📞

Vai trò của lực lượng vũ trang đối với thành công của Hiệp định Geneva

Thượng tướng, PGS, TS HOÀNG XUÂN CHIẾN 09:14 | 25/04/2024
Cách đây 70 năm, thành công của Hội nghị Geneva khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang, không chỉ trên mặt trận quân sự mà còn trong đấu tranh ngoại giao.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Tác động trực tiếp tới sự khởi đầu

Từ giữa năm 1953, khi Hiệp định đình chiến tại bán đảo Triều Tiên được ký kết, xu thế hòa hoãn trên thế giới phát triển mạnh mẽ, các nước lớn muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng. Ngày 18/2/1954, tại Berlin, Hội nghị ngoại trưởng bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sỹ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu họp. Cùng thời gian này, ở lòng chảo Điện Biên Phủ, quân viễn chinh Pháp đang ở tình thế khốn đốn trước sức tiến công mạnh mẽ của các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân viễn chinh Pháp ở Bản Kéo buộc phải đầu hàng, đồng thời, hàng loạt cứ điểm ở khu phía Đông Mường Thanh bị tiêu diệt, quân viễn chinh Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng.

Tuy nhiên, do chiến sự ở Điện Biên Phủ chưa ngã ngũ nên Pháp vẫn nuôi hy vọng giành được một thắng lợi về quân sự, tạo ưu thế trên bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam trong danh dự. Chỉ đến đầu tháng 5/1954, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân viễn chinh Pháp dần bị quân đội nhân dân Việt Nam bao vây, bóp nghẹt, không thể cứu vãn nổi thì thực dân Pháp và các nước đồng minh buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DCCH).

Thượng tướng, PGS, TS. Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Chiều ngày 7/5/1954, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam toàn thắng. Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ kéo dài chín năm dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.

Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của chín bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam DCCH, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.

Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị với tư thế của một dân tộc vừa chiến thắng. Ngay từ phiên họp đầu tiên, phái đoàn VNDCCH đã đưa ra lập trường tám điểm về một giải pháp toàn diện cả về quân sự và chính trị cho bán đảo Đông Dương. Về quân sự, đề nghị ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Về chính trị, đề nghị bảo đảm hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Đoàn đại biểu Pháp do ngoại trưởng Bidault dẫn đầu, thông báo tin quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và đề nghị về nguyên tắc một cuộc ngừng chiến trên toàn Đông Dương nhằm bảo đảm an toàn cho quân viễn chinh Pháp.

Có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ với lực lượng nòng cốt là quân đội nhân dân Việt Nam chính là nhân tố quyết định đưa phái đoàn của Chính phủ Việt Nam DCCH đến bàn Hội nghị, buộc phía Pháp phải trực tiếp đàm phán với đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam, phá âm mưu hợp thức hoá chính quyền bù nhìn Bảo Đại do Pháp dựng lên, đồng thời tạo ưu thế cho cuộc đấu tranh của phái đoàn ta trên bàn đàm phán.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng rất to phát ra tiếng vang lớn ngân vang toàn cầu, dội mạnh vào Hội nghị Geneva, đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp thô bạo của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam DCCH.

Nói cách khác, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, là nhân tố quyết định thắng lợi của Hội nghị Geneva, đồng thời tạo thế để ta đấu tranh cho một giải pháp toàn diện về mặt chính trị và quân sự cho vấn đề Việt Nam trên bàn đàm phán. cho tới diễn biến và kết quả cuối cùng của Hội nghị

Bộ đội ta cắm cờ trên nóc hầm De Castries ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. (Nguồn: Gettyimages)

Ngày 29/5/1954, sau bốn phiên họp toàn thể và tám phiên họp cấp Trưởng đoàn, Hội nghị Geneva ra quyết định ngừng bắn toàn diện và thống nhất đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương gặp nhau tại chỗ (Việt Nam) và ở Geneva để bàn về bố trí lực lượng quân sự theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.

Để phối hợp với cuộc đấu tranh ngoại giao tại Geneva, tháng 6/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra chỉ thị về hoạt động quân sự trong mùa hè của các lực lượng vũ trang ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nhiệm vụ chung được xác định là giữ vững và tăng cường hoạt động quân sự bằng việc sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực luân lưu phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, chống càn quét, chống bắt lính; củng cố và mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích…để phá kế hoạch củng cố và tập trung lực lượng của địch ở đồng bằng.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, các lực lượng vũ trang tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán. Từ đầu tháng 6, nhất là những ngày cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/1954, quân địch đã rút bỏ hàng loạt vị trí ở trung du và nam đồng bằng Bắc Bộ. Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường tiếp tục tác động mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho diễn tiến của Hội nghị tại Geneva.

Theo thoả thuận giữa Việt Nam DCCH và Pháp, từ ngày 4/7/1954 đến ngày 27/7/1954, tại Trung Giã (huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Thái Nguyên hơn 30 km về phía Nam, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị quân sự tại chỗ giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương do Đại tá Lennuyeux làm Trưởng đoàn.

Tướng De Castries và các chỉ huy tập đoàn cứ điểm khi bị bắt trong trận Điện Biên Phủ, tháng 5/1954. (Nguồn: Gettyimages)

Cùng với cuộc đấu tranh gay go, phức tạp ở Hội nghị Geneva về những nguyên tắc lớn, cơ bản để chấm dứt chiến tranh, cuộc đấu tranh giữa phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam với phái đoàn quân đội viễn chinh Pháp ở Hội Nghị Trung Giã cũng diễn ra căng thẳng trên những vấn đề cụ thể. Hai bên trao đổi về những vấn đề quân sự mà Hội nghị Geneva đặt ra, cách thức triển khai thực hiện những vấn đề quân sự mà Hội nghị đã thoả thuận liên quan đến vấn đề tù binh, thực hiện ngừng bắn; điều chỉnh khu vực tập kết quân đội, Ủy ban Liên hợp quân sự,…và đặc biệt chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày, giờ như Hiệp định Geneva đã quy định.

Có thể nói, Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương vào giai đoạn chuẩn bị cho việc kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Hội nghị quân sự Trung Giã diễn ra trong 23 ngày nhưng có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở Hội nghị quân sự Trung Giã dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, góp phần tích cực vào thành công của Hội nghị Geneva, để lại dấu ấn đậm nét của đối ngoại quân sự trong nền ngoại giao Việt Nam.

Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết. Ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneva kết thúc, thông qua Tuyên bố chung. Đồng chí Thiếu tướng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Denteil, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã ký Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và các nước tham gia Hội nghị phải cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước. Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; từ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, dũng cảm của toàn dân và toàn quân ta, từ truyền thống hòa bình và hòa hiếu của ngoại giao Việt Nam và là kết quả của sự kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, phát huy tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn Hội nghị.

Thành công của Hội nghị cũng khẳng định vai trò, để lại dấu ấn đậm nét của lực lượng vũ trang, với nòng cốt là quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, không chỉ trên chiến trường mà còn trên bình diện đấu tranh ngoại giao, từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đến Hội nghị quân sự Trung Giã và Ủy ban Liên hợp quân sự về sau.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Geneva về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc;kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và ngoại giao; phát huy nội lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước để làm cơ sở vững chắc cho hoạt động ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.