"Vai trò trung tâm" đã được pháp điển hóa, vừa trở thành mục tiêu, vừa là nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN. (Nguồn: The StraitsTimes) |
Thêm 2 đối tác và 6 thành viên TAC
Tại phiên khai mạc AMM-54sáng ngày 2/8, về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các bộ trưởng đã thảo luận các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và sự tham gia, đóng góp tích cực, xây dựng của các đối tác cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Các bộ trưởng nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực với Brazil. Hội nghị cũng hoan nghênh và chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman và Đan Mạch, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc và giá trị của Hiệp ước trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời đề cao đoàn kết, phát huy nội lực và bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng chia sẻ nhận định về những chuyển động mới trong chính sách, quan hệ và cạnh tranh giữa các nước lớn đang đặt ra cho ASEAN cả thách thức và cơ hội.
Thành quả không tự nhiên mà có
Trong một bài viết đầu năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) Việt Nam đã khái quát rất rõ về vai trò trung tâm của Hiệp hội.
Theo đó, khái niệm "vai trò trung tâm" của ASEAN được hiểu là Hiệp hội luôn phối hợp quan điểm và hành động trong quan hệ với các đối tác, giữ vững vai trò "động lực chính" trong hợp tác cũng như ở "vị trí trung tâm" trong nỗ lực định hình cấu trúc hợp tác ở khu vực. Với sự ra đời của Hiến chương ASEAN, "vai trò trung tâm" đã được pháp điển hóa, vừa trở thành mục tiêu, vừa trở thành nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN.
Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt.
Từ năm nước thành viên ban đầu, ASEAN đã từng bước mở rộng để bao gồm 10 nước Đông - Nam Á. ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với chín nước, Liên hợp quốc và Liên hiệp châu Âu (EU).
ASEAN đã đi đầu khởi xướng thành lập nhiều diễn đàn, cơ chế quan trọng như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), tiến trình ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), qua đó gắn kết các đối tác vào các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.
Vai trò trung tâm của ASEAN còn đến từ các ý tưởng, sáng kiến, chương trình nghị sự mà Hiệp hội đề xuất và dẫn dắt; từ các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung mà Hiệp hội đã xây dựng và chia sẻ; và từ các lợi ích mà các cơ chế, khuôn khổ do Hiệp hội xây dựng mang lại.
Từ đề xuất của ASEAN, nhiều chương trình hợp tác, liên kết khu vực đã được triển khai, như các thỏa thuận thương mại tự do, kế hoạch kết nối… Hàng chục đối tác đã tự nguyện tham gia Hiệp ước TAC, vốn được coi là "bộ quy tắc" của ASEAN điều chỉnh ứng xử của các nước ở khu vực.
Với những thành quả và kinh nghiệm thu được, ASEAN đã cụ thể hóa vai trò trung tâm của ASEAN theo năm khía cạnh, bao gồm vai trò trung tâm trong bản thân ASEAN, trước các vấn đề nóng ở khu vực, trong quan hệ với nước lớn và đối tác đối thoại khác, trong cấu trúc khu vực và trong tham gia, xử lý những vấn đề, thách thức toàn cầu.