Về việc Tổng thống Duterte nêu Phán quyết 2016 của PCA (Tòa Trọng tài thường trực) về vấn đề Biển Đông tại Liên hợp quốc, ngày 24/9 chuyên gia Jeffrey Ordaniel (Chương trình hàng hải Pacific Forum, Mỹ) nhận định việc ông Duterte đề cao Phán quyết là bước đi đúng, nếu Philippines có chiến lược, nước này nên liên tục củng cố tầm quan trọng của Phán quyết 2016.
Phán quyết của PCA là một phần của luật pháp quốc tế
Nhà nghiên cứu tại Trường Quản lý thuộc Đại học Manila, Julio Amador III, nhận định: “Động thái này không nên bị xem nhẹ”, sau khi ông Duterte đưa ra phát biểu trên. Ông Amador cho rằng chính quyền của Tổng thống Duterte giờ đây xem phán quyết là phần trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Philippines.
Học giả Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines), cho rằng cần theo dõi thêm hành động của chính quyền Duterte sau khi ông Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của Phán quyết.
Trước đó, trong bài diễn văn được ghi âm trước gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9 nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này, Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh phán quyết của PCA ủng hộ về vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bài diễn văn gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9, Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh phán quyết của PCA ủng hộ về vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: UN/AFP) |
Tổng thống Duterte nói: "Philippines khẳng định cam kết đó ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016”, cho rằng phán quyết của PCA “hiện là một phần của luật pháp quốc tế, vượt xa khỏi sự thỏa hiệp cũng như nằm ngoài tầm với của những chính phủ muốn làm phai nhạt, giảm bớt hoặc từ bỏ (phán quyết này)”.
Nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm làm suy yếu phán quyết đó”, Tổng thống Duterte cũng ca ngợi sự ủng hộ của nhiều quốc gia với phán quyết này.
Vì một giải pháp hòa bình
Sau phát biểu của Tổng thống Duterte, phát ngôn viên Phủ Tổng thống, ông Harry Roque, diễn giải rõ hơn về phát biểu của Tổng thống.
Theo ông Roque, phát biểu của Tổng thống Philippines chỉ đơn giản nhắc lại chính sách mà ông từng nhiều lần nêu trước đó trước Trung Quốc.
“Tôi không nghĩ đó là một thông điệp mạnh mẽ. Đó là lời tái khẳng định một chính sách đã tồn tại. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Duterte tuyên bố sẽ không nhường một tấc đất nào thuộc chủ quyền quốc gia. Điều này nhất quán với tuyên bố của ông trên cương vị Tổng thống về không nhượng bộ chủ quyền”, ông Roque nói.
Ông Roque cũng cho rằng những người chỉ trích lâu nay không chịu lắng nghe các tuyên bố về chủ quyền của Tổng thống Duterte. Một nước đơn lẻ không có khả năng hiện thực hóa phán quyết. Cách thức tốt nhất để thực thi phán quyết là các bên liên quan công nhận giá trị của văn bản này.
Theo phát ngôn viên Phủ Tổng thống, vũ lực không phải là giải pháp. Còn một cách khác, đó là đoàn kết về một giải pháp hòa bình, đó là đưa ra Đại hội đồng LHQ.
Ông Roque cũng thêm rằng Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi các khía cạnh hợp tác khác trong quan hệ với Trung Quốc, bởi tranh chấp lãnh thổ khó có thể được xử lý dứt điểm trong tương lai gần. Chính quyền Tổng thống Duterte sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực các lĩnh vực khác, nhất là thương mại và đầu tư với Trung Quốc.
Bài toán cân bằng
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 21/9, trong một bài phát biểu trước Quốc hội nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin khẳng định Philippines sẽ không tán thành yêu cầu của Trung Quốc về việc đưa các cường quốc Phương Tây, trong đó Mỹ, ra khỏi khu vực Biển Đông.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Ngoại trưởng Teodoro Locsin tuyên bố “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc về việc loại trừ các cường quốc Phương Tây khỏi Biển Đông. Các cường quốc phương Tây cần được hiện diện tại vùng biển này để đảm bảo cân bằng”.
Vụ kiện được người tiền nhiệm của ông Duterte, ông Benigno Aquino III, đưa ra LHQ và được coi là một thắng lợi mang tính bước ngoặt của Philippines khi PCA khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc mà Bắc Kinh đánh dấu trên bản đồ bằng cách sử dụng "Đường 9 đoạn" bao phủ phần lớn lãnh hải là không có cơ sở.
Trung Quốc từ chối tham gia vào quá trình phân xử, bác bỏ và tiếp tục thách thức phán quyết này.
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte, người lên nắm quyền ngay sau khi có phán quyết, phần lớn giữ im lặng về phán quyết này để tránh làm mất lòng Bắc Kinh.
Bình luận về chính sách của Philippines đối với Trung Quốc, mạng tin Eurasia Review ngày 18/9 cho rằng chính sách đối ngoại tự chủ hiện hành của Tổng thống Duterte tránh đề cập Trung Quốc như kẻ thù, bởi lẽ nước này đang cố gắng tiết chế quan hệ với Bắc Kinh.
Manila đang cố gắng làm bạn với tất cả, và không muốn trở thành kẻ thù của ai. Tuy nhiên, việc tránh đối đầu với Trung Quốc là không thực tế.