở đó, từng đoàn xe ô-tô từ loại chuyên dụng máy lạnh chạy đường dài, đến các loại xe ô-tô tải chất đầy các thùng xốp để đóng vải đậu kín hai bên đường.
Nhìn những sọt vải thiều đỏ tươi ngất ngưởng trên xe máy đứng xếp hàng chờ vào cân, tôi càng thấm thía lời Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Tống Ngọc Bắc, rỉ tai tôi hồi đầu vụ vải là chính xác: Lục Ngạn năm nay vải được mùa, sản lượng đạt từ 100 đến 120 nghìn tấn.
Ðầu vụ, tôi lên Lục Ngạn, vải sớm giá 10.000 - 12.000 đồng/kg; sau xuống 8.000 - 9.000 đồng/kg. Mọi người lo lắng vải tiếp tục xuống giá. Nhưng vào chính vụ thu hoạch, trong chuyến công tác qua vùng vải thiều, chúng tôi dừng xe xuống hỏi mấy bác nông dân đang chờ cân vải:
- Giá vải hôm nay bao nhiêu đồng một cân đấy bác?
- Ấy dà, loại 1 được tám nghìn đồng, loại 2 sáu nghìn đồng, loại 3 có bốn nghìn đồng một kg thôi.
Ông Ân Ngọc Lương, Bí thư Ðảng ủy xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cho biết, vụ vải thiều năm nay gia đình thu được 20 tấn quả, giá bán bình quân cả tốt, xấu là 5.000 đồng/kg; như vậy nhà ông Lương vụ này đã có 100 triệu đồng, trừ chi phí chăm bón thu hoạch khoảng 20-25 triệu đồng, gia đình ông cũng thu lãi từ vườn đồi 70-80 triệu đồng. Một gia đình nông dân 5-6 khẩu có mức thu như thế, còn gì hơn.
Vải thiều ở Lục Ngạn vụ này được mùa mà không rớt giá. Trong khi đó, cũng ở tỉnh Bắc Giang nông dân và những người làm vườn ở Yên Dũng, Yên Thế, Lạng Giang và cả Lục Nam, là huyện giáp ranh Lục Ngạn, giá vải cũng chỉ 1.500-2.000 đồng/kg. Thậm chí, có hộ ở các huyện, xã ngoài vùng Chũ - Lục Ngạn đã chặt vải trồng cây khác.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn lý giải vấn đề này: Ngay trong huyện Lục Ngạn, vùng trên đèo, vải bị hạn cho nên quả chỉ to bằng ngón chân cái, bán 1.000 đồng một kg không có người mua. Ở những xã được mùa vải thiều, được giá cũng có gia đình bị mất mùa vì lý do năm ngoái rớt giá, chán không chăm sóc vải cằn, quả nhỏ, vỏ sầu. Ðể có vụ vải thắng lợi như năm nay, hơn hai năm qua, UBND huyện, với sự giúp sức của Sở Khoa học - Công nghệ đã tiến hành điều tra thổ nhưỡng, khí hậu tiểu vùng, phân tích chất lượng vải thiều ở từng xã. Dựa vào đó để cung cấp dữ liệu cho Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vùng vải thiều Lục Ngạn, gồm 20 xã vùng thấp, dọc theo quốc lộ 31 và hai bên sông Lục Nam, với diện tích 17.000 ha mới đủ điều kiện quy hoạch mang thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Từ kết quả điều tra cho thấy: Trồng cây gì, nuôi con gì phải thực hiện điều tra, nghiên cứu khoa học nghiêm túc; sản xuất nông nghiệp làm theo kiểu phong trào như trước đây ắt sẽ thất bại.
Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội giúp nông dân vùng vải thông qua chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP; bắt đầu từ cây giống, trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. Người nông dân trồng vải được hướng dẫn từng công đoạn kỹ thuật, từ chăm bón loại phân gì, tỷ lệ ra sao, đến phun thuốc trừ sâu bệnh loại gì, lúc nào phun, v.v...
Ðể khắc phục đặc điểm vải thiều thu hoạch rộ trong thời gian ngắn, Lục Ngạn đã khuyến cáo, hướng dẫn người trồng vải cải tạo lại bộ giống theo hướng đưa giống vải thiều Bình Khê, U Trường Thanh, Hoàng Long chín sớm vào trồng từ 10-15% tổng diện tích; vải chính vụ khoảng 70-75% diện tích, còn lại là vải muộn.
Thực tiễn cho thấy, trồng vải cho thu hoạch rải vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thuận lợi cho việc thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ vải thiều. Khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển vải thiều đường dài ở Lục Ngạn năm nay được thương nhân áp dụng quy trình làm sạch trước khi đóng vào thùng xốp, có đá làm lạnh, có xe lạnh chuyên dùng đi đường dài nên chất lượng vải đến nơi tiêu thụ vẫn giữ được mầu sắc, chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận.
Vụ vải thiều năm nay, nhìn chung Lục Ngạn được mùa, được giá. Nông dân phấn khởi, nhiều nhà giàu lên. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển bền vững vùng vải thiều. Trước hết, chính quyền từ huyện tới xã, thôn cần tuyên truyền, giáo dục ý thức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".
Tỉnh Bắc Giang và các huyện ngoài vùng vải cũng cần xác định lại cơ cấu cây trồng trong các vườn đồi, trang trại. Nơi nào không có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cây vải thiều, kiên quyết vận động, kèm theo hỗ trợ để nông dân trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn. Vùng vải thiều Lục Ngạn cần có một tổ chức hiệp hội những người trồng và tiêu thụ vải thiều đủ mạnh để từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.Theo Nhân Dân