Đoàn kết, đồng thuận là chìa khóa giúp ASEAN vượt qua mọi thách thức. (Nguồn: AFP) |
Từng bước tạo "thương hiệu"
ASEAN là đối tác không thể thiếu trong các diễn đàn cấp cao đa phương trong khu vực. Dù nhóm Bộ tứ hay liên minh an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhưng vai trò trung tâm của ASEAN vẫn luôn được coi trọng. Điều này có được là do những “bản lề” vững chắc mà ASEAN đã xây dựng được trong quá trình hình thành và phát triển.
Thứ nhất, bản thân ASEAN và các đối tác đối thoại lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand đã thiết lập kênh đối thoại thượng đỉnh song phương (ASEAN+1) và các đối tác này cũng đã công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác ở khu vực.
Gần đây nhất, Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ đã diễn ra và được Tổng thống Joe Biden khẳng định là “sự kiện lịch sử”, sẽ mở ra “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa hai bên, cho thấy một cách tiếp cận, tầm nhìn chiến lược toàn diện của Washington với ASEAN. Tổng thống Biden khẳng định lại cam kết ủng hộ, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn cùng ASEAN nâng quan hệ đối tác lên một tầm mức mới, chung tay giải quyết hiệu quả các thách thức nảy sinh tại khu vực.
Thứ hai, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hợp tác ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) với sự tham gia của các nước có lợi ích lớn ở khu vực đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN.
Vừa qua, ngày 8/6, Hội nghị trực tuyến quan chức cao cấp (SOM) các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) đã diễn ra, đánh giá cao vai trò quan trọng của Cấp cao Đông Á, với ASEAN ở vị trí trung tâm, là diễn đàn của các lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chiến lược, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực. Đồng thời, các nước nhất trí phối hợp tăng cường hơn nữa giá trị chiến lược và khả năng thích ứng của Cấp cao Đông Á ứng phó hiệu quả các thách thức mới nảy sinh trong tình hình mới, trên cơ sở các định hướng nêu trong Tuyên bố Hà Nội dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Cấp cao Đông Á năm 2020 và các văn kiện nền tảng của Cấp cao Đông Á.
Thứ ba, kinh nghiệm điều phối và bản lĩnh của của ASEAN trong việc ứng xử phó với các tình huống, từ các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống đến liên kết kinh tế khu vực giúp ASEAN tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút được nhiều sự quan tâm nhất và sự tin tưởng lớn nhất hiện nay ở khu vực.
Là tổ chức đóng vai trò trung tâm ở khu vực, ASEAN chính là mái nhà chung để các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, con thuyền ASEAN đã từng bước vượt qua thử thách đại dịch này.
Như vậy, cũng như truyền thống các năm trước đây, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ tiếp tục được khẳng định trong định hướng phát triển của khối, trong quá trình hội nhập kinh tế và chính trị nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt kể trên.
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ (từ ngày 12-13/5) tại Washington D.C, Mỹ, theo đó Mỹ khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. (Nguồn: AFP) |
Đoàn kết tạo đồng thuận
Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh từng chia sẻ với báo chí, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến khó lường, cạnh tranh nước lớn gay gắt đòi hỏi ASEAN không thể chỉ nỗ lực như cũ mà phải nhân hơn lên rất nhiều.
Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: “Dịch bệnh Covid-19 là một khó khăn chưa từng có và cần phải rút ra bài học. Cạnh tranh nước lớn cũng chưa từng có, phức tạp hơn trước rất nhiều. ASEAN phải nhìn nhận lại quan hệ với các đối tác quan trọng trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc, phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại hiệu quả hơn”.
Thêm nữa, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng, trong nội bộ, để ASEAN thắt chặt hơn, thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng, thực hiện Hiến chương ASEAN, việc trao đổi hẹp để “bật tung” vấn đề cũng rất quan trọng, qua đó tạo ra sự đồng thuận.
Nguyên tắc đồng thuận đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, là nền tảng then chốt cho sự hợp tác của Hiệp hội trong nhiều thập kỷ qua.
Chính sự đồng thuận, có được tiếng nói chung, đã góp phần "tô vẽ" cho hình ảnh của cả Hiệp hội là một khối vững chắc, giúp cho ASEAN trở thành động lực cho nhiều hợp tác khu vực và liên khu vực. Phương cách ASEAN và nguyên tắc đồng thuận cũng là nền tảng giúp ASEAN lôi kéo được các nước lớn, các nước ngoài khu vực, tham gia vào các diễn đàn của ASEAN. Do đó, đoàn kết, thống nhất tạo ra sự đồng thuận trong bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ là chìa khóa quan trọng để ASEAN hóa giải mọi thử thách.
Về vấn đề Biển Đông, ASEAN đã luôn nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại khu vực; nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, hiện nay là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từng cho rằng: “ASEAN đã xác định, các nước thành viên ASEAN cũng xác định không chọn bên mà chỉ chọn lợi ích của ASEAN. Với quan điểm rõ ràng như vậy thì ASEAN luôn có lập trường riêng của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đấy chính là cách để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm của mình ở khu vực”.
| ASEAN-Vương quốc Anh chính thức khởi động quan hệ đối tác đối thoại Với việc khởi động quan hệ đối tác chính thức này, AUKJCC - bao gồm Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN, Đại ... |
| Nâng tầm và phát triển toàn diện quan hệ đối tác ASEAN-Canada Sáng ngày 21/6, đã diễn ra Đối thoại trực tuyến ASEAN-Canada cấp Trưởng SOM thường niên lần thứ 19. Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng ... |