📞

Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc tập trận dồn dập, quốc tế 'đồng thanh' phản đối yêu sách phi pháp

11:14 | 26/08/2020
TGVN. Quân đội Trung Quốc gần đây đã tiến hành tập trận dồn dập trên Biển Đông nhằm phản ứng trước những động thái của Mỹ. Nhiều tổ chức trên thế giới đã lên tiếng phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại vùng biển quan trọng này.

Tập trận dồn dập

Quân đội Trung Quốc tiến hành 6 cuộc tập trận đồng thời ở các khu vực duyên hải khác nhau trong tuần này giữa lúc căng thẳng leo thang với Mỹ ở Biển Đông.

Báo South China Morning Post đưa tin, ngày 23/8, cơ quan hàng hải tỉnh Quảng Đông thuộc Cục quản lý an toàn hàng hải Trung Quốc đã công bố lượt tập trận mới ở khu vực ngoài khơi vùng bờ biển phía Nam kéo dài từ ngày 24-29/8.

Trước đó, hôm 22/8, cơ quan hàng hải đảo Hải Nam thông báo Bắc Kinh sẽ tiến hành một cuộc tập trận tương tự ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc ở Biển Đông vào cùng thời gian này. Các lực lượng Trung Quốc cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận riêng rẽ ở miền Bắc, trong đó có một cuộc tập trận ở Hoàng Hải dự kiến kết thúc vào ngày 26/8 và một cuộc tập trận bảo vệ bờ biển ở ngoài khơi tỉnh Hà Bắc kéo dài đến cuối tháng 9. Ngoài ra, hai cuộc tập trận khác sẽ diễn ra ở vùng biển Bột Hải.

Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở các vùng biển gần bờ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp-PV) đối với phần lớn khu vực này.

Tín hiệu chính trị và tác chiến

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm tổ chức các cuộc tập trận báo hiệu khả năng huy động lực lượng tại nhiều địa điểm, mặc dù Bắc Kinh không nhằm mục đích lao vào một cuộc chiến chống lại Mỹ.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định, 4 cuộc tập trận của Trung Quốc vào thời điểm này đã phát đi những tín hiệu cả về mặt chính trị và tác chiến.

Ông Collin Koh nói: "Động thái của Trung Quốc trước hết nhằm vào các hoạt động quân sự gia tăng gần đây của Mỹ tại Biển Đông. Về mặt tác chiến, nó cho thấy khả năng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong việc huy động lực lượng lớn để huấn luyện trên nhiều vùng biển, điều này cũng nhấn mạnh rằng PLA không hề bị ảnh hưởng bởi đại dịch".

Trong khi đó, Tống Trung Bình, một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng bất kỳ xung đột nào trong tương lai cũng có thể xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc, đây là lý do vì sao Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận hải quân khác nhau vào cùng một thời điểm.

Quốc tế phản đối yêu sách phi lý

Vừa qua, hơn 80 tổ chức, hội đoàn tại châu Âu, Canada, Australia, Mỹ và Nhật Bản đã gửi thư đến 3 Ngoại trưởng của Anh, Nhật Bản và Ấn Độ, kêu gọi họ lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo nội dung bức thư đề ngày 24/8, các tổ chức đồng ký tên khẳng định: “Chúng tôi, những tổ chức ở khắp nơi trên thế giới ký tên dưới đây khẩn thiết kêu gọi quý vị, tiếp theo những tuyên bố của các chính phủ Mỹ và Australia, hãy bác bỏ những yêu sách tùy tiện của Trung Quốc tại Biển Đông”.

Những tổ chức, cá nhân ký vào lá thư chung còn phân tích rằng Anh, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia dân chủ vùng biển, do đó 3 nước nên cùng có vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng, qua việc củng cố sự tôn trọng những quy định luật pháp quốc tế.

Họ cũng khẳng định “yêu sách đường chín đoạn” của Trung Quốc rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Điều này đã được tái xác định bởi phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực vào năm 2016 rằng yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử của Trung Quốc không có giá trị”.

Cuối thư, các tổ chức cho rằng các cường quốc cần phải cương quyết chống lại sự hung hăng và xâm lấn của Trung Quốc. Do đó, họ ghi rõ “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ của quý vị phối hợp với Mỹ và Australia chính thức bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông để tái lập nền tảng cho một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và an toàn”.

(theo SCMP, Newsweek)